Sĩ số đông vì học sinh vào lớp 1 tăng đột biến

Chủ Nhật, 26/08/2018, 06:49
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sĩ số chuẩn của bậc tiểu học là 35-40 học sinh/lớp. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây cho thấy, rất ít các trường ở Hà Nội thực hiện được quy định này.


Ở các quận nội thành, nhất là các khu vực có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, có những lớp học phải “gánh” tới hơn 60 học sinh. Tình trạng quá tải sĩ số càng trở nên căng thẳng hơn khi năm nay số lượng học sinh vào lớp 1 của Hà Nội tăng gần 30.000 em so với năm học trước.

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2018-2019, quận có đông học sinh nhập học lớp 1 nhất Hà Nội là Hà Đông với 11.767 em. Xếp thứ 2 và thứ 3 lần lượt là huyện Đông Anh với 9.829 học sinh và quận Hoàng Mai với 9.785 học sinh.

Tuy nhiên, nếu xét theo số lượng trẻ ở độ tuổi vào lớp 1 trên địa bàn thì quận Thanh Xuân tăng mạnh nhất với 3.082 trẻ, xếp ngay sau đó lần lượt là quận Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy. Hoàn Kiếm là quận duy nhất ở Hà Nội có lượng trẻ ở độ tuổi vào lớp 1 giảm so với năm ngoái.

Sĩ số lớp học quá đông sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trong nhà trường. Ảnh: minh họa

Sự gia tăng đột biến của học sinh lớp 1 tuổi “Rồng Vàng” sinh năm 2012 đã khiến nhiều trường tiểu học trên địa bàn phải “cõng” sĩ số lớp học lên tới 60 em/lớp. Chẳng hạn, Trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), có lớp sĩ số lên tới 68 học sinh; Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) có sĩ số 69 học sinh; Trường Tiểu học Nguyễn Trãi là 64-66 học sinh. Một số trường tiểu học tại khu vực quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy năm nay sĩ số các lớp 1 đều tăng so với mọi năm, trong đó, một số trường có sĩ số 64-65 học sinh...

Năm học mới 2018-2019, Trường Tiểu học Chu Văn An, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai được xếp vào một trong những trường có đông học sinh lớp 1 nhất Hà Nội. Trường đón tổng cộng 1.149 em học sinh, được chia thành 23 lớp. Để giảm sĩ số học sinh trên lớp dưới 60 em/lớp, nhà trường phải tăng số lớp lên, dẫn tới không đủ phòng học, bắt buộc học sinh phải nghỉ học luân phiên thay vì chỉ nghỉ vào thứ 7, chủ nhật.

Năm học 2017-2018, trường này cũng đã phải bố trí một số lớp chỉ nghỉ 1 ngày trong tuần và học bù thứ 7. Điều này gây không ít bất tiện cho cha mẹ học sinh vì ảnh hưởng đến lịch sinh hoạt của gia đình như không có người trông con vào ngày nghỉ luân phiên bởi thứ 7, cả nhà được nghỉ nhưng con lại phải đi học.

Chị Trần Minh Phương, tòa HH2A, Linh Đàm cho biết: “Nhiều khả năng lớp con mình sẽ nghỉ thứ 4, thứ 5 và đi học thứ 2, 3, 6 và thứ 7. Lịch học oái oăm thế này thì không biết gia đình phải bố trí trông con như thế nào”.

Cũng theo chia sẻ của phụ huynh này, để đáp ứng nhu cầu gửi con của những gia đình có con phải học luân phiên, tại khu Linh Đàm đã xuất hiện một câu lạc bộ với nhiều phòng học chuyên để phục vụ các ngày nghỉ của học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An với mức giá trên dưới 100.000 đồng/ngày. Dù mỗi tháng tốn kém thêm 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng nhưng nhiều phụ huynh vẫn phải chọn phương án này vì không thể nghỉ ở nhà để trông con.

Được biết, khu đô thị Linh Đàm hiện có khoảng gần 90.000 dân với gần 100 tòa nhà chung cư, tuy nhiên đến nay chỉ mới có 2 trường tiểu học công lập, trong đó Trường Tiểu học Chu Văn An mới đi vào hoạt động từ năm học 2017-2018.

Không chỉ quận Hoàng Mai, những năm gần đây, Cầu Giấy, Hà Đông và Thanh Xuân cũng luôn là “điểm nóng” trong tuyển sinh đầu cấp khi mà dân số cơ học tại các địa bàn này tăng nhanh hơn tốc độ xây dựng trường lớp.

