Thầy và trò vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên bộn bề nỗi lo trước năm học mới

Thứ Hai, 04/09/2017, 09:25
Chỉ còn vài ngày nữa là năm học mới 2017-2018 bắt đầu. Khác hẳn với không khí háo hức, rộn ràng của thầy và trò nơi chốn thành thị thì những điểm trường ở vùng sâu, vùng xa của Tây Nguyên vẫn còn bộn bề những nỗi lo thiếu trường, thiếu lớp, thiếu học sinh…

Đưa ánh mắt xa xăm nhìn vào những mái tôn thủng lỗ chỗ, bức tường loang lổ bong tróc hết sơn trong căn phòng nội trú của các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (đóng tại thôn 11, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), nhiều thầy cô không cầm được nước mắt cho biết, mỗi khi năm học mới bắt đầu thì thầy cô và trò của trường lại bộn bề nỗi lo.

Ngoài nỗi lo thiếu trường, thiếu lớp, thiếu học sinh thì chỗ ăn ở cho các em nội trú đang khiến thầy cô day dứt nhất trong nhiều năm qua. “Hầu hết các em theo học là con nhà nghèo, cơm không đủ ăn, áo không có mặc. Nhiều em cả tuần đi học chỉ mặc có một bộ đồ duy nhất. Khi tìm hiểu thì các em cho biết, vì gia đình đông anh em, nhà lại quá nghèo nên không thể mua sắm quần áo mới”, cô giáo Lê Thanh Kim Huệ cho hay.    

Theo chân thầy La Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đi thăm những căn phòng nội trú của các em, chúng tôi mới thấu hiểu những nỗi vất vả của thầy và trò nơi đây biết nhường nào. “Trước đây, để có chỗ ăn ở và học tập, phụ huynh các em phải mượn tạm đất của nhà trường để dựng lên nhưng căn lều tạm.

Con đường đến trường còn nhiều gian nan của học sinh miền núi Tây Nguyên.

Hai năm trước, một tổ chức từ thiện đã xây hỗ trợ cho nhà trường 6 phòng bán trú, bây giờ trở thành nơi ở thường xuyên của gần 70 em trong trường. Mỗi phòng được xây rộng khoảng 12m2, tuy hơi chật nhưng cũng đủ cho 12 em trong một phòng, hai em ngủ chung một giường vẫn được.

Từ ngày có nhà xây kiên cố, mấy căn nhà tôn cũ được chuyển thành nơi nấu ăn và nhà tắm. Tuy nhiên do không có điện, các em vẫn phải sử dụng củi để nấu nướng”, thầy Tuấn cho hay.    

Cũng theo thầy Tuấn, trong năm học 2017-2018, trường có khoảng 16 lớp học với gần 500 học sinh. “Gần 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là dân tộc Mông theo gia đình di cư từ phía Bắc vào học tập. Các em hầu hết sinh ra trong gia đình đông con, bố mẹ lo đi làm nương rẫy quanh năm nên việc học cũng như chăm sóc bản thân các em hầu như tự túc.

Do đường đi lại khó khăn, nhà lại ở xa trường nên đến ngày đầu tuần, bố mẹ các em mới mang thực phẩm như rau quả, gạo và cá khô ra “tiếp tế”. Nhiều em vì không biết chi tiêu, đến giữa tuần đã hết sạch thực phẩm nên nhiều hôm phải nhịn đói đến lớp. Đã có trường hợp vì nhịn đói mà đang học giữa chừng thì bị ngất xỉu”, thầy Tuấn thông tin thêm.

Cũng trên địa bàn xã Quảng Hòa, nằm cách Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc chừng 2 giờ đi bộ, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn và THCS Quảng Hòa cũng đang khó khăn không kém. Để ổn định cho việc ăn học của gần 40 em học sinh nội trú, nhà trường đã phải mượn tạm 3 căn nhà tái định cư của người dân trong xã làm nơi trọ học. Mỗi căn nhà rộng chừng 20m2 nhưng có đến 8 em ở trọ và cũng là nơi làm bếp nấu nướng, sinh hoạt.

Nói về những khó khăn nơi đây, thầy giáo Đỗ Ngọc Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Hòa cho hay, là một xã vùng sâu, vùng xa, có đến 90% hộ nghèo nên việc học chữ của con em nơi đây đang gặp nhiều khó khăn.

