Thi trên máy tính đòi hỏi quy chế phải rất chặt chẽ để tránh tiêu cực

Thứ Hai, 30/09/2019, 19:45
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) báo cáo Chính phủ dự thảo các phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020, dư luận xã hội rất quan tâm đến những nét mới của phương án thi THPT quốc gia.


Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng công nghệ thông tin để tổ chức thi trên máy tính là chủ trương đúng, phù hợp với xu thế chung. Tuy vậy, dư luận băn khoăn về phương thức tổ chức thi trên máy tính trong điều kiện nhiều địa phương còn khó khăn.

Giáo sư (GS) Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo Đại học và Sau đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những chia sẻ với PV Báo CAND xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa GS Nguyễn Đình Đức, ông đánh giá như thế nào về dự thảo phương thức thi THPT quốc gia dự kiến sẽ được Bộ GD&ĐT áp dụng từ sau năm 2020?

GS. Nguyễn Đình Đức: Tôi cho rằng, đề xuất phương án thi cả trên giấy và trên máy tính của Bộ GD&ĐT lên Chính phủ là phù hợp vì phương án này không quá khác biệt với các phương án thi đang thực hiện, chỉ khác là có thêm các trung tâm khảo thí cùng tham gia. Về cơ bản, việc cho phép học sinh vừa thi trên giấy, vừa thi trên máy tính sẽ phù hợp với các vùng miền, nhất là các vùng sâu, vùng xa. Khi tất cả các vùng miền đều đủ điều kiện thì sẽ tiến hành thi đồng loạt trên máy tính.

GS Nguyễn Đình Đức.

Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay, trước mắt Bộ GD & ĐT vẫn phải cầm trịch, nghĩa là giao việc tổ chức thi cho các Trung tâm khảo thí độc lập nhưng các trung tâm này phải chịu sự giám sát, quản lý trực tiếp của Bộ, đặc biệt là việc xây dựng ngân hàng đề thi chung. Điều này sẽ thuận lợi hơn trong việc các trường ĐH công nhận kết quả của các Trung tâm khảo thí, công nhận kết quả của nhau trong xét tuyển đại học.

Thực tế cho thấy, khi chưa có mặt bằng chung, đề thi chung thì việc học sinh chuyển đổi từ trường này sang trường khác sẽ khó khăn.

PV: Thưa ông, với quy mô trên dưới 1 triệu thí sinh dự thi THPT quốc gia như hiện nay, dư luận lo ngại việc tổ chức thi trên máy tính sẽ cần một nguồn kinh phí khổng lồ cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng.

GS. Nguyễn Đình Đức: Rõ ràng thi trên máy tính sẽ đòi hỏi một nguồn kinh phí đầu tư lớn hơn rất nhiều so với thi trên giấy. Tuy nhiên, nếu chúng ta áp dụng theo cách thi chuẩn hóa như kỳ thi SAT của Hoa Kỳ thì sẽ không quá tốn kém vì không phải đầu tư nhiều mà sẽ giao cho các trung tâm khảo thí độc lập thực hiện.

PV: Vậy chúng ta cần những điều kiện gì để đảm bảo việc thi trên máy tính sẽ khả thi, thưa Giáo sư?

GS. Nguyễn Đình Đức: Ưu điểm của hình thức thi trên máy tính là thi xong có kết quả luôn. Điều này sẽ đảm bảo sự khách quan, trung thực. Việc tổ chức thi nhiều lần trong năm cũng giúp giảm bớt áp lực cho thí sinh. Nếu học sinh học chưa tốt thì có thể tiếp tục học để thi lại, tạo tâm lý thoải mái. Tôi cho rằng hình thức thi này tương đối phù hợp với bối cảnh giáo dục Việt Nam đang hội nhập với quốc tế. Việc sử dụng kết quả bài thi chuẩn hóa này có thể áp dụng đối với Việt kiều, người nước ngoài đến Việt Nam khi xét tuyển vào các trường ĐH. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cần lưu ý 4 yếu tố. Đó là đề thi, coi thi, chấm thi và cuối cùng là xét tuyển.

Về đề thi chuẩn, trước mắt, Bộ GD&ĐT cần nâng cao chất lượng bộ đề, nội dung bộ đề phải công khai và có bộ ôn tập chuẩn giống như kỳ thi SAT ở Mỹ. Bộ GD&ĐT cũng sẽ nghiên cứu ban hành bộ tài liệu để hệ thống hóa các kiến thức cơ bản lại. Trên cơ sở bộ tài liệu thống nhất, các trường yên tâm, lấy kết quả để xét tuyển ĐH. Do bài thi trên máy tính thực hiện thông qua phần mềm, người có chìa khóa có thể can thiệp điểm nên quy chế thi phải hết sức chặt chẽ từ Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD & ĐT đến các trung tâm khảo thí độc lập đặt tại các địa phương nhằm giám sát, tránh tiêu cực nảy sinh.

Trên thực tế, các kỳ thi SAT của Mỹ không hoàn toàn tổ chức hết ở Mỹ, nhưng họ có công cụ, phương tiện để giám sát nên việc tổ chức kỳ thi tại những địa điểm khác vẫn đảm bảo chặt chẽ.

 Them nữa, do việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho việc thi trên máy tính khá tốn kém nên theo tôi, cần làm theo lộ trình. Cơ sở vật chất như đường truyền hiện đại, máy tính, hệ thống camera giám sát, bàn ngồi ngăn cách phải được đảm bảo. Cuối cùng, đội ngũ cán bộ khảo thí của các trung tâm khảo thí được đặt tại các địa phương cần phải được tập huấn kỹ để nâng cao trách nhiệm trong quá trình tổ chức thi.

Đổi mới phương án thi đòi hỏi một bộ đề thi chuẩn hóa là yêu cầu bức thiết.

PV: Một trong những điều dư luận băn khoăn là ngân hàng đề thi. Theo quan sát của GS, ngân hàng đề thi hiện nay của chúng ta đã được chuẩn bị như thế nào?

GS. Nguyễn Đình Đức: Theo tôi được biết, qua mấy năm vừa rồi, ngân hàng đề thi đã được nâng cao chất lượng, theo chuẩn đầu ra của chương trình. Với đề thi chuẩn hóa, đòi hỏi đáp ứng các câu hỏi mang tính suy luận, phù hợp với phát triển năng lực. Đây là cơ sở để các trường chọn học sinh giỏi vào đại học và xác định học bổng. Để đạt được điều này, Bộ GD&ĐT phải có bộ đề chuẩn hóa để công khai minh bạch.

Trên cơ sở đó, người học có cơ sở để ôn tập, không sợ năm nay dễ năm sau khó, các trường đại học với các phân khúc chất lượng khác nhau cũng yên tâm khi sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào trường. Điều này cần có thời gian. Tôi tin rằng, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phải chuẩn bị các bước đầy đủ, kỹ lưỡng theo lộ trình như vậy.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương – Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.