Sẽ đánh giá lại kỳ thi trên tinh thần trung thực và cầu thị

Chủ Nhật, 29/07/2018, 08:41
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã đi qua nhiều “cải cách” và giờ đang dừng lại ở “kỳ thi THPT quốc gia” với hai mục đích: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trước kia, thi tốt nghiệp riêng, thi ĐH riêng, cả hai kỳ thi đều tổ chức cấp quốc gia nên đã làm cho thi cử nặng nề, tốn kém, không đạt hiệu quả thiết thực.


Tuy nhiên, từ năm 2015, khi tích hợp hai kỳ thi thành kỳ thi “2 trong 1”, áp lực thi cử đã giảm nhiệt, thí sinh được thi tại quận, huyện nên chi phí xã hội giảm đáng kể. Kỳ thi “2 trong 1” tuy còn có những hạn chế cần được điều chỉnh, rút kinh nghiệm, nhưng nhìn chung vẫn là một kỳ thi gọn nhẹ, tiết kiệm, thiết thực và giảm áp lực xã hội.

Ổn định phương thức thi cho đến khi áp dụng chương trình mới

Kỳ thi “2 trong 1” với mục tiêu đảm bảo trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh, gia đình, xã hội và vẫn đảm bảo 2 mục đích: xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.

Phương án này đã kế thừa được những ưu điểm và kết quả đạt được của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung”, đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh, phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới.

Một kỳ thi nghiêm túc, trung thực là điều mà phụ huynh, học sinh luôn kỳ vọng

Trong các năm 2015, 2016, 2017, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức và rút kinh nghiệm qua từng năm nên ngày càng hoàn thiện.

Từ năm 2017, kỳ thi được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Sở GD&ĐT chủ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi và xét tuyển ĐH, CĐ.

Đặc biệt, áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn); đảm bảo mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng; kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy quét với phần mềm máy tính. Đây có thể xem như hàng rào kỹ thuật đảm bảo hạn chế tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình coi thi, chấm thi làm cho kết quả kỳ thi chính xác và tin cậy hơn.

Phát huy kết quả đã đạt được qua 3 năm đổi mới thi và tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giữ ổn định phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2017 cho năm 2018 và các năm tiếp theo, với những điều chỉnh kỹ thuật trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, cho đến khi áp dụng đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam quyết tâm đổi mới thi, tuyển sinh của Bộ GDĐT và sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, nhất là tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao và sự phối kết hợp, chia sẻ của các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ, sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan truyền thông, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được tổ chức đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Năm 2018, cả nước có 925.753 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi. Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các điểm thi trên phạm vi cả nước.

Theo số liệu thống kê, trong cả kỳ thi chỉ có 77 thí sinh vi phạm Quy chế thi (73 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 cảnh cáo,1 khiển trách).

Đến ngày 11-7-2018, tất cả các hội đồng thi trong cả nước đã hoàn thành việc chấm thi, công bố kết quả thi. Do đã chuẩn bị tốt hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm cũng như chuẩn hóa cơ sở dữ liệu điểm thi nên công tác công bố kết quả thi diễn ra thuận lợi, an toàn, chính xác trong cả nước; không có hiện tượng tắc nghẽn; các thí sinh tra cứu điểm thi thuận lợi.

Năm 2018, tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 97,57%; trong đó giáo dục THPT đạt 98,36%, giáo dục thường xuyên đạt 88,37%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đã phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh, phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng và chất lượng giáo dục của các địa phương.

Sau khi công bố kết quả thi năm 2018, Bộ GD&ĐT đã tiến hành phân tích dạng phổ điểm và các thông số thống kê của tất cả các môn; kết quả cho thấy, dạng phổ điểm của tất cả các bài thi, môn thi gần với phân phối chuẩn, trong đó phổ điểm một số môn thi có dạng phân phối chuẩn như Vật lí, Hóa học, Sinh học...

Điều đó chứng tỏ các đề thi có tính phân loại và độ phân hóa rõ ràng, đánh giá được năng lực của thí sinh, đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra của kỳ thi.

Nghiêm túc rút kinh nghiệm sau những tiêu cực trong chấm thi

Tuy nhiên, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã xảy ra sự cố nghiêm trọng khi phát hiện gian lận điểm thi với quy mô lớn xảy ra tại Hà Giang, Sơn La. Đây có thể coi là “sự cố” không lường trước được bởi thủ đoạn gian lận của các đối tượng quá tinh vi, trắng trợn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã trực tiếp trao đổi với đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đề nghị phối hợp chỉ đạo điều tra, làm rõ sự việc, xử lý nghiêm các sai phạm trên tinh thần nghiêm túc, kiên quyết, kịp thời, chính xác theo đúng quy chế và các quy định hiện hành.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, các tổ công tác của Bộ đã vào cuộc nhanh chóng, kịp thời. Tại Hà Giang, Tổ công tác phát hiện 114 thí sinh, với 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh cao hơn từ 1,0 điểm đến 8,0 điểm so với điểm chấm thẩm định; không ít thí sinh có tổng điểm của tất cả các bài thi, môn thi chênh hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Cá biệt, có những thí sinh có tổng điểm chênh cao hơn đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Hành vi nâng điểm thi cho thí sinh trong khi chấm thi đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo kiên quyết làm sáng tỏ vụ việc và đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ hành vi vi phạm của các cá nhân có liên quan.

Đến nay, Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng (Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) để điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đảm bảo kỷ cương, tính nghiêm minh của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Tại Sơn La, Tổ công tác của Bộ đã phát hiện nhiều sai phạm trong chấm thi bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La. Hội đồng chấm thẩm định đã tiến hành chấm thẩm định 110 bài thi môn Ngữ văn nghi vấn có dấu hiệu điểm cao bất thường, kết quả chấm thẩm định cho thấy, có 12 bài thi có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1,0 điểm trở lên; trong đó có 1 bài có điểm thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu.

Qua xác minh ban đầu cho thấy, có 5 người liên quan đến các sai phạm tại Hội đồng thi tỉnh Sơn La, trong đó có ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, Ủy viên Ban Chỉ đạo thi, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm và các cán bộ của Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La.

Nhằm đảm bảo công bằng, nghiêm minh, kiên quyết nói không với tiêu cực, gian lận để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thi và tuyển sinh, Bộ GD&ĐT quyết định đẩy nhanh tiến độ chấm thẩm định bài thi theo đúng quy định của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành.

Nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi, nhất là khâu coi thi, chấm thi. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện sai phạm sẽ đề nghị cơ quan Công an phối hợp điều tra, làm rõ.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là sẽ đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trên tinh thần trung thực, đảm bảo giữ nghiêm kỷ cương thi cử, cầu thị rút kinh nghiệm, làm cơ sở tổ chức tốt hơn kỳ thi THPT quốc gia các năm tiếp theo.

Bộ GD&ĐT nghiêm túc rút kinh nghiệm sau những tiêu cực xảy ra trong công tác chấm thi. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi, nhất là khâu coi thi, chấm thi tại tất cả các địa phương; hoàn thiện và nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phù hợp hơn với kỳ thi THPT quốc gia phục vụ hai mục đích để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ; hoàn thiện quy trình chấm thi (bao gồm cả phần mềm chấm thi), đảm bảo tính trung thực, khách quan của kết quả thi; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có sai phạm để xử lý theo đúng quy định của quy chế thi và quy định của pháp luật, đồng thời công khai, minh bạch kết quả xử lý, phổ biến, quán triệt rộng rãi trong toàn ngành để rút kinh nghiệm tổ chức tốt hơn các kỳ thi những năm tiếp theo.

Thái Trang
.
.
.