Tăng cường giám sát của xã hội đối với bữa ăn học đường

Chủ Nhật, 17/03/2019, 19:12
Sự việc hàng chục học sinh trường mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh bị nhiễm sán do ăn phải nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng đã khiến dư luận xã hội, đặc biệt phụ huynh có con đang học bán trú không khỏi cảm thấy bất an về bếp ăn trường học. Nỗi bất an này càng trở nên khó trấn an hơn khi mà hiện nay hầu hết các bếp ăn trong trường học vẫn là “pháo đài” riêng mà phụ huynh rất khó để tiếp cận.


Chất lượng bữa ăn học đường, ai chịu trách nhiệm?

Trước khi xảy ra vụ học sinh mầm non bị nhiễm sán do nghi ăn phải thịt bẩn tại Bắc Ninh, trên cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm đến từ các bếp ăn trường học. 

Đơn cử như gần đây nhất là vụ 350 em học sinh tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Thành phố Ninh Bình) bị ngộ độc do vi khuẩn tụ cầu vàng trong món ruốc gà trong bữa ăn trưa của học sinh tại trường hay vụ 150 em học sinh trường Trường Tiểu học xã Xín Cái (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, đi ngoài đồng loạt sau khi ăn bữa sáng tại trường. 

Thậm chí ngay tại Hà Nội, các vụ việc liên quan đến mất an toàn vệ sinh bếp ăn trường học cũng liên tiếp xảy ra như vụ ngộ độc tập thể tại trường Mầm non Lại Yên (huyện Hoài Đức) khiến 9 trẻ rối loạn tiêu hóa phải nhập viện; vụ khay đựng thức ăn tại trường tiểu học Hoàng Hoa Thám có dòi; nước uống tại trường Tiều học Chu Văn An bị nhiễm khuẩn... 

ữa ăn bán trú của học sinh trường mầm non công lập tại Hà Nội

Đó là còn chưa kể đến hàng loạt vụ việc khác liên quan đến việc phụ huynh tố nhà trường bớt xén khẩu phần ăn của học sinh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, có 3 phương thức cung cấp bữa ăn cho học sinh gồm: trường tự nấu, trường phối hợp doanh nghiệp vào trường nấu và ký hợp đồng mua suất ăn ở bên ngoài đưa vào trường. Và dù lựa chọn phương thức nào thì trách nhiệm đảm bảo an toàn cho học sinh trước hết là do hiệu trưởng nhà trường. Bởi lẽ ngoài học tập, trường phải đảm bảo nhiệm vụ chăm lo sức khỏe học sinh thông qua việc nâng cao chất lượng bán trú, trong đó có chất lượng bữa ăn. 

Cùng với hiệu trưởng, người chịu trách nhiệm cao nhất, các đơn vị doanh nghiệp được ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm cũng là đơn vị cùng chịu trách nhiệm. Điều này cũng đã được quy định rõ trong Thông tư liên tịch số 08 về việc hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an tòa thực phẩm trong các cơ sở giáo dục do Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế ban hành. 

Trong đó đã nêu rất cụ thể quy định về an toàn thực phẩm cho bữa ăn tại nhà trường từ khâu kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung cấp thực phẩm cho các cơ sở giáo dục như nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm; khâu sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển cho đến nhà ăn của các cơ sở giáo dục. Vì thế, nếu để xảy ra ngộ độc sau khi phát hiện cơ sở cung cấp thực phẩm không đảm bảo, hiệu trưởng của trường đó và đơn vị cung ứng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Cần cơ chế để phụ huynh cùng tham gia giám sát

Ngoại trừ các đợt kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất của các lực lượng chức năng về an toàn vệ sinh thực phẩm của địa phương thì hiện nay thì bếp ăn trường học vẫn là “lãnh địa” riêng mà hầu như phụ huynh học sinh rất khó có cơ hội được tiếp cận. Rất nhiều phụ huynh than phiền rằng, lẽ ra, trong quá trình tìm hiểu để xin học cho con, phụ huynh phải được tham quan bếp ăn, xem quy trình trữ thực phẩm và nấu nướng, vệ sinh bát đĩa của nhà trường. 

Tuy nhiên,  yêu cầu này hiện đang là chuyện không tưởng ở hầu hết các trường công lập hiện nay. Thậm chí, việc đến trường xem các con ăn trưa thế nào cũng là chuyện bất khả thi vì sau tiếng trống bắt đầu giờ học cũng là thời điểm mà cổng trường khép kín, phụ huynh bất khả xâm phạm. 

Trên một số diễn đàn, nhiều phụ huynh thú nhận, từng tìm đủ mọi cách để thử “đột nhập” vào trường xem bữa ăn trưa của các con thế nào đều bị thất bại vì ngoài bảo vệ, để tiến được đến gần bếp ăn của nhà trường phải qua rất nhiều “vòng vây” khác. 

Do thiếu cơ chế kiểm soát để giảm bớt quyền lực và tăng trách nhiệm của hiệu trưởng nên chất lượng bếp ăn trường học hiện nay dường như chủ yếu phụ thuộc nhiều vào tầm nhìn và cái tâm của người đứng đầu. Thực tế, ngay trên địa bàn Hà Nội hiện cũng đa có một số trường học như mầm non Yên Sở, Hoài Đức đã phân công ca trực của các giáo viên và huy động cả ban phụ huynh của trường vào giám sát khâu giao - nhận thực phẩm hằng ngày. 

Ngoài ra, trường cũng đã trồng thêm rau sạch ngay trong khuôn viên với mong muốn có những bữa ăn an toàn hơn cho học sinh. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là những mô hình kiểu này hiện vẫn còn quá ít.

PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người cho rằng: Việc tham gia giám sát của xã hội, đặc biệt là phụ huynh vào ban giám sát bữa ăn trường học là vô cùng quan trọng và hiệu quả. 

Bởi khi phụ huynh quan tâm và được cùng tham gia kiểm soát chất lượng bữa ăn ở trường học hàng ngày thì sẽ hạn chế được rất lớn tình trạng bếp ăn nhà trường vi phạm các điều kiện vệ sinh khi chế biến, lưu mẫu thức ăn và kiểm soát tốt hơn nguồn gốc thực phẩm phục vụ bữa ăn của con em mình. 

Mong rằng, điều này sẽ được các trường nhận thức đúng và liên ngành Giáo dục-Y tế cũng cần sớm nghiên cứu, tạo cơ chế để các thành viên của ban phụ huynh nhà trường, ban phụ huynh các lớp cùng được tham gia giám sát bếp ăn trường học, để những bữa ăn học đường không còn là nỗi bất an đối với những cha mẹ có con đang học bán trú.

Hùng Quân
.
.
.