Phụ huynh nặng gánh khi con vào lớp 1

Thứ Ba, 08/09/2020, 22:10
Những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến số sách vở 25 quyển các loại và đồ dùng học tập cho học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học An Phong (quận 8, TP Hồ Chí Minh) với số tiền 807.000 đồng.

Số tiền trên mới chỉ là sách giáo khoa, chưa kể tiền mua quần áo, giày dép cho con; tiền đóng các khoản thu của nhà trường như tiền học bán trú, tiền nước uống, vệ sinh lớp,… Đối với nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, số tiền mua sách giáo khoa trên 800 ngàn đồng/bộ là điều làm phụ huynh “đau đầu”. Mặc dù, hiệu trưởng Trường Tiểu học An Phong đã giải thích là không ép buộc phụ huynh phải mua tất cả số sách vở trong danh sách của trường đính kèm, nhưng qua đây cho thấy sự không rõ ràng trong việc trang bị sách giáo khoa cho học sinh đầu năm học mới ở một số nơi.

Danh sách những sách giáo khoa, sách tham khảo và dụng cụ học tập Trường Tiểu học An Phong gửi phụ huynh có con nhập học lớp 1 của trường

Chị N có con vào lớp 1 Trường Tiểu học An Phong (quận 8) bất ngờ với khoản tiền mua sách giáo khoa cho con năm học này. “Nhìn danh sách hơn hai mươi loại sách vở với số tiền gần một triệu đồng, thật sự tôi thấy choáng. Vì quá nhiều sách và đối với gia đình tôi đó là số tiền lớn. Vì tôi phải lo cho hai đứa con ăn học, trong khi thu nhập của tôi không nhiều. Nhất là dịch bệnh như hiện nay làm ăn rất khó khăn, hoàn cảnh gia đình tôi càng thêm khốn khó”, chị N chia sẻ.

Trong danh sách 25 mục sách vở cho trẻ vào lớp 1 của trường An Phong, có 2 mục là vở trắng và bảng viết, còn lại 23 đầu sách giáo khoa, vở bài tập. Có đến 9 cuốn vở bài tập, ngoài vở bài tập toán, tiếng Việt, thì sách Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Âm nhạc, Mỹ Thuật, Hoạt động trải nghiệm… cũng có vở bài tập.

“Con tôi mới bắt đầu vào học lớp 1 mà sách vở quá nhiều, không biết bé học bằng cách nào cho hết, rồi thời gian đâu để vui chơi thư giãn. Mà sách nào cũng có vở bài tập là sao? Khi nhìn số sách giáo khoa lớp 1 tôi thấy tức ngực khó thở vì con còn nhỏ mà học nhiều quá!”, chị N cho biết.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phong, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Phong (quận 8), năm học này trường tuyển hơn 280 học sinh lớp 1, khi gửi thông báo nhập học cho học sinh, nhà trường có đính kèm danh mục sách giáo khoa sẽ sử dụng trong năm học và đồ dụng học tập, mục đích để phụ huynh có đi mua sách cho con thì mua đúng loại mà trường sử dụng. Trường không yêu cầu phụ huynh phải mua sách ở trường hay mua đủ toàn bộ số sách trong danh mục mà nhà trường gửi đính kèm. Những sách tham khảo là nhằm giúp phụ huynh có thể lựa chọn mua để bổ trợ cho con mình. Trong đợt này, có khoảng 60 phụ huynh đăng ký mua sách ở trường, trong đó nhiều người chỉ mua một số cuốn trong danh mục, không phải ai cũng mua đủ.

“Phụ huynh nào không có điều kiện tự đi mua thì đăng ký ở thư viện trường, chúng tôi mua giúp theo đúng giá niêm yết, nhà trường không kinh doanh sách”, ông Phong cho biết.

Ông Phong cũng nhận là trường đã làm không đúng khi thông báo không rõ ràng, phân định sách bắt buộc với sách tham khảo, gây hiểu lầm cho phụ huynh học sinh. Sau phản ánh của phụ huynh, trường đã đăng thông báo rõ ràng những sách nào cần mua lên bảng tin của trường.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận 8 cho biết đã có văn bản chấn chỉnh Trường Tiểu học An Phong vì giới thiệu sách và đồ dùng học tập cho phụ huynh không nằm trong danh mục bắt buộc. Đồng thời, phê bình hiệu trưởng vì gây ra dư luận không tốt.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định chỉ có sách giáo khoa là bắt buộc, vở bài tập và các sách tham khảo khác tuỳ phụ huynh lựa chọn. Phụ huynh có thể tự do lựa chọn mua sách ở bất cứ đâu nhưng sách phải đúng loại do trường chọn và công bố đầu năm. Các trường không được ép buộc phụ huynh mua sách tại trường cũng như giới thiệu các sách tham khảo.

Nhiều phụ huynh cho rằng, năm nay học sinh lớp 1 học chương trình giáo dục phổ thông mới, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nên không dám mua sách ở nhà sách vì sợ sẽ không trùng với sách mà trường dạy nên đăng ký mua sách tại trường. Với số lượng sách giáo khoa và vở bài tập không chỉ học sinh lớp 1 mà các lớp tiểu học cũng nhiều. Do đó, phụ huynh lo sợ sẽ quá tải với học sinh khi tuổi còn nhỏ. Có quá nhiều sách vở cho các bé mới 6 tuổi thì việc tiếp thu kiến thức chắc chắn vất vả.

Nhiều phụ huynh mua sách giáo khoa cho con tại nhà sách ở TP Hồ Chí Minh

Không chỉ chị N ở quận 8 choáng mà hầu hết phụ huynh đều choáng với số đầu sách và khoản tiền mua sách cho con. Với những người lao động thu nhập thấp, đây là khoản tiền không nhỏ đầu