Chị Hoàng Thanh Loan, có con vào lớp 1 tại trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy) cho biết: “Lớp học quá đông, các con xoay xở cũng đã khó, nói gì chuyện học. Rồi việc giữ trật tự lớp học khi số lượng quá đông, ý thức của các con còn hạn chế, đặc biệt là sự quan tâm của giáo viên đối với các học sinh, rõ ràng là khó có thể sát sao được với sĩ số đông như vậy”.

Còn theo một số giáo viên, vào đầu năm học, do sĩ số lớp đông, ý thức học trò còn chưa đầy đủ, nên giáo viên rất khó khăn với việc giảng bài. Có ngày gần như mất giọng để ổn định trật tự lớp học, thu hút sự chú ý của học sinh. Rồi việc bố trí lớp học, học sinh làm việc nhóm đều rất khó; giáo viên cũng không quan tâm được hết học sinh, vì thế chất lượng dạy và học đều bị ảnh hưởng.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy đã chỉ ra nguyên nhân sĩ số ở một số trường trên địa bàn quận Cầu Giấy tăng cao so với các năm trước. Trong đó, “thủ phạm” chính vẫn là mật độ dân số cơ học tăng cao và nhiều khu đô thị mới mọc lên.

Đặc biệt, có một số khu chưng cư khi xây dựng trên địa bàn quận Cầu Giấy nhưng lại không bố trí quỹ đất để xây trường trường học. Cũng theo ông Phạm Ngọc Anh, ngành Giáo dục đang chịu nhiều áp lực từ việc tăng dân số cơ học.

Đối với những gia đình về Hà Nội thuê nhà làm ăn sinh sống và có giấy tạm trú thì ngành Giáo dục không thể lường trước được số lượng là bao nhiêu/năm. Bên cạnh đó, không ít gia đình có hộ khẩu ở quận Cầu Giấy nhưng đã chuyển đi chỗ khác sinh sống mà không cắt khẩu, khi con họ đi học thì họ chỉ việc mang sổ hộ khẩu đó đi nhập học là xong. Những trường hợp như trên chính là con số ảo, gây khó cho ngành Giáo dục trong công tác tuyển sinh đầu cấp. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều quận nội thành hiện nay mà các cơ quan quản lí cần sớm có giải pháp đồng bộ để khắc phục.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết: Trước tình trạng sĩ số lớp học lên tới 60 hoặc trên 60 học sinh/lớp do số lượng học sinh lớp 1 năm nay tăng đột biến, lãnh đạo Sở đã đề nghị các phòng GD&ĐT căn cứ vào số lượng để điều chỉnh phân bố học sinh.

Qua đó, nhằm tránh trường hợp trong cùng khu vực, trường thì có sĩ số học sinh đông quá, trường lại ít quá. Bên cạnh đó, khi sĩ số học sinh trên lớp tăng cao, các trường cũng phải cố gắng tận dụng toàn bộ cơ sở vật chất để chia lớp nhằm giảm xuống đến mức thấp nhất có thể. Tuy vậy, ông Tiến cũng thừa nhận, đây cũng chỉ là những giải pháp tạm thời.

Để giải quyết bài toán quá tải, về  lâu dài, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp lãnh đạo thành phố, các quận, huyện tăng cường thêm cơ sở vật chất, đảm bảo lộ trình đến năm 2020, tầm nhìn 2030, mỗi lớp sẽ có một phòng học.

Đồng thời, đề xuất UBND TP rà soát quy hoạch mạng lưới trường học để xây dựng và điều chỉnh lại quy hoạch đã được phê duyệt năm 2012. Trong đó, việc quy hoạch cần căn cứ vào số lượng dân cư hiện sinh sống và dự báo dân cư di dân đến, đặc biệt là các khu có chung cư cao tầng để dành quỹ đất đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phòng học, trường học, giáo viên đủ đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có cơ chế khuyến khích, mở rộng, phát triển hệ thống các trường tiểu học ngoài công lập. Điều này một mặt vừa đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân có thu nhập cao, vừa giảm bớt sĩ số lớp học ở trường công lập cũng như giảm bớt chi phí ngân sách Nhà nước đầu tư cho các trường công lập.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đồng đều giữa các trường, điều chuyển giáo viên hợp lý để rút ngắn khoảng cách, hạn chế tình trạng chạy lớp, chạy trường trong một bộ phận phụ huynh.

Riêng đối với các khu chung cư, khu đô thị mới, Sở GD&ĐT cũng đang và sẽ tiếp tục tham mưu với UBND thành phố, các quận, huyện chú trọng chỉ đạo khi xây dựng các khu chung cư thì phải tạo điều kiện tốt nhất cho việc xây dựng các trường tiểu học công lập để đáp ứng nhu cầu của các hộ dân sinh sống trên địa bàn.

Huyền Thanh
.
.
.