Thi sinh được điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần, giảm lệ phí xét tuyển

Thứ Năm, 25/03/2021, 12:49
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 25/3.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã giới thiệu một số điểm mới trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2021. Theo bà Thuỷ, năm nay thí sinh được đăng ký nguyện vọng xét tuyển qua hai hình thức bằng phiếu và trực tuyến. Trong đó, hình thức trực tuyến điều chỉnh sẽ dễ hơn, thuận lợi hơn cho cả thí sinh và cả các điểm tiếp nhận. Bên cạnh đó, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần thay vì 1 lần như trước đây. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội

Đối với việc xác nhận nhập của thí sinh, dự thảo quy chế tuyển sinh đề xuất dùng bản chính kết quả thi tốt nghiệp THPT để đăng ký nhập học chứ không sử dụng các kết quả khác để đảm bảo sự thống nhất trong toàn hệ thống. “Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục thử nghiệm cho học sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo hình thức trực tuyến. Đối với các trường tổ chức tuyển sinh riêng, ngoài việc đảm bảo quy chế, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các trường tổ chức 1 kỳ thi chung, xét tuyển theo nhóm để giảm áp lực cho học sinh, gia đình, xã hội”-bà Thuỷ cho biết.

Phần lớn ý kiến đến từ các trường đại học đều đồng thuận với những điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh năm 2021 nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh. GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo, ĐHQG Hà Nội cho rằng, việc Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký trực tuyến là phù hợp, làm cho công tác tuyển sinh gọn nhẹ, dễ dàng, thuận lợi hơn cho thí sinh. Tuy vậy ông Đức đề xuất, việc thay đổi nguyện chỉ cần 2 lần là đủ. Thời gian điều chỉnh cũng chỉ nên kéo dài trong 10 ngày.

Còn theo GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, do kỳ ỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn còn giá trị khi 50% chỉ tiêu của các trường vẫn phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi. Do vậy, các trường đại học mong muốn Bộ GD&ĐT chủ trì cả 3 khâu từ ra đề thi, coi thi, chấm thi. “Năm ngoái, do dịch bệnh, đề thi tốt nghiệp THPT ra ở mức kiến thức cơ bản, năm nay đề thi cần có sự phân loại mạnh hơn, tạo điều kiện cho các trường trong việc sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển”-ông Tú nêu ý kiến.

Năm 2021, Bộ GD&ĐT sẽ giảm lệ phí đăng ký xét tuyển từ 30 ngàn đồng xuống 25 ngàn đồng nhằm chia sẻ khó khăn với thí sinh do dịch bệnh COVID-19

Về lệ phí xét tuyển, các trường đại học đều ủng hộ phương án giảm lệ phí xét tuyển như kiến nghị mà đại diện trường đại học Bách Khoa Hà Nội và Bộ GD&ĐT đưa ra. Theo lãnh đạo Trường đại học FPT Hà Nội, việc giảm lệ phí xét tuyển từ 30 ngàn đồng xuống còn 25 nghìn đồng tuy không phải là con số lớn song sẽ tạo ra hiệu ứng tốt nhằm chia sẻ với thí sinh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã nhận phần thiệt về mình để mức giảm lệ phí trên sẽ không ảnh hưởng đến các Sở GD&ĐT và các trường.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định: Công tác tuyển sinh về cơ bản sẽ giữ ổn định và tiếp tục cải tiến phù hợp, thuận lợi nhất cho thí sinh. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trong năm 2021, dự báo, các trường sẽ tổ chức thi riêng, xét tuyển riêng sẽ đa dạng hơn năm 2020. Do vậy, các Sở GD&ĐT, trường đại học cần chủ động có kế hoạch ứng phó với những biến động do thiên tai, dịch bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh; đồng thuận trong việc chia sẻ kinh phí xét tuyển. Các Sở GD&ĐT cần chủ động có kế hoạch hướng dẫn các trường ôn thi, tổ chức các điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nhằm hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh, hạn chế tối đa các sai sót có thể xảy ra. 

Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra công tác thi, xét tuyển, đặc biệt tại các trường tổ chức thi riêng. Khuyến khích các nhóm trường liên kết, sử dụng kết quả chung trong xét tuyển nhằm tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Bộ GD&ĐT sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành cùng các trường để công tác tuyển sinh đạt hiệu quả, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.


Thu Phương - Huyền Thanh
.
.
.