Rẻo cao Xy bừng sáng con chữ

Thứ Tư, 29/03/2017, 10:01
Ông Võ Thanh, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) nói với tôi, không đâu trên địa bàn, giáo dục mầm non tốt như ở xã Xy, mặc dù đó là xã rẻo cao khó khăn nhất ở huyện. Non 7h sáng, từ TP Đông Hà, tôi chạy xe ngược lên Xy đúng 12h trưa.

Khi tôi đến trường mầm non Xy, sân trường vắng vẻ không một bóng người. Bên trong các phòng học, các cháu nhỏ đang bắt đầu giấc ngủ trưa. Ở cạnh các cháu trong mỗi phòng học đều có hai cô giáo, các cô vừa tranh thủ ăn cơm trưa vừa canh giấc ngủ cho các cháu. 

Thấy khách, một cô giáo nhẹ nhàng bước ra khỏi lớp, khẽ chào hỏi, rồi dẫn tôi tới phòng làm việc chung của nhà trường, chờ cô giáo hiệu trưởng đến tiếp chuyện. Cô giáo Đỗ Uyên Thiên Minh, Hiệu trưởng trường mầm non xã rẻo cao Xy nhìn rất trẻ so với tuổi, ít ai biết cô đã công tác hơn 10 năm ở xã rẻo cao này.

Trường mầm non rẻo cao Xy.

Dẫn tôi một vòng đi thăm trường, lớp, cô tâm sự: “Ngày em lên đây, đường từ trường về các bản nhỏ hẹp, khúc khuỷu và lầy lội lắm, không phải như bây giờ đường vẫn còn đường đất nhưng rộng rãi, dễ đi hơn. Nhà cửa của bà con ngày đó cũng thưa thớt hơn bây giờ, cheo leo bên các vách núi, bạc phách vì nắng mưa. 

Việc chăm nuôi, dạy dỗ trẻ nhỏ đã khó, đối với trẻ đồng bào các dân tộc thiểu số, với điều kiện cuộc sống còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn, lại càng khó khăn hơn, vất vả hơn. Nhiều trường hợp bố, mẹ nói tiếng Kinh chưa sõi, nên các cháu đến trường không hiểu cô giáo nói gì, ngược lại trẻ muốn gì mình cũng không biết được.

Đối với những trường hợp như thế, ban ngày mình chăm nuôi, dạy trẻ, tối về tranh thủ đến nhà bố mẹ các cháu chuyện trò bằng tiếng Việt, nhằm giúp họ nói tiếng Việt, có như vậy con cái họ mới thuận lợi hơn trong việc đến trường, xa hơn là việc học con chữ lên cao sau này”. 

Thấy một số hạng mục trường lớp đã cũ kỹ, xuống, tôi hỏi cô Minh trường được xây dựng từ năm nào? Cô cho biết: “Năm 2006, trường Mầm non Xy được xây mới, tách ra từ trường THCS Xy. Bên cạnh điểm chính tại bản Troan Thượng, còn có 2 điểm lẻ tại các bản Tà Nua và Ra Man. 

Cả 3 điểm có tổng cộng 183 em học sinh từ lớp trẻ đến lớp lớn. Trường có 18 cán bộ giáo viên, nhân viên, trong đó nữ chiếm 17 người, duy chỉ có 1 nam nhân viên văn phòng.

Đang trò chuyện thì nam nhân viên trên bước đến, niềm nở chào hỏi khách, rồi quay sang sửa cái vòi nước ở khu vệ sinh rửa tay, chân cho các cháu học sinh, do bị mòn vẹt ren nước xì ra xung quanh. Nhìn đôi bàn tay anh rất khéo léo, tôi liền gợi chuyện: “Ở đây chỉ mình anh là nam, nên phải quán xuyến hết những công việc nặng nhọc, vất vả lắm?!”. 

Chưa kịp trả lời tôi, thì cô Minh đỡ lời, tếu táo rằng, trường chỉ có một “hoa nam”, nên chị em phải cưng chiều nhiều lắm, nhất là những lúc mưa gió, bão lụt, chưa nói đến những sự cố không may, đêm hôm khuya khoắt toàn thân con gái, nghe một tiếng lá rơi cũng giật mình sợ hãi.

