Thiếu và yếu như... Hội đồng trường

Thứ Hai, 24/04/2017, 08:51
Quá trình áp dụng thể chế hội đồng trường trong giáo dục ĐH nước ta đến nay vẫn đang rơi vào tình trạng vừa thiếu lại vừa yếu.


Việc đưa thể chế hội đồng trường (HĐT) vào hệ thống giáo dục  đại học (ĐH) từ năm 2003 là một bước tiến đáng ghi nhận trong lộ trình tự chủ ĐH. Tuy nhiên, quá trình áp dụng thể chế HĐT trong giáo dục ĐH nước ta đến nay vẫn đang rơi vào tình trạng vừa thiếu lại vừa yếu. Đó là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo “Hội đồng trường- Khâu đột phá trong việc thực hiện tự chủ đại học” do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa tổ chức tại Hải Dương.

“Khi HĐT chỉ như bánh xe thứ 5 của một cỗ xe”

Theo GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, một  trong những bước tiến quan trọng về thể chế quản lý giáo dục ĐH là việc đưa HĐT đầu tiên trong Điều lệ trường ĐH năm 2003, sau đó khẳng định trong Luật Giáo dục năm 2005, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009 và Điều lệ trường ĐH năm 2010.

Tuy vậy, cho đến năm 2010, cả nước mới chỉ khoảng 10 trường ĐH có HĐT. Kết quả khảo sát sơ bộ tại một số trường ĐH cho thấy, hầu hết các trường, trong đó có trường đã thành lập HĐT gần 5 năm như ĐH GTVT Hà Nội, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh hay các trường chưa có HĐT đều xem HĐT chỉ mang tính hình thức và không có nhiều tác dụng.

Một chủ tịch HĐT đã ví HĐT như bánh xe thứ 5 của một cỗ xe; tác dụng của HĐT chỉ giới hạn như hội đồng tư vấn, mọi quyền quyết định đều nằm trong tay Ban Giám hiệu.

Chỉ có một trường duy nhất là Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, hoạt động của HĐT là có hiệu quả. Lý do là ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Chủ tịch HĐT là Chủ tịch Công đoàn TP Hồ Chí Minh, người ngoài trường ĐH, còn ở các trường khác, chủ tịch HĐT đều là người trong trường, và về mặt quyền lực trong nhà trường thường ở dưới cấp hiệu trưởng.

Ngoài ra, các trường được khảo sát đều cho biết, theo thể chế hiện nay, các hiệu trưởng và hiệu phó đều do cơ quan chủ quản bổ nhiệm, không qua đề nghị của HĐT, hiệu trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp trước cơ quan chủ quản của mình. Trong thực thi, các hiệu trưởng không thấy có sự ràng buộc thực tế nào với HĐT và cơ quan chủ quản cũng không thật sự coi trọng HĐT.

 PGS.TS Lý Hoàng Ánh, Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cũng nêu quan điểm: Hiện nay mới chỉ có 58/169 trường ĐH công lập có HĐT. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chức năng giữa HĐT và hiệu trưởng đang có sự chồng lấn nên phần lớn hiệu trưởng không muốn tiếp nhận cơ chế HĐT.

Bên cạnh đó, HĐT trong các ĐH công lập được giao quyền lực rất lớn, nhưng không có quyền bầu và miễn nhiệm hiệu trưởng vì đây là quyền của cơ quan chủ quản. Vì vậy, hiệu trưởng không phải chịu trách nhiệm trước HĐT.

Ngoài ra, Đảng ủy trường là cơ quan lãnh đạo trực tiếp, toàn diện các hoạt động của trường và chưa có quy định về mối quan hệ cụ thể với HĐT. Do đó, HĐT, trong điều kiện và chừng mực nào đó vẫn chỉ dừng lại ở hình thức, chưa thể hiện hết được vị trí, vai trò của mình, và hầu như không thể hiện được vai trò của một tổ chức quyền lực.

Để tránh bệnh hình thức, chỉ nên thành lập HĐT ở những cơ sở giáo dục đã hội đủ các điều kiện.

Chưa nên thành lập HĐT một cách đại trà

Cũng theo chia sẻ của GS Lâm Quang Thiệp, vào năm 2011 và 2012, trong quá trình xây dựng Luật Giáo dục ĐH, HĐT từng là một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất với nhiều tranh cãi. Tuy vậy, từ phía các trường ĐH, cũng đã có những hiệu trưởng nhận thức được rất rõ và đánh giá cao vai trò của HĐT.

Một hiệu trưởng trường ĐH từng chia sẻ: HĐT tạo cho hiệu trưởng cảm giác “an toàn” hơn nhiều khi điều hành, vì khi nhà trường phải đối mặt với các quyết định lớn quan trọng trong công việc, có thể gây phản ứng của nhiều đối tượng khác nhau, thì HĐT là chỗ dựa vững chắc cho hiệu trưởng, giúp hiệu trưởng làm được những việc lớn hơn, có ý nghĩa hơn cho nhà trường và xã hội.

Thừa nhận thể chế HĐT là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình thực hiện tự chủ ĐH, song nhiều ý kiến cho rằng, ở thời điểm hiện tại, chưa nên thành lập HĐT ở tất cả các trường ĐH mà chỉ nên thí điểm ở những trường đã hội đủ các điều kiện cần và đủ.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: Để hoạt động của HĐT đi vào thực chất, chỉ nên thành lập HĐT ở những trường ĐH  đã thể hiện đủ năng lực để được Nhà nước trao quyền tự chủ trên cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình và đã được giải phóng khỏi cơ chế bộ chủ quản.

Đặc biệt, cơ cấu thành viên của HĐT phải thể hiện tính “cộng đồng” thật sự của chủ sở hữu. Do đó, số lượng các thành viên “ngoài trường” trong HĐT phải chiếm tỷ lệ cao, khoảng 70%.

Ngược lại, chưa nên thành lập HĐT ở những trường còn duy trì cơ chế kiểu tập quyền, đặc biệt ở những trường trực thuộc các bộ, ngành, những trường không trực thuộc Bộ GD&ĐT. 

“Vấn đề HĐT không chỉ khó về học thuật mà còn đang bị ràng buộc, chồng lấn về cơ chế nên muốn thực hiện thì chúng ta không thể khẳng định ngày một ngày hai sẽ làm được mà cần có lộ trình. Chỉ khi vai trò của HĐT thực sự có hiệu quả thì chúng ta mới tạo ra sự đột phá được cho giáo dục ĐH”, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Huyền Thanh
.
.
.