Không công bố đề thi và đáp án thi THPT quốc gia:

Tăng ngờ vực, tước quyền giám sát kỳ thi của xã hội

Thứ Sáu, 13/01/2017, 12:10
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, sẽ không công bố đề thi và đáp án hầu hết các môn thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, trừ môn Ngữ Văn, nhiều chuyên gia giáo dục đã bày tỏ sự không đồng tình với chủ trương này.

TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: Việc Bộ GD&ĐT không công bố đề thi và đáp án các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 là không hợp lý và điều này sẽ tạo cho xã hội có thêm những hoài nghi, ngờ vực không đáng có về kỳ thi sắp tới.

“Tôi nghĩ rằng, có vẻ như Bộ GD&ĐT đang có một sự nhầm lẫn hoặc đánh đồng giữa kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Sở dĩ kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN không công bố đề thi và đáp án vì kỳ thi được diễn ra trên máy tính và thí sinh thi ở nhiều thời điểm khác nhau. Còn tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, thí sinh cả nước đều làm bài thi trên giấy và đồng loạt diễn ra cùng một thời điểm nên việc không công bố đề thi và đáp án với lý do để “tiết kiệm” và có thể dùng đề thi cho các lần thi sau là không thuyết phục”- ông Khuyến đặt vấn đề.

Các chuyên gia cho rằng, việc không công bố đề thi và đáp án thi THPT quốc gia 2017 sẽ khiến xã hội hoài nghi, ngờ vực về kết quả của kỳ thi. Ảnh minh họa

Cũng theo phân tích của TS. Lê Viết Khuyến, có thể lý do khiến Bộ GD&ĐT quyết định không công bố đề thi và đáp án liên quan đến cách làm đề cho kỳ thi quốc gia năm 2017. Theo Bộ GD&ĐT, nhằm chống quay cóp, mỗi thí sinh trong phòng thi sẽ được làm một đề hoàn toàn khác nhau, do đó số câu hỏi được sử dụng sẽ rất nhiều, nếu công bố đề thi thì ngân hàng đề thi mà Bộ đang xây dựng sẽ “mất mát” quá lớn.

“Cá nhân tôi cho rằng, Bộ không cần thiết phải làm nhiều đề thi như vậy mà chỉ cần làm một số đề thi rồi tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên để chọn một đề thi duy nhất. Lý do của việc chỉ nên chọn một đề thi là nếu mỗi thí sinh trong phòng thi được làm một đề hoàn toàn khác nhau, thì việc đảm bảo mức độ tương đương của mọi đề thi sẽ khá khó khăn, nên việc so sánh điểm thi của các thí sinh với nhau sẽ có vấn đề. Còn trong trường hợp, nếu lo ngại các thí sinh ngồi cạnh nhau có thể quay cóp khi dùng chung một đề thi thì Bộ hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này bằng các giải pháp kỹ thuật. Đó là với các đề thi trắc nghiệm, Bộ chỉ cần trộn trật tự các câu hỏi và trật tự các đáp án là thí sinh dù ngồi cạnh nhau cũng không thể trao đổi hay nhìn bài của nhau”- ông Khuyến cho biết.

Ông Khuyến cũng cho rằng, việc công bố đề thi và đáp án, ngoài việc để cho thí sinh, phụ huynh, giáo viên và toàn thể xã hội yên tâm về sự công khai, minh bạch của kỳ thi thì đây còn là lực lượng có thể hỗ trợ Bộ GD&ĐT giám sát, thẩm định đề thi, từ đó có thể có những điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh. 

“Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, với những đề thi được xã hội phát hiện có sai sót, Bộ GD&ĐT đều có thể điều chỉnh đáp án hoặc barem chấm điểm để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh” - ông Khuyến khẳng định.

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Nếu nhìn nhận một cách khách quan, việc công bố đề thi và đáp án thi THPT quốc gia 2017 sẽ mang đến nhiều cái “lợi”.

Điều này phù hợp với xu hướng tạo sự minh bạch trong hệ thống giáo dục mà Bộ đang khuyến khích. Thí sinh và xã hội hoàn toàn yên tâm và hoan nghênh vì có thêm kênh giám sát các bộ phận có trách nhiệm làm đề thi và xem xét đề thi nếu có vấn đề thì xử lý để đảm bảo sự công bằng.

Về phía các bộ phận làm đề thi cũng sẽ tăng ý thức trách nhiệm khi được giám sát. Đây cũng chính là lý do mà nhiều nước đã quyết định công bố đề thi ở các kỳ thi quốc gia.

 “Việc không công bố đề thi sẽ mang đến nhiều bất lợi. Trước hết, nó ngược với xu hướng khuyến khích sự minh bạch hiện nay, khiến thí sinh và xã hội nghi ngờ, không yên tâm vì mất quyền giám sát. Trong khi đó, cái lợi của việc không công bố đề thi thì thực ra rất nhỏ, đó là giữ được bí mật cho một số ít câu hỏi và giúp cho những người có trách nhiệm làm đề đỡ “lo lắng” vì không bị xã hội giám sát” - GS.Lâm Quang Thiệp đặt vấn đề.

Huyền Thanh
.
.
.