Sẽ không thi vào phần kiến thức đã được tinh giản

Thứ Tư, 01/04/2020, 16:51
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố nội dung tinh giản chương trình học kỳ II năm học 2019-2020. Với bậc THCS và THPT, việc tinh giảm được thực hiện đối với tất cả các môn học bắt buộc trong chương trình. 


Nhiều giáo viên cho rằng, với việc ban hành hướng dẫn giảm tải chương trình các môn học cụ thể, Bộ GD&ĐT đã tạo điều kiện tốt nhất để các nhà trường tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá phù hợp với tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19 hiện nay.      

Nhận xét về nội dung tinh giản chương trình môn Ngữ văn bậc THCS và THPT, thầy  Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn, hệ thống giáo dục Hoc mai cho rằng: Khối lượng kiến thức được giảm tải khá lớn, trải rộng trên tất cả các phần Văn, Tiếng Việt và Tập làm văn. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể khối lượng kiến thức, kĩ năng mà học sinh cần học trong phần còn lại của năm học. 

Các kiến thức được giảm tải được chọn lọc theo hướng giữ lại những kiến thức trọng tâm, có sự kế thừa cho những lớp học sau. Bên cạnh các bài được giảm tải trọn vẹn (không dạy), đa phần các bài được giảm tải theo hình thức giảm mục tiêu, yêu cầu bài học, chỉ cốt hình thành khái niệm, giúp học sinh nắm được những đơn vị kiến thức cơ bản và cần yếu nhất. 

“Có 3 hình thức tinh giản chương trình. Thứ nhất là không dạy trọn vẹn một bài, dạng này chiếm số lượng ít, chủ yếu là các bài ôn tập, thực hành, kiểm tra làm ở nhà thay vì làm trên lớp. Dạng thứ hai là khuyến khích học sinh tự đọc/tự làm cả bài hoặc một phần của bài học. Nội dung giảm tải này thường là các phần luyện tập, thực hành trong mỗi bài học.

Ở mỗi bài học, chỉ giữ lại các phần cung cấp kiến thức cơ bản, giúp học sinh hình thành khái niệm. Dạng thứ ba là tích hợp các bài học có cùng chung đặc điểm về nội dung, thể loại. Hình thức giảm tải này chiếm phần lớn nội dung giảm tải”- thầy Nguyễn Phi Hùng chia sẻ.

Cô giáo Hồ Mai Phương, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng nhận định: Bộ GD&ĐT đã tiến hành giảm tải khá triệt để, khiến chương trình dạy học tinh gọn, vừa đảm bảo phù hợp với quỹ thời gian năm học bị thu hẹp, không tạo áp lực học tập cho học sinh đồng thời vẫn đảm bảo được những kiến thức cơ bản, trọng tâm để học sinh tiếp tục học lên chương trình các năm học sau. 
Việc tinh giản chương trình sẽ giúp giáo viên và học sinh giảm bớt áp lực trong dạy và học

Với hướng dẫn này, thầy cô giáo và học sinh sẽ dễ dàng hơn trong việc hoàn thành chương trình năm học. Riêng với các bạn học sinh lớp 9 chuẩn bị tham gia kì thi vào lớp 10 và học sinh lớp 12 chuẩn bị thi THPT quốc gia nên tập trung ôn luyện vào các đơn vị kiến thức trọng tâm trong học kì I và một số bài được giữ lại trong chương trình học kì II.

Đánh giá về việc tinh giản nội dung môn Toán, thầy Hồng Trí Quang, giáo viên môn Toán của Hệ thống giáo dục Hocmai cho biết: Việc giảm tải  chủ yếu là giảm bớt thời gian làm việc trên lớp của thầy và trò, giảm bớt mức độ yêu cầu vận dụng kiến thức đó để luyện tập một số bài nâng cao. 

Dẫn chứng cụ thể về phần kiến thức tinh giản đối với học sinh lớp 9, thầy Quang lưu ý: “Theo như nội dung điều chỉnh thì phần kiến thức không dạy của lớp 9 là cắt hình trụ bởi một mặt phẳng, hình nón cụt. Nhưng như chúng ta biết, những đề thi năm trước vào lớp 10 của Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác cũng không thi phần này. Như vậy phần kiến thức bỏ đi này không ảnh hưởng gì. Một số phần điều chỉnh thành khuyến khích học sinh tự học ví dụ như Cung chứa góc thì xác suất thi vào sẽ thấp hơn, bạn có thể học nhanh qua phần này”. 

Cũng theo thầy Quang,  việc điều chỉnh nội dung giảm tải ở môn Toán bậc THCS và THPT gần như không thay đổi quá lớn nên lộ trình ôn của các bạn học sinh lớp 9, lớp 12 cũng không thay đổi nhiều. Các em chỉ cần điều chỉnh lại các mốc thời gian theo sự điều chỉnh thời gian năm học, chọn giai đoạn tăng tốc cho phù hợp và tăng cường tự học để đảm bảo có kết quả thi tốt nhất. Các bạn cũng có thể theo dõi chương trình học trên truyền hình địa phương, chương trình học online ở trường của các thầy cô, hoặc chọn các chương trình đào tạo online hiệu quả; lập nên các nhóm học online để trao đổi, thảo luận, giúp đỡ lẫn nhau. 

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới cho biết: Do chương trình Ngữ văn hiện hành được thiết kế theo cấu trúc đồng tâm nâng cao dần (xoáy ốc) nên nhiều đề tài, chủ đề, nội dung và hình thức thể loại, kiểu văn bản và hệ thống các kĩ năng (đọc và viết) được lặp lại khá nhiều. 

Vì thế việc giảm nhẹ, tinh giản một số nội dung gần nhau và các kĩ năng cơ bản không ảnh hưởng lớn đến yêu cầu của kết quả đầu ra và cũng không ảnh hưởng tới tính hệ thống của chương trình. 

Cũng theo PGS Đỗ Ngọc Thống, trước mắt, Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào sự điều chỉnh lần này để thiết kế và giới thiệu đề minh họa cho kì thi THPT quốc gia trong thời gian sớm nhất. Các địa phương, nhà trường tổ chức dạy học theo chương trình tinh giản này bằng nhiều hình thức khác nhau như trên lớp, qua truyền hình, internet.... Việc đánh giá kết quả học tập, thi cuối năm, thi vào lớp 10 và thi THPT quốc gia tại các địa phương cũng phải căn cứ vào chương trình tinh giản này.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định: Mục tiêu tinh giản chương trình là để bảo đảm đủ thời gian dạy học rất khó khăn của năm nay nên chỉ thực hiện cho chương trình học kỳ II của năm học này. 

Sang năm tới, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn các trường khi xây dựng kế hoạch dạy của năm học mới có thể tiếp tục củng cố, bổ sung những phần kiến thức cần thiết nhưng buộc phải tinh giản của năm học này. Ông Thành cũng lưu ý, giáo viên khi dạy học kỳ II năm học 2029-2020 tuyệt đối không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung mà hướng dẫn điều chỉnh của Bộ GD&ĐT yêu cầu.

Huyền Thanh
.
.
.