Sẽ cơ cấu lại các trường đại học, cao đẳng hoạt động không hiệu quả

Thứ Tư, 21/10/2015, 16:17
Ngày 25/10 tới sẽ kết thúc đợt xét tuyển cuối cùng vào các trường đại học (ĐH) năm 2015. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, vẫn còn nhiều trường vẫn chưa đủ chỉ tiêu, thậm chí có một số ngành học đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” do không có sinh viên đăng ký.


Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 đã tạo cơ hội bình đẳng cho các vùng miền, nhất là vùng khó khăn. Nâng cao tính cạnh tranh giữa các trường ĐH, CĐ để góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao và hạn chế tiêu cực phát sinh. Việc “thi trước, tuyển sau” năm nay tạo thêm sự tự tin cho những thí sinh học tốt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vào các trường ĐH “tốp trên”, phù hợp mức điểm đã đạt được.

Các trường ĐH, CĐ cũng cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để thu hút học sinh giỏi. Tuy nhiên, do sự gia tăng cả về số lượng lẫn  chỉ tiêu của các trường ĐH, CĐ đã khiến cho nguồn tuyển ngày càng khan hiếm. Hệ quả là một số trường ĐH vùng, ĐH, CĐ ở các địa phương và nhiều trường ĐH ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu.

Xử lý các trường hoạt động không hiệu quả sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GD&ĐT trong năm học 2015-2016.

Đề cập đến vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho rằng: Trong tuyển sinh 2015, quy chế đã “mở” hết mức khi thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT cũng có thể đỗ ĐH, nhưng nhiều trường vẫn không thể tuyển sinh. Điều này chứng tỏ, trường ĐH, CĐ nào chưa bảo đảm chất lượng đào tạo, chưa tạo dựng được uy tín và thương hiệu sẽ không thu hút được thí sinh.

PGS.TS Lê Hữu Lập - Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Công nghệ Bưu chính- Viễn thông cũng cho rằng: Mạng lưới và số lượng các trường ĐH, CĐ của chúng ta trong những năm qua đã phát triển quá nhanh và quá nóng. Hiện cả nước có khoảng trên 400 trường ĐH, CĐ. Như vậy, tính bình quân mỗi tỉnh, thành phố có gần 7 trường, quá nhiều so với số lượng thí sinh có nhu cầu học ĐH, CĐ. Bên cạnh đó, tình trạng  đào tạo ra nhiều nhưng sinh viên thất nghiệp cũng không ít do chất lượng đào tạo thấp, không đáp ứng được nhu cầu xã hội cũng đã khiến nhiều thí sinh không chọn ĐH làm đích đến.

Cũng liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với PV bên lề cuộc họp báo quý III chiều tối ngày 20/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Dự kiến đến giữa tháng 11, sau khi kết thúc đợt xét tuyển CĐ năm 2015, Bộ GD&ĐT sẽ có thống kê cụ thể về số lượng các trường ĐH, CĐ thiếu hụt nguồn tuyển.

Còn đối với việc xử lý các trường ĐH, CĐ hoạt động không hiệu quả, đây sẽ là một trong những nội dung chính để Bộ GD&ĐT đưa ra bàn thảo trong các nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2015-2016.

Cũng theo chia sẻ của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trong thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ bàn thảo nhằm cơ cấu lại một số trường ĐH, CĐ hoạt động chưa hiệu quả theo hướng phù hợp với năng lực trên cơ sở điều kiện vật chất, đội ngũ giảng viên.

Một trong những hướng giải quyết vấn đề này là có thể sẽ liên kết các trường này với một số trường có uy tín, biến các trường này thành cơ sở đào tạo phụ của một số đại học uy tín để tận dụng cơ sở, đội ngũ giáo viên và tránh lãng phí các nguồn lực xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiến hành việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH nhằm công khai, minh bạch chất lượng đào tạo ĐH của các trường với xã hội và người học.

Huyền Thanh
.
.
.