Sẽ không còn trường Đại học nào trực thuộc Bộ GD&ĐT

Thứ Ba, 07/06/2016, 20:01
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh như trên tại buổi làm việc nhanh với lãnh đạo trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, chiều 7-6.

Trực tiếp đối thoại với cán bộ, giảng viên Nhà trường, Bộ trưởng Bộ GD& ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay trong cả nước có 117 cơ sở đào tạo sư phạm với tình trạng giáo viên vừa thừa, vừa thiếu. Vì vậy, sắp tới Bộ sẽ quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm, không để tình trạng đào tạo phân tán như hiện nay.

Buổi làm việc chiều 7/6 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với tập thể lãnh đạo, giáo viên trường ĐH sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Vấn đề tự chủ ĐH là nhu cầu tự thân của các trường để các trường hoàn toàn quyết định được chương trình, chất lượng đào tạo, tiến tới các trường ĐH không trực thuộc Bộ nào cả. "Đây là việc rất khó nhưng phải làm". Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

* Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất được phép áp dụng cơ chế đặc thù trong phát triển giáo dục

Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh xung quanh công tác phát triển giáo dục của thành phố.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho biết, mỗi năm thành phố dành 26% ngân sách tổng chi cho giáo dục đào tạo. Quy mô, mạng lưới các cấp học được đầu tư đồng bộ với kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng/năm cho đầu tư cơ sở vật chất...

Sinh viên ĐH sư phạm TP Hồ Chí Minh trong một đợt Ra quân Mùa Hè Xanh.

TP Hồ Chí Minh xin đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá như tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa dựa trên khung chương trình chung của Bộ;

Các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định, TP hiện có 73 trường ĐH, CĐ với quy mô gần 500.000 sinh viên chính quy. Số cơ sở giáo dục ĐH ở khu vực Đông Nam Bộ nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đã vượt quá số lượng quy hoạch, vì thế Bộ chỉ đạo thành phố không đề xuất thành lập trường ĐH mới, đồng thời quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đào tạo yếu, di dời các trường chật hẹp trong nội thành ra ngoại thành, có kế hoạch sắp xếp lại các trường CĐ, TCCN, dạy nghề.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ xây dựng khung chương trình chung về đào tạo nhưng tùy tình hình thực tế, các địa phương có thể áp dụng linh hoạt. Với các đề xuất của TP như cho phép học sinh các trường chuyên, lớp chuyên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ;

Cũng theo ý kiến của Bộ trưởng, để tiếp cận với giáo dục trong khu vực, Bộ rất hoan nghênh và khuyến khích tự chủ của các trường ĐH, CĐ, cả công lập và tư thục, tiến tới xây dựng tiêu chí xếp hạng.Trường nào đạt mức độ chuẩn cao sẽ được các cơ chế ưu tiên về đầu tư, không có sự phân biệt công - tư.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Các trường chủ động điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng; Giao quyền tự chủ 100% cho các trường CĐ, TCCN công lập tự quyết định chương trình, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh với yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo...trên tinh thần : "Bộ GD-ĐT đồng ý về mặt chủ trương, nhưng thành phố chịu trách nhiệm chính".

H.Nga - P.Minh
.
.
.