Tăng dân số và sự mất cân đối về trường lớp

Thứ Bảy, 12/09/2015, 17:27
Quĩ đất cho xây trường không tăng mà tình hình tăng dân số cơ học khiến nhiều địa bàn có số phòng học quá ít mà phải gánh số HS quá lớn. Thầy cô mệt mỏi còn HS cũng khổ sở vì phải ngồi học trong cảnh bị nhồi nhét, chen chúc.

“Điệp khúc”quá tải sĩ số, thiếu phòng học, giáo viên

Được biết, tại 2 địa bàn là quận Bình Tân và huyện Bình Chánh khi mới chia tách vào năm 2003, quận chỉ có khoảng 312.000 dân, tới 2015 tăng lên khoảng 700.000 dân, tức gấp đôi, trong đó có những phường có số dân “kỷ lục” tới 70.000 dân. Áp lực dân cư rất lớn. 

Trong đó năm học này quận có 95.000 HS ở các cấp. Như vậy, số HS tăng gần 13.000 HS so với 2014. Và số HS mới này đều không có hộ khẩu thường trú. Tính riêng tại phường Bình Trị Đông A ( quận Bình Tân) năm học này có hơn 700 trẻ vào lớp 1, nhưng trong phường có duy nhất 1 trường Tiểu học, nhận “hết cỡ” cũng chỉ được 300 HS. Nhiều trẻ vào học Tiểu học của phường phải đi học nhờ ở phường khác.

Khối Mầm non và Tiểu học vẫn luôn là “điểm nóng” về thiếu trường, lớp tại TP. Hồ Chí Minh.

Thống kê ở huyện Bình Chánh, năm 2003 có 253.000 dân, năm 2015 ghi nhận là khoảng 600.000 dân. Hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B đông nhất: mỗi xã hơn 100.000 dân, tương đương với dân số của một huyện. Năm học này, có trên 92.000 HS, tăng hơn 11.000.

Thống kê của Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè hàng năm đều  có tình trạng tăng dân số cơ học vì vậy, dù 5 năm qua (từ 2010-2015), TP đã xây khoảng 8.000 phòng học, trong đó riêng tháng 9/2015 này, đưa vào sử dụng trên 900 phòng học mới, nhưng vẫn không đủ so với nhu cầu thực tế.

Tại quận Gò Vấp, Phòng GD quận cho hay, dù UBND quận rất quan tâm về vấn đề trường lớp nhưng tại phường 12 vẫn chưa có trường MN và trường tiểu học công lập từ nhiều năm nay nên số trẻ trên địa bàn phường này buộc phải sang học nhờ các trường ở các phường khác hoặc có khi phụ huynh phải đưa con sang quận Tân Bình, quận 12 học nhờ. Còn tại một số trường do áp lực phải nhận HS mà đành tăng sĩ số lớp học lên, điển hình như trường tiểu học Kim Đồng  quận Gò Vấp, sĩ số luôn duy trì 51- 52 em/lớp nhiều năm qua.

Trước tình trạng này, nhiều trường phải giảm lớp bán trú, lớp hai buổi để đủ chỗ học như ở trường tiểu học Kim Đồng Gò Vấp năm nay chỉ tổ chức được 20 lớp bán trú.

Được học tập tại ngôi trường hiện đại, khang trang luôn là mơ ước chính đáng của học sinh và phụ huynh.

Về giáo viên chỉ tính riêng huyện Bình Chánh, năm học này cần tuyển tới gần 450 giáo viên. Nhiều quận, huyện khác cũng do tình trạng tăng dân số cơ học mà nhu cầu từ 200 đến 300 giáo viên, song, đã qua hết đợt tuyển dụng, các quận, huyện đều vẫn chưa tuyển đủ số lượng giáo viên cần thiết theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Qui hoạch trường lớp mất cân đối

Được biết, nếu vào những năm đầu giải phóng  số trường lớp các bậc học tại TP Hồ Chí Minh mới dừng ở con số 1.300 trường gồm khối Mầm non (MN) và THPT với trên 800.000 HS, và gần 21.000 giáo viên, CBCNV; thì sau 40 năm, năm 2015, ngành GD-ĐT thành phố đã có nhiều phát triển vượt bậc, tập trung với qui mô trên 2.000 trường; khoảng 1.500.000 HS và trên 68.000 Giáo viên, CBCNV. Như vậy, mỗi năm TP tăng thêm trung bình khoảng 10.000 HS, thế nhưng các dự án xây trường nhiều năm qua rơi vào tình trạng phát triển quá ì ạch, nhiều dự án nhiều năm vẫn giậm chân tại chỗ, không kịp đáp ứng chỗ học cho HS.

