Rà soát lại việc tổ chức thi để khắc phục kịp thời những khâu chưa hoàn thiện

Thứ Tư, 19/06/2019, 09:23
Tại cuộc họp đánh giá công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 với 8 đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu toàn ngành tập trung cao độ, chuẩn bị tốt nhất cho việc tổ chức kỳ thi.

Kết quả báo cáo tình hình kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị tại 23 cụm thi tỉnh/thành phố của 8 đoàn kiểm tra cho thấy, đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã cơ bản hoàn tất điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, sẵn sàng cho việc tổ chức kỳ thi. Một số địa phương đang gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng. Việc phối hợp của các trường đại học với địa phương cũng tích cực và chặt chẽ.

Nhiều trường thậm chí về địa phương 4-5 lần/tháng để trực tiếp trao đổi, thống nhất các phương án chuẩn bị. Tuy vậy, hệ lụy của bê bối gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 đã khiến một số địa phương như Hoà Bình, Sơn La gặp khó khăn do thiếu nhân sự cấp Sở, Phòng tham gia Hội đồng thi, các ban của hội đồng. Nhiều người trong hội đồng là nhân sự mới, thiếu kinh nghiệm tổ chức thi.

Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia 2019 tại Yên Bái. (Ảnh minh họa)

Khắc phục vấn đề này, các địa phương đã đề nghị trường đại học hỗ trợ cử cán bộ tham gia các ban của Hội đồng, mời cán bộ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) về tập huấn trực tiếp cho toàn bộ cán bộ coi thi của địa phương. 

Những vấn đề còn tồn tại, chưa hợp lý trong phương án tổ chức thi THPT quốc gia của các địa phương cũng đã được các đoàn kiểm tra nhắc nhở, hướng dẫn chỉnh sửa cụ thể; yêu cầu có báo cáo lại chi tiết tình hình thực hiện.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia cũng như sự vào cuộc tích cực của các địa phương, các trường đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu, toàn ngành phải tập trung cao độ, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sẽ chính thức diễn ra sau một tuần nữa.

Bộ trưởng đề nghị 63 cụm thi rà soát một lần nữa tất cả các khâu từ nhân sự coi thi, giám sát, thanh tra, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, khắc phục kịp thời những khâu chưa hoàn thiện. Những thắc mắc của địa phương, Bộ sẽ có hướng dẫn chi tiết để việc thực hiện đúng quy chế.

Riêng về đội ngũ cán bộ coi thi và thanh tra, Bộ trưởng cho rằng: Phải rà soát thật kỹ danh sách cán bộ coi thi và thanh tra tại các điểm thi, kịp thời phát hiện những vấn đề còn tồn tại từ đội ngũ này để có phương án thay thế, sắp xếp trong trường hợp cần thiết.

Huyền Thanh
.
.
.