“Nhiều em vì ở quá xa, nhà lại quá nghèo nên đã phải nghỉ học giữa chừng. Số học sinh bám trụ ở nội trú để kiếm con chữ cũng chẳng khá giả gì hơn. Việc ăn học, chăm sóc bản thân hầu như các em tự lo, tự chăm sóc lẫn nhau. Nhiều hôm ghé thăm nơi ở của các em mà thầy cô không cầm được nước mắt. Hy vọng, trong thời gian tới địa phương sẽ lập được khu bán trú để các em được hưởng chế độ bán trú, qua đó có điều kiện chăm lo đời sống ăn ở, học hành của các em hơn”, thầy Khanh nói.

Rời xã Quảng Hòa của tỉnh Đắk Nông, chúng tôi tìm đến phân hiệu Trường Tiểu học Cư Pui 2 đóng chân tại thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk để tìm hiểu không khí của thầy và trò nơi đây trước những ngày khai giảng năm học mới. Để đến được phân hiệu này, từ trung tâm xã chúng tôi phải băng qua đoạn đường rừng hơn 20km. Đường nhấp nhô, dốc dựng đứng, có đoạn nhầy nhụa bùn đất, có đoạn vắt vẻo bắc ngang qua mấy con suối...

Thấy chúng tôi, thầy giáo Đỗ Văn Trung, một trong những giáo viên cắm bản thuộc diện “lão làng” ra đón và cho biết: “Ở đây, thầy và trò chúng tôi dường như sống tách biệt với bên ngoài nên công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng cũng đơn giản lắm.

Chỉ lau dọn lại phòng học, trang hoàng đơn giản, không hoa hòe, trống nhạc như những nơi khác. Cái lo chính là nơi ăn ở nội trú cho các thầy cô và động viên, thuyết phục các trò đến lớp đều đặn mới là mối quan tâm hàng đầu”.

Cũng theo thầy Trung, do trường nằm khá tách biệt nên đường sá đi lại khó khăn, điện không có, sóng điện thoại chập chờn lúc có lúc không. “Nhiều lúc muốn gọi về cho gia đình cũng phải leo hàng trăm mét lên đỉnh đồi mới liên lạc được. Nhiều thầy cô trẻ khi mới đến đây nhận công tác đã muốn trở về. Tuy nhiên, khi nghĩ lại thấy thương các em nên thầy cô chúng tôi tự động viên lẫn nhau cố gắng để dạy cho các em biết chữ. Dạy ở đây phải có cái tâm và lòng yêu trẻ mới bám trụ được”, thầy Trung chia sẻ.

Theo tìm hiểu, trong tổng số khoảng 250 học sinh đang theo học tại trường hằng năm thì có nhiều em nhà cách xa trường hàng chục cây số đường rừng. Một phần vì đường sá xa xôi, một phần do gia đình chưa thực sự quan tâm đến chuyện học hành của con cái nên tình trạng các em nghỉ học xảy ra thường xuyên.

“Những lúc như thế, mình phải xuống tận nhà các em để thăm hỏi. Nếu để các em nghỉ nhiều thế nào cũng bỏ học. Mình xuống để động viên, vận động các em đi học để biết chữ. Dù biết là khó, là khổ nhưng vì thương các em nên chúng tôi vẫn cố gắng hết sức”, cô Nguyễn Thị Phước tâm sự.

Sau những ngày rong ruổi khắp các buôn, bản làng vùng sâu ở Tây Nguyên, tôi nhận ra một điều: Trong cuộc sống sôi động, tấp nập hôm nay vẫn có những thầy giáo, cô giáo chấp nhận hy sinh, sẵn sàng nhận thiệt thòi về mình, ngày đêm bám trường, bám buôn, bám bản để “gieo” con chữ cho con em đồng bào dân tộc giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Các thầy, các cô luôn tâm niệm xem các em như con, cháu của mình. Và động lực giúp các thầy, cô giáo vượt qua mọi khó khăn chính là niềm hy vọng “con chữ” sẽ làm thay đổi được cuộc đời và những vùng đất còn nhiều gian khó này.

Văn Thành
.
.
.