Thí sinh không nên “tham” quá nhiều nguyện vọng

Thứ Hai, 29/06/2020, 06:18
Ngày 30-6 là thời hạn cuối cùng học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2020. Mặc dù quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ quy định thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tuy nhiên bằng kinh nghiệm thực tiễn, nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, thí sinh không nên “tham” quá nhiều nguyện vọng.


GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Theo quy chế tuyển sinh 2020, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ có một lần được điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Chẳng hạn, nếu thí sinh có 10 nguyện vọng chỉ có nhu cầu thay đổi trật tự sắp xếp các nguyện vọng thì các em có thể hoàn toàn điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký trực tuyến trên máy tính, smartphone.

Còn giả dụ các em đã đăng ký 5 nguyện vọng rồi, giờ thêm 3 nguyện vọng nữa thì cần điều chỉnh trên giấy và nộp trực tiếp. Với mỗi nguyện vọng bổ sung thêm, thí sinh phải nộp thêm 30.000 đồng tiền lệ phí.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong khoảng 3 năm gần đây, trung bình mỗi thí sinh chỉ đăng ký khoảng 4-5 nguyện vọng. Ảnh minh họa

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, từ thực tiễn tuyển sinh những năm qua cho thấy, thí sinh không nên chọn quá nhiều nguyện vọng vì vừa tốn kém chi phí đăng ký lại không chắc đã giải quyết được vấn đề. Tốt nhất, thí sinh xác định đúng ngành nghề mình yêu thích, sau đó xếp thứ tự nguyện vọng từ cao xuống thấp, trường nào, ngành nào thích nhất sẽ được ưu tiên xếp trên.

Lưu ý với các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường Công an, Quân đội, chuyên viên của Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Đối với các thí sinh dự thi và đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường Công an, Quân đội chỉ được ĐKXT vào những trường này ở nguyện vọng 1.

Ngoài ra thí sinh còn phải thực hiện hồ sơ sơ tuyển (mua tại Công an quận/huyện hoặc Ban chỉ huy Quân sự quận/huyện). Hiện thời gian sơ tuyển được kéo dài đến 20-6. Nếu thí sinh không trúng tuyển vào các trường thuộc khối Công an, Quân đội ở nguyện vọng 1 thì vẫn được tiếp tục xét tuyển ở các nguyện vọng tiếp theo đã đăng ký.

Các chuyên gia tuyển sinh của Học viện Tài chính cũng cho rằng: Đối với phương thức xét tuyển ĐH-CĐ bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2020, các em cần lưu ý đề thi năm nay theo chương trình giảm tải, chủ yếu phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp nên độ phân hóa của đề thi sẽ không cao bằng năm 2019 trở về trước. Do đó, mặt bằng điểm thi sẽ tương đối cao kéo theo điểm chuẩn xét tuyển của các trường, đặc biệt là trường top đầu dự kiến sẽ có thể sẽ cao hơn năm 2019.

Điều này đòi hỏi thí sinh phải sáng suốt lựa chọn trường, chọn ngành nghề phù hợp. Đừng chọn trường, ngành quá sức học vì mức độ cạnh tranh sẽ gay gắt, cơ hội trúng tuyển sẽ không cao. Nên ưu tiên vào những trường, những ngành học yêu thích nhưng cũng có khả năng trúng tuyển cao bằng cách tham khảo kỹ điểm chuẩn trúng tuyển của những năm trước.

Ngoài ra, thí sinh cũng cần đa dạng các hình thức xét tuyển như xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng học bạ để tăng cơ hội trúng tuyển vào những ngành học, trường học mà mình thực sự yêu thích.

Bà  Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Thời gian qua, khi cho phép thí sinh ĐKXT không giới hạn nguyện vọng, hầu hết các em trúng tuyển và nhập học ở 1 trong 3 nguyện vọng đầu tiên trong lần xét tuyển đợt 1.

Số thí sinh trúng tuyển trong những đợt xét tuyển lần 3, 4, 5 chiếm tỷ lệ rất ít. Vì thế, dù có những thí sinh đăng ký tới hàng chục nguyện vọng, nhưng nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1, 2 thì sẽ không sử dụng tới nguyện vọng thứ 3, 4 nữa.

Do vậy, các em vẫn cần phải xác định được nguyện vọng 1, 2 là nguyện vọng chính, quan trọng nhất, phù hợp với năng lực và mong muốn của mình. Cũng theo chia sẻ của bà Thủy, ở thời điểm này, có thể các em đã xác định rõ ngành nghề yêu thích, trường đại học yêu thích. Các em không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng ở nhiều nơi khác nhau, chỉ nên đăng ký vừa đủ. Đã từng xảy ra trường hợp 1 thí sinh đăng ký tới hàng chục nguyện vọng, nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau.

Điều này sẽ khiến các em bị phân tán nguồn lực, sự tập trung cần thiết để vào được ngành/trường mình mong muốn. Thí sinh nên dựa trên khả năng nguyện vọng sở thích/sở trường, có thể phát huy tốt trong lĩnh vực gì, điều kiện gia đình để lựa chọn ngành học phù hợp. Đặc biệt, các em phải bám sát, nắm bắt thường xuyên thông tin về phương án tuyển sinh của các trường trên website để đăng ký nộp hồ sơ tuyển sinh, tránh tình trạng bị trùng hoặc sai nguyện vọng.

Huyền Thanh
.
.
.