Thầy Nguyễn Quốc Hùng với xu hướng mới trong dạy tiếng Anh

Thứ Hai, 05/11/2018, 08:09
Tôi đến thăm thầy Nguyễn Quốc Hùng (77 tuổi, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, thầy giáo dạy tiếng Anh nổi tiếng trên Đài Truyền hình Việt Nam) khi hay tin ông vừa xuất bản một cuốn sách mới.

Cuốn sách có tên “Dạy tiếng Anh: Xu hướng mới”. Đây là một công trình tâm huyết mà thầy Hùng đã dành thời gian hơn 13 năm để tìm đọc các công trình, tài liệu nước ngoài, từ đó nghiên cứu, chắt lọc những phương pháp học tiếng Anh mới, hiệu quả để đưa vào cuốn sách này.

Ngôi nhà nhỏ, ước chừng khoảng 30m² của thầy Hùng nằm trong một con ngách của ngõ số 4 phố Phương Mai, Hà Nội.

Lên đến gác lửng giữa tầng 2, tôi ấn tượng và dừng lại ngắm nhìn một căn phòng đang mở cửa với chật kín những sách trên giá. Thầy Hùng giới thiệu, đây là phòng làm việc của vợ ông. 2 vợ chồng ông bà vốn học cùng khoa Ngữ Văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bà cũng rất đam mê đọc sách và nghiên cứu.

Tôi chỉ đặt ra một câu hỏi duy nhất với thầy Hùng, đó là những xu hướng mới trong cách học tiếng Anh mà thầy đề cập trong cuốn sách này có ưu điểm gì hơn với cách học truyền thống? Thầy Hùng chưa vội trả lời ngay.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng dành trọn sự nghiệp gắn bó với công tác giảng dạy tiếng Anh.

Thầy Hùng chia sẻ, đến khi học hết lớp 12, trung bình một học sinh có ít nhất 7 năm học tiếng Anh (nếu bắt đầu học từ lớp 6). Còn đối với học sinh ở thành phố hay những nơi có điều kiện, các em được học ngay từ lớp 1. Tuy nhiên, sau thời gian học rất dài ấy, kết quả cuối cùng của các em vẫn hết sức hạn chế nếu như không muốn nói là rất kém cỏi.

Thầy Hùng cho biết, theo số liệu mà ông nắm được, trung bình cả nước những năm gần đây, tỉ lệ trượt môn tiếng Anh ở kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 ở con số đáng quan ngại. Còn theo thông tin trên báo chí, gần đây nhất, ở kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, tỷ lệ thí sinh bị điểm dưới trung bình (điểm 5) cũng không phải nhỏ.

“Là một nhà giáo lâu năm trong nghề, tôi và nhiều thầy cô giáo khác rất buồn và trăn trở trước những con số thống kê này. Vì vậy, tôi luôn đau đáu để tìm ra hướng đi mới, phương pháp dạy và học mới để cải thiện tình trạng trên. Đó là lý do tôi quyết tâm để xuất bản cuốn sách này” – thầy Hùng chia sẻ.

Theo thầy Hùng, ở trên thế giới, từ lâu nay các nước đã nghiên cứu và áp dụng thành công những phương pháp dạy và học tiếng Anh mới. Tất cả những phương pháp được đề cập trong cuốn sách của ông không phải là do ông sáng tạo ra, mà là ông học hỏi và chắt lọc lại để giới thiệu về Việt Nam.

Theo ông, cách học truyền thống có nhiều nhược điểm, khó giúp người học đạt được hiệu quả cao. Trong khi các phương pháp mới tỏ ra khá ưu việt.

Thầy Hùng ví dụ, theo cách học truyền thống, người ta sẽ tách riêng các phần học như: Nghe, nói, đọc, viết, từ vựng, ngữ pháp... Như cách học từ vựng truyền thống, người dạy sẽ đưa ra một từ và dịch ra tiếng Việt. Tuy nhiên, trong cuốn sách của thầy Hùng, cách học sẽ là học một cụm từ thường hay gắn với nhau. Như vậy người học sẽ dễ nhớ và dễ vận dụng trong các trường hợp cụ thể.

