Thành công bước đầu trong cải cách giáo dục

Chủ Nhật, 09/08/2015, 09:36
Tuy đã bước sang tuổi 88 nhưng Giáo sư (GS) Hoàng Tụy, học giả hàng đầu của nền khoa học và giáo dục Việt Nam vẫn luôn tâm huyết, trăn trở với ngành Giáo dục nước nhà. Đánh giá về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, ông khẳng định đây là thắng lợi bước đầu của Bộ GD&ĐT trong cải cách giáo dục. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS Hoàng Tụy để làm rõ hơn về nhận định này.

PV: Thưa GS Hoàng Tụy, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và phần lớn nhận được sự đồng tình, đánh giá cao. Giáo sư nhận định như thế nào về những thay đổi của kỳ thi này?

GS Hoàng Tụy: Muốn đánh giá về kỳ thi năm nay, trước hết chúng ta phải nhìn lại cách thi và mùa thi những năm trước. Suốt một thời gian dài, chúng ta đã quá quen với hình ảnh người người đi thi, nhà nhà đi thi, cả nước đi thi khi mỗi mùa thi tốt nghiệp THPT và thi đại học đến. Cách thi ấy không tiêu cực chỗ này thì chỗ khác… Trên thế giới không ai thi như vậy.

Giảm tiêu cực thi cử cũng cần nhưng chưa đủ, phải xem thay đổi bản chất của kỳ thi. Về nguyên tắc, sau THCS trở đi, mỗi cấp học đều phải đào tạo chuyên (ở mức độ thích hợp) một hoặc một vài ngành nghề hay lĩnh vực. Vì thế một số học phần học sinh phải nắm vững khi ra trường, bởi vậy học xong sẽ thi ngay, cuối cấp không thi lại nữa.

Giáo sư Hoàng Tụy.

Nói “có học có thi” phải hiểu là như vậy,  không phải học môn gì thì cuối cấp phải thi lại hết. Giống như trong một nhà máy làm ra một sản phẩm gồm nhiều bộ phận, chi tiết riêng rẽ (môđun) lắp ghép lại thì từng môđun phải được kiểm tra kỹ chất lượng ngay khi sản xuất; đến khi có thành phẩm cuối cùng, nếu có kiểm tra thì chỉ kiểm tra chất lượng lắp ráp, không ai lại lôi từng môđun ra kiểm tra chất lượng.

Do đó, để kiểm tra chất lượng “thành phẩm” cuối cùng đó, kỳ thi tốt nghiệp chỉ cần tổ chức một kỳ thi nhẹ nhàng hoặc làm một tiểu luận với mục đích chủ yếu để kiểm tra trình độ tổng hợp (giống như kiểm tra chất lượng lắp ráp các môđun). Như vậy không phải là bỏ thi như một số người hiểu lầm mà là thay kiểu thi tốt nghiệp nặng nề cũ bằng một cách thi khác, hiệu quả và ít tốn kém hơn.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 với hình thức thi cử mới, xét tốt nghiệp có đánh giá cả quá trình học tập của thí sinh ở bậc THPT thể hiện được sự đánh giá toàn diện. Với hình thức thi 3 môn chính Văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn tự chọn là rất đúng đắn, tạo điều kiện cho thí sinh phát huy được năng lực và sở trường của mình. Cách thi này phù hợp với tính chất của bậc học THPT, tránh được rủi ro “học tài thi phận”, tránh được các tiêu cực thường xảy ra trong các kỳ thi tốt nghiệp kiểu cũ, đồng thời cung cấp thông tin để các trường đại học dựa vào đó tuyển sinh.

PV: Những thay đổi đó sẽ có tác động như thế nào đến ngành Giáo dục, thưa Giáo sư?

GS Hoàng Tụy: Trong Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, cải cách thi cử là khâu đột phá của cải cách, một khâu cực kỳ quan trọng. Thay đổi khâu đó sẽ tác động đến việc giảng dạy, học tập và mở đường cho những cải cách về chương trình, sách giáo khoa. Có thể ví von thế này: Nếu muốn tấn công vào một thành trì, bạn không thể tấn công vào trung tâm, mà phải tìm một vị trí chiến lược, sao cho ngay khi tấn công sẽ lay chuyển toàn bộ cục diện.

Nhờ dựa trên quan niệm đúng đắn về thi cử, nên kỳ thi THPT Quốc gia tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm, giảm thiểu rủi ro cho thí sinh và tạo điều kiện thúc đẩy việc dạy và học theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tích cực.

Một thay đổi lớn là thay cho hai kỳ thi riêng biệt cách nhau một tháng, nay gộp lại chỉ còn một kỳ thi duy nhất, vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Chỉ riêng điều này đã tiết kiệm được một khối lượng lớn công sức, tiền của cho xã hội và Nhà nước. Bớt một kỳ thi là bớt biết bao công việc căng thẳng và tốn kém từ khâu ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi, rồi công bố kết quả cho hàng triệu thí sinh. Chỉ nguyên cái việc ra đề thi và đảm bảo bí mật cũng đã quá vất vả, chưa nói việc di chuyển của hàng triệu con người trong một thời gian ngắn ở từng địa bàn hẹp. Cho nên việc rút gọn chỉ còn một kỳ thi là một cải tiến lớn.

Thật ra cái ý tưởng rút gọn này đã có từ nhiều năm trước, nhưng bây giờ mới thực hiện được. Vấn đề phức tạp ở chỗ thi tốt nghiệp và thi tuyển vào đai học có những yêu cầu rất khác nhau, không dễ kết hợp được trong một kỳ thi duy nhất. Nếu làm không tốt, không đúng, sẽ còn tai hại hơn là cứ để hai kỳ thi như cũ.

Rất may là kỳ thi THPT quốc gia vừa qua đã giải quyết được mắc mứu đó, để có một kỳ thi "hai trong một" thành công. Mấu chốt của sự cải tiến này là dựa vào tư duy đổi mới về thi tốt nghiệp THPT như đã nói ở trên. Nếu cứ thi tốt nghiệp kiểu cũ, nghĩa là thi hầu hết các môn và hoàn toàn không chú ý gì đến thành tích học tập của thí sinh ở trường, thì đúng là không cách nào vừa thi như thế, lại vừa kết hợp phục vụ sự tuyển chọn vào đại học, cao đẳng. Nhưng nhờ thay đổi quan niệm, coi thành tích học tập ở phổ thông cũng là một căn cứ khi xét tốt nghiệp, và thi tốt nghiệp chỉ cần kiểm tra một số môn cơ bản.

Do đó, để cuộc thi có thể giúp các đại học có thông tin phục vụ việc tuyển chọn, thì ngoài các môn cơ bản, cho thí sinh được tự chọn nhiều môn thi phù hợp với năng lực sở trường để tổ hợp thành các nhóm môn theo yêu cầu xét tuyển của từng khối ngành đại học.

Cách thiết kế kỳ thi THPT Quốc gia như thế rất hợp lý. Khâu tổ chức thực hiện cũng khá suôn sẻ, tuy không tránh khỏi một số hạn chế, thiếu sót mà rồi đây Bộ GD&ĐT sẽ phải rút kinh nghiệm cho năm sau. Nhưng cơ bản đây là một thành công đáng kể, một thắng lợi quan trọng bước đầu trong cuộc đổi mới toàn diện, cơ bản nền giáo dục.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Thúy Hằng (thực hiện)
.
.
.