Hoạt động ngoài trời của trẻ lớp mẫu giáo nhở trường mầm non Xy.

Cậu nhân viên văn phòng tên Hưng, sinh năm Tân Mùi 1991, nghe cấp trên nói tốt về mình, cứ tũm tỉm cười, rồi bảo: “Chị ấy cứ nói quá lên đấy! Ở đây, mọi việc đều do các chị em quán xuyến, làm nên cả đấy anh à!”. Để khách tin lời mình nói, Hưng dẫn tôi sang phòng truyền thống của trường, chỉ cho tôi những Bằng khen, Giấy khen treo dày. 

Tôi để ý, thấy 3 năm liền (từ 2013- 2016), trường mầm non Xy đạt tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh. Tháng 10/2016, được Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Quảng Trị tặng Giấy khen đã có thành tích trong việc triển khai thực hiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non giai đoạn 2013- 2016”.

Không chỉ tập thể, cá nhân các giáo viên đạt thành tích cao trong chăm nuôi, dạy trẻ, trong các cuộc thi cấp huyện được tổ chức cho trẻ, tập thể nhiều lớp học trường mầm non Xy đã đạt giải cao. Đặc biệt, cá nhân em Hồ Văn Cường, lớp mẫu giáo lớn đạt giải B về thi hùng biện.

Hỏi về bí quyết chăm nuôi, dạy trẻ vùng cao, cô giáo Minh cười hiền, bộc bạch: “Ở đây cái gì cũng khó, từ điều kiện sinh sống hàng ngày cho đến công việc. Song nhờ vào sự đoàn kết, nổ lực của cả tập thể, nên mới gặt hái được nhiều thành công.

Có nhiều chị em ở đây hơn 10 năm, với biết bao khó khăn vất nhưng vẫn chịu khó, kiên trì bám bản nuôi dạy các cháu. Trong đó phải đến những người như cô giáo Hồ Thị Ái Vân, Nguyễn Thị Ngọc Oanh, đều là Phó hiệu trưởng nhà trường. 

Giờ ăn của các cháu mẫu giáo trường mầm non Xy.

Cả hai cô đều rất năng động, nhiệt tình trong mọi hoạt động trường lớp. Nhất là sau những kỳ nghỉ dài ngày như hè, tết, khi trở lại trường lớp, các chị em phải chia nhau, cứ mỗi tối 2 người, đến một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chuyện trò, chia sẻ với phụ huynh, vận động bà con tiếp tục cho trẻ được đến trường”, cô Minh chia sẻ.

Tầm 14h chiều, các cháu học sinh sau khi đã được các cô giáo cho ăn dặm, chúng ùa ra sân reo hò, vui chơi. Nhìn các cháu đều sạch sẽ, áo quần gọn gàng tươm tất, tôi cảm giác chúng như đang được chính bàn tay của bố mẹ chăm sóc ở nhà hơn là ở trường! Nhưng trên thực tế, trẻ ở đây đã được các cô giáo chăm sóc tốt hơn nhiều so với ở nhà!

Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện rẻo cao Hướng Hóa: “Vượt qua rất nhiều khó khăn vất vả, nhất là cơ sở hạ tầng trường lớp còn nhiều thiếu thốn, đội ngủ các giáo viên, nhân viên trường mầm non xã rẻo cao Xy, đã rất chủ động và sáng tạo trong mọi hoạt động chăm nuôi, dạy học cho các cháu vùng cao ở đây. Đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường nhiều năm qua cũng đã rất năng động trong việc kêu gọi xã hội từ thiện, tranh thủ tấm lòng của những mạnh thường quân để giúp đỡ vật chất, cũng như động viên tin thần cho bà con Pa Cô, Vân Kiều xã rẻo cao Xy vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, dành nhiều hơn sự chăm lo học hành cho con em mình”.


Thanh Bình
.
.
.