Ví dụ như thay vì học một từ “tea” (chè, trà), cuốn sách sẽ hướng dẫn học các cụm từ như: pha chè (made tea); uống chè (drink tea)… như vậy, trong một tình huống, một lần học, người học sẽ biết thêm từ và dễ dàng vận dụng những cụm từ này trong các tình huống giao tiếp cụ thể. Về phương pháp học, thầy Hùng cũng lấy thêm dẫn chứng.

Ông chia sẻ rằng, trước đây, thầy giáo có thể đưa ra một bức tranh và yêu cầu học sinh tả lại bức tranh ấy bằng tiếng Anh. Tuy nhiên đối với ông, trong giờ học, ông có thể yêu cầu tất cả các học sinh trong lớp xuống sân trường và tự chụp lấy những bức ảnh mà mình thích chụp (có thể chụp bằng điện thoại hay mượn điện thoại để chụp – pv). Sau đó khi trở lại lớp, thay vì yêu cầu học sinh tả lại bức ảnh, ông sẽ yêu cầu học sinh phân tích nó. Phân tích tại sao lại chụp bức ảnh ở góc độ này, nội dung trong bức ảnh có ý nghĩa như thế nào?...

Thầy Hùng cho rằng, làm như vậy sẽ đặt học sinh vào vị trí trung tâm. Học sinh được thỏa sức sáng tạo (chụp các góc ảnh) và khi về gặp thầy, họ sẽ được trình bày tư duy và quan điểm của chính mình về một tác phẩm mà chính họ là người thực hiện. Như vậy, 10 em học sinh thì sẽ có 10 tác phẩm khác nhau, không ai trùng với ai. Kết quả, học sinh sẽ không bị động và rất hào hứng trong buổi học thay vì bị động tiếp thu kiến thức một chiều áp đặt trong sách vở từ thầy giáo.

Thêm một yếu tố nữa mà thầy Hùng cho rằng rất quan trọng, đó là phải học tiếng Anh song song với học văn hóa. Ví dụ như ngay ở các nước nói tiếng Anh như nước Anh hay nước Mỹ, đã có nhiều cách phát âm và sử dụng từ khác nhau mà nếu không hiểu văn hóa của họ, người nghe sẽ không hiểu được nghĩa của từ.

Bên cạnh đó, thầy Hùng có quan điểm rằng, yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo chính là người thầy. Vì vậy ông hi vọng rằng, cuốn sách của ông sẽ đến được với nhiều thầy cô giáo đang làm công tác giảng dạy môn tiếng Anh.

“Khi các thầy cô tiếp cận với cuốn sách, họ có thể làm thử. Khi thấy được ưu điểm, hiệu quả, họ sẽ tự khắc vận dụng vào việc dạy học sinh của mình. Phải thay đổi từ thầy cô giáo, thay đổi từ chính phương pháp giáo dục truyền thống của họ sang các phương pháp hiện đại mà rất nhiều nước phát triển trên thế giới đang áp dụng. Tôi hi vọng cuốn sách này sẽ góp phần vào việc thay đổi đó” – thầy Hùng chia sẻ.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng là một trong những chuyên gia về giảng dạy Tiếng Anh hàng đầu ở Việt Nam với 34 năm công tác và giảng dạy tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, 21 năm xây dựng các chương trình Tiếng Anh trên truyền hình VTV2 (từ năm 1986 đến 2007) và 13 năm trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (từ năm 1994 đến 2007).

Đến nay, thầy Hùng đã biên soạn trên 100 cuốn sách phục vụ giảng dạy và học tập tiếng Anh, xây dựng hơn 1.000 bài giảng trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông từng du học tại Ấn Độ, Anh và làm nghiên cứu sinh ở Singapore. Cuốn sách “Dạy tiếng Anh: Xu hướng mới” ông vừa xuất bản dày 183 trang với 4 chương: Dạy tiếng Anh trong thế kỷ 21; Giáo trình: Học giao tiếp; Người thầy dạy tiếng trong thiên niên kỷ thứ 3 và Công nghệ trên lớp dạy tiếng trong thiên niên kỷ thứ 3.

PV
.
.
.