Đẩy mạnh đào tạo, giáo dục thông minh, trường học thông minh

Thứ Năm, 15/08/2019, 16:53
Ngày 15-8, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030”. Tham dự hội thảo của lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các trường đại học, nhà khoa học cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước.


Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ rõ định hướng xây dựng các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế nhằm đưa TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm đào tạo nhân lực trình độ quốc tế…

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 54 trường đại học, 52 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 82 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 346 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, hệ thống giáo dục thành phố còn có tổng cộng 2.283 trường mần non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên với 2 triệu học sinh, sinh viên; trên 100 ngàn  giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. 

Thành phố đang tập trung triển khai các bước đi để tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là những con người thông minh, sử dụng các tiện ích, thành tựu khoa học và công nghệ để tạo môi trường sống thân thiện, nâng cao hiệu quả làm việc. Chính vì vậy, việc định hướng trong công tác giáo dục đào tạo nói chung và định hướng trong đào tạo nhân lực trình độ quốc tế nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh trao đổi với các nhà khoa học nước ngoại tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề như: chương trình đào tạo có hợp tác quốc tế và được các tổ chức quốc tế công nhận chất lượng, các chương trình đào tạo được nước ngoài cấp bằng tốt nghiệp hiện có ở TP Hồ Chí Minh; hiện trạng nhân lực, trình độ quốc tế ở một số ngành chủ yếu (công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, y tế, du lịch, quản trị doanh nghiệp,...); hiện trạng, thời cơ và triển vọng để TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm đào tạo nhân lực trình độ quốc tế; triển vọng và khả năng xây dựng các ngành đào tạo theo chuẩn mực quốc tế và được quốc tế thừa nhận; việc phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đào tạo của thành phố với nước ngoài…

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, tại thành phố có hơn 5.000 sinh viên Việt Nam và 2.000 sinh viên quốc tế theo học các chương trình quốc tế và hơn 1.500 lượt giảng viên quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu, giao lưu, học tập tại thành phố. Chất lượng sinh viên tốt nghiệp được xã hội danh giá cao, tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp là 95%.
Có nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo 

Phát biểu tại hội thảo, ông Octavio Heredia, Giám đốc giáo dục mở rộng và tiếp cận toàn cầu, Đại học Bang Arizona mong muốn hợp tác với TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh. Ông Octavio cho rằng việc TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo này là rất thiết thực, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó đòi hỏi nhân tố con người là quyết định. “Cần thiết lập hợp tác công – tư để phát triển nguồn nhân lực bền vững và năng động cho cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Octavio nói.

Chuyên gia nước ngoài dự hội thảo

Còn bà Lee Soo Hool, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cho rằng cần định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ sớm để học sinh xác định được mục tiêu trong việc học tập. Bởi định hướng nghề nghiệp rất quan trọng làm cho học sinh không bị mất phương hướng, hiểu đúng về nghề nghiệp sau khi học tập ra trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, nhất là những kỹ năng mà các doanh nghiệp cần. Điều này cần có sự phối hợp với những đơn vị sử dụng lao động để biết kỹ năng trong mỗi lĩnh vực sau khi được tuyển dụng vào làm việc. Đồng thời cũng cần có chính sách tốt trong việc đãi ngộ để giữ được nguồn nhân tài. “Intel rất mong được hợp tác với TP Hồ Chí minh để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao”, bà Lee cho biết.

Để thực hiện tốt việc đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế, ông Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Việt Đức đề nghị cần có khung pháp lý rõ ràng và cởi mở hơn để giúp các trường đại học tiếp cận tốt hơn với các trường đại học tiên tiến trên thế giới; cần chuẩn hoá chất lượng quản trị giáo dục, tập trung thu hút nhân lực có năng lượng, mở rộng không gian học thuật; thúc đẩy thu hút sinh viên, giáo viên quốc đến Việt Nam và ngược lại, nhất là việc tăng cường đưa sinh viên Việt Nam đi học tập ở nước ngoài. “Điều quan trọng để đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế là phải tăng cường giảng dạy tiếng Anh ở tất cả các bậc học. Bởi hiện nay nhiều sinh viên không đủ trình độ tiếng Anh quốc tế để theo học các chương trình theo chuẩn quốc tế…”, ông Viên nói.

Ông Alan Malcolm, Tổng giám đốc khu vực Châu Á, Tập doàn Pearson cho rằng cần có chương trình giáo dục liên tục nhằm giúp sinh bắt kịp xu hướng thời đại, chứ không phải chỉ học xong đại học là xong.

Các đại biểu dự hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh cho rằng hiện thành phố đi đầu của đất nước về kinh tế, nhưng nếu không đi đầu về nhân lực thì không coi là đi đầu về kinh tế. Do đó, thành phố phải có chương trình đồng bộ để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; cần có hội đồng tư vấn đào tạo nguồn nhân lực quốc tế với khoảng 20 người (10 người Việt Nam và 10 người nước ngoài); có cơ chế tài chính tốt cho chương trình này, tức là thành phố cần có chương trình cho vay để sinh viên học chương trình chất lượng cao và cho làm cam kết trả sau khi ra trường. 

Phải có đầu tư gia tăng - chương trình cho vay kích cầu để triển các trường đại học chất lượng đào tạo quốc tế. Phát triển mạnh mẽ hợp tác công – tư, từ nhu cầu của cá trường đại học nhằm tăng tốc nâng cao trình độ tiếng Anh. Hợp tác công - tư đào tạo giáo viên đảm bảo trình độ quốc tế; đảm bảo để triển khai các môn học, chương trinh đào tạo đạt trình độ quốc tế; kiểm định chất lượng giáo dục đào tạo; nâng cao trình độ quản lý của nhà trường, phương pháp quản lý phải có phương pháp quản lý quốc tế; triển khia các chương trình khởi nghiệp sáng tạo; nhận chuyển giao công nghệ mới, phát triển sản phẩm mới. 

Cần đẩy mạnh đào tạo giáo dục thông minh, trường học thông minh; thành phố nên lập Viện quản lý giáo dục đào tạo để đào tạo nâng cao trình độ quản lý giáo dục nhà trường. Thành phố cũng nên tổ chức hội chợ giáo dục đào tạo kết hợp với hội chợ việc làm, phải có chương trình đào tạo trên mạng miễn phí để người dân học tập mọi lúc mọi nơi. Các trường đại học có nhóm ngành đào tạo giống nhau cũng cần ngồi lại bàn bạc, chia sẻ trong việc hợp tác đào tạo; từng trường cần hợp tác với các trường đại học quốc tế chất lượng cao và thành phố cần chọn quốc gia để hợp tác…

“Trước mắt cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ quốc tế ở 6 lĩnh vực: công nghệ thông tin - truyền thông, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và người máy, y tế, quản trị doanh nghiệp, tài chính ngân hàng, du lịch”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

 


Huyền Nga-Nhân Sơn
.
.
.