Thừa thầy, thiếu thợ, nhiều cử nhân phải "học lùi"

Thứ Hai, 17/10/2016, 09:18
Tốt nghiệp đại học (ĐH) với tấm bằng cử nhân trong tay, không ít người nghĩ đến viễn cảnh tương lai xán lạn đang mở ra trước mắt. Tuy nhiên, hiện thực diễn ra tréo ngoe khi sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng (TC, CĐ) dễ dàng tìm được công việc phù hợp thì nhiều cử nhân ĐH lại lận đận. Vậy mới có chuyện nhiều cử nhân đã chọn “học lùi” với mong muốn tìm được công việc mưu sinh.

Cử nhân khó xin việc

Anh Nguyễn Văn Vũ - Phó phòng Đào tạo nghề thuộc Trung tâm Dịch vụ Việc làm (TTDVVL) Đồng Tháp cho biết, trung tâm đang tiếp nhận 14 trường hợp cử nhân ĐH đăng ký “học lùi” hệ CĐ và TC nghề kế toán, thú y và bảo vệ thực vật. Tương tự, tại Trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp, cũng có 4 cử nhân đăng vào “học lùi”. Anh Vũ lý giải, hiện tượng sinh viên tốt nghiệp ĐH đăng ký học hệ thấp hơn là để dễ dàng tìm kiếm công việc phù hợp. 

Trong 3 năm trở lại đây, số lượng cử nhân ĐH đăng ký “học lùi” tại Đồng Tháp rất nhiều. Bạn Nguyễn Thị Thủy Tiên (25 tuổi, ngụ xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười) cho biết, năm 2013, Tiên tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản hệ ĐH. Từ đó đến nay, Tiên nộp hồ sơ nhiều nơi phù hợp với ngành nghề đã học nhưng không có nơi nào nhận. Theo lời Tiên, khi ra trường mới biết ngành nghề này rất kén chọn nữ, các chủ ao đôi khi còn rất kỵ nhận nữ vào làm.

Trong thời gian theo học ĐH, Tiên vay ngân hàng số tiền 20 triệu đồng, nghĩ rằng khi ra trường tìm được việc làm trả nợ. Nhưng đứng trước cảnh trên, Tiên phải làm đủ thứ ngành nghề như: tiếp thị sản phẩm, bán bảo hiểm… để mưu sinh. 

“Những công việc này lương chỉ tạm đủ sống nên đến giờ em vẫn chưa trả hết nợ”, Tiên nói. 

Sau đó, nghe bạn bè rủ, Tiên chọn “học lùi” Trung cấp Thú y  tại TTDVVL Đồng Tháp mong có cơ hội tìm việc làm. Cám cảnh với hoàn cảnh của chị gái, Nguyễn Thị Ngọc Thảo (19 tuổi, em gái Tiên) cũng không mặn mà với giảng đường ĐH mà đăng ký theo học lớp Trung cấp Thú y.

Nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp THPT chọn học định hướng đi xuất khẩu lao động thay vì học tiếp lên đại học.

Trường hợp của anh Trần Minh Phước (30 tuổi, ngụ xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh) cũng tương tự. Tốt nghiệp hệ ĐH ngành Khoa học môi trường. Năm 2011, Phước bôn ba khắp nơi để tìm việc nhưng không nơi nào nhận. Theo lời anh Phước, cùng lớp với anh có hơn 40 người nhưng chỉ có 4 người xin được việc đúng về ngành nghề đã học. Những người khác phải tìm các công việc khác để mưu sinh. Hiện tại, anh Phước đang theo học hệ Trung cấp Thú y. 

“Học ĐH không phải là con đường duy nhất để tiến thân, chọn học nghề hiện nay là phù hợp. Vì học kiến thức thực tế, ra trường có tay nghề nên cơ hội việc làm sẽ rất cao”, anh Phước bày tỏ với hoàn cảnh của mình.

Dẫu sao Tiên và Phước còn có điều kiện học lại và chọn ngành phù hợp, có nhiều trường hợp bạn bè của Tiên, Phước phải cất bằng ĐH ở nhà để xin đi làm công nhân tại các công ty thuỷ sản. Thế nhưng, theo lời Tiên, nhiều công ty cũng ngại nhận công nhân có bằng cấp ĐH vì sợ phải trả lương cao hơn so với lao động phổ thông. Cạnh đó, có nhiều người không đi làm thì ở nhà lập gia đình, rồi quay ra làm ruộng. Nhiều bạn gia đình có điều kiện thì học lên thạc sĩ...

Nguyên nhân do đâu?

Nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH chia sẻ, thời còn đi học, các tân sinh viên đều có chung là tâm lý học cao và chọn ngành theo ý thích. Việc định hướng lựa chọn ngành nghề của thầy cô cho các em cũng còn hạn chế, dẫn đến lơ mơ chọn ngành theo ý thích hay nhu cầu thực tế. 

Bạn Hồ Minh Viễn (23 tuổi, ngụ xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) cho biết, thời còn học phổ thông nhiều thầy cô phân luồng học sinh chọn theo danh sách các ngành nghề, em nào thích thì chọn hoặc hướng dẫn chọn các ngành “hot” thời điểm đấy. Tuy nhiên, sau khi học xong thì các ngành này rất khó kiếm việc làm. Ngoài ra, việc gia đình quyết cho con cái theo học ĐH cũng xuất phát từ tâm lý học cao, trong khi thực tế sinh viên tốt nghiệp các trường nghề lại dễ dàng tìm kiếm việc làm hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Đồng Tháp, tình trạng nhiều cử nhân “học lùi” rất đáng lo ngại. Vì việc “học lùi” này không chỉ gây tốn kém thời gian, chi phí, tổn hao sức khỏe của người học, gia đình họ mà còn gây ra những áp lực cho công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. “Có lẽ do ảnh hưởng tâm lý, tuổi tác... nên thái độ và tinh thần học tập của phần lớn các cử nhân không tốt bằng học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông”, bà Tuyết chia sẻ.

Cũng theo bà Tuyết, để không còn tình trạng nói trên cần sự tăng cường công tác hướng nghiệp từ lúc các em còn ngồi trên ghế phổ thông. Bên cạnh đó, cần mở nhiều buổi hướng nghiệp từ những người thực hiện công tác việc làm ở các trung tâm dịch vụ, giới thiệu việc làm. Bởi những nơi này nắm sát thực tế nhu cầu việc làm của các công ty, doanh nghiệp và thị trường lao động. Ngoài ra, việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động cũng là cứu cánh giải quyết tình trạng “học lùi” trình độ giải quyết tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.

Qua thống kê, có 95% học viên vào học nghề tại Trung tâm DVVL Đồng Tháp ra trường có việc làm ngay. Không ít trong số này đăng ký xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản. “Sau 3 năm hợp tác xuất khẩu lao động trở về các em dành dụm được từ 500-600 triệu đồng trở lên. Khi đó, các em có thể đi học hoặc tự làm chủ, trong khi bạn bè cùng lứa học đại học tốn chi phí gia đình mà không biết ra trường có được việc làm hay không”, bà Tuyết bày tỏ.
Trần Hùng – Văn Vĩnh
.
.
.