Tại quận 12 trong vòng 5 năm nay đều xảy ra tình trạng căng thẳng về lớp học. Dù quận này đã đưa vào sử dụng trường MN Sơn Ca 8 với 18 phòng học, trường MN Sơn Ca 9 với 8 phòng học; trường Tiểu học(TH) Nguyễn Thị Định 30 phòng học; xây dựng thêm 7 phòng học ở trường TH Phạm Văn Chiêu, 7 phòng học ở trường TH Lương Thế Vinh…; đồng thời đầu tư sửa chữa trường lớp và tăng cường các trang thiết bị dạy học cho các trường, thực hiện luân chuyển cán bộ, giáo viên giữa các trường để đảm bảo việc giảng dạy tại các trường. 

Song, với tổng số 252 trường học toàn địa bàn, với gần 80.000 HS, tức qui mô HS đã tăng tới 206% trong 2 năm qua, mà chỉ xây mới được 29 trường khiến tình trạng thiếu  phòng học, thiếu giáo viên vẫn xảy ra. Nguyên nhân do các dự án trường học qui hoạch trong các dự án phát triển khu dân cư mới hầu như chưa được triển khai, do các chủ đầu tư chưa đồng bộ hoặc thiếu năng lực tài chính đã ảnh hưởng tiến độ phát triển trường học.

Cũng theo phân tích của một cán bộ phòng GD quận 12: Chỉ tính riêng tại phường Trung Mỹ Tây, dân số gần 45.000 người nhưng trên địa bàn phường chỉ có 2 trường TH, 1 trường THCS và 1 trường MN. Trong khi trường MN này chỉ tiếp nhận được gần 300 trẻ, mà phường có tới 2.000 trẻ cần có lớp học MN. Theo qui hoạch từ nay tới 2025, phường chỉ được xây mới thêm 1 trường MN. Q.12 có 11 phường, trong đó có Trung Mỹ Tây và Tân Chánh Hiệp là dân số đông nhất nhưng trong qui hoạch thì mỗi phường chỉ có 1 trường MN. 

So sánh với phường lân cận là Đông Hưng Thuận, dân số không đông bằng Trung Mỹ Tây nhưng trong qui hoạch có 8 trường MN hoặc phường Tân Thới Nhất qui hoạch tới 5 trường, còn lại những phường khác cũng từ 3 đến 4 trường MN/phường. Như vậy, trong việc thực hiện các dự án xây trường lớp, riêng khối MN, công tác tư vấn đã chưa nắm bắt kịp thực tế.

Cũng tại quận Thủ Đức, có  3 dự án xây trường mới có từ nhiều năm trước đây như Trường TH Ngô Chí Quốc; Trường THCS Lê Văn Việt và THCS Linh Xuân, tất cả đều là vốn ngân sách thành phố, nhưng  cho đến nay, chỉ có dự án Trường THCS Lê Văn Việt là đã giải ngân được 50% vốn để giải phóng mặt bằng. Còn vẫn phổ biến  tình trạng xây trường xây lớp chậm chạp, “nhỏ giọt”.

Đây chính  là nguyên nhân của việc năm học này, tỉ lệ số lớp/phòng học ở tiểu học của TP Hồ Chí Minh chỉ đạt là 1,4; THCS là 1,2; và THPT là 1,06. Có nghĩa: mỗi lớp không đủ 1 phòng học. Như tiểu học trung bình 14 lớp thì mới có 10 phòng học, còn THCS là 12 lớp có 10 phòng học, THPT là gần 11 lớp có 10 phòng học. ..

Huyền Nga
.
.
.