Quan trọng là các trường đảm bảo chất lượng đào tạo

Thứ Ba, 05/12/2017, 09:32
Trước phản ứng của Trường Đại học (ĐH) Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng 2 đơn vị này không hợp tác để các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng, ngày 3-12, Bộ GD&ĐT đã trả lời chính thức về vấn đề này.


TS Lê Mỹ Phong, phụ trách Phòng Kiểm định chất lượng giáo dục, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng: Mục đích của việc thẩm định, xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng (ĐBCL) đối với các đại học, học viện, trường đại học nhằm phản ánh một cách khách quan, trung thực các điều kiện ĐBCL cơ bản hiện có của trường ĐH. 

Từ đó, giúp các trường ĐH khẳng định điều kiện ĐBCL của mình trước xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình thí sinh trong việc lựa chọn trường để đăng ký theo học, cung cấp thông tin cho xã hội biết và giám sát.

Thẩm định chuẩn cơ sở và chương trình là hoạt động cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ảnh minh họa

Cũng theo ông Lê Mỹ Phong, ĐH Tôn Đức Thắng đã nhầm lẫn khi cho rằng hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL thực hiện theo Kế hoạch số 203/KH-BGDĐT ngày 27-3-2017 cũng là KĐCLGD. 

“Thực tế cho thấy, hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL không phải là kiểm định, việc Bộ GD&ĐT giao cho các trung tâm KĐCLGD huy động các chuyên gia thực hiện là để tăng thêm tính độc lập, khách quan của công tác này. Bộ GD&ĐT chủ trương đẩy mạnh KĐCLGD theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế, khuyến khích các trường thực hiện kiểm định theo tiêu chuẩn của các tổ chức KĐCLGD nước ngoài có uy tín. Chưa bao giờ Bộ GD&ĐT có yêu cầu các trường ĐH chỉ phải thực hiện kiểm định theo hệ thống của Bộ như đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng đề cập” - ông Phong nhấn mạnh.

Liên quan đến phản hồi của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ về việc nhà trường không đồng tình Bộ GD&ĐT chỉ định Trung tâm KĐCLGD-Đại học Đà Nẵng kiểm định hoạt động của nhà trường, ông Lê Mỹ Phong cho biết: Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, các trường ĐH được lựa chọn tổ chức KĐCLGD trong số các tổ chức KĐCLGD được Bộ GD&ĐT công nhận để KĐCL. 

Bộ GD&ĐT không chỉ định Trung tâm KĐCLGD - Đại học Đà Nẵng kiểm định Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mà chỉ phân công Trung tâm KĐCLGD này thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL cho 48 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, trong đó có Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. 

Tuy nhiên, cũng như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phân biệt được hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện ĐBCL với hoạt động KĐCLGD. 

Các ý kiến trao đổi, phản hồi của trường chỉ đề cập đến việc nhà trường đã và đang làm một số khâu đầu tiên của công tác KĐCLGD, mà không hợp tác với Trung tâm KĐCLGD thực hiện việc thẩm định theo Kế hoạch số 203/KH-BGDĐT của Bộ GD&ĐT đã ban hành như tất cả các trường ĐH khác.

Ngày 30-11, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, đến ngày 30-6-2017 đã có 208 cơ sở giáo dục đại học được thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017. 

Tuy vậy, cá biệt vẫn còn có hai cơ sở giáo dục đại học là Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại học Tôn Đức Thắng không hợp tác để các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng. 

Ngay sau khi nhận được thông tin này, đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã có “phản ứng” lại với những nội dung “không hợp tác” mà Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đưa ra.

Huyền Thanh
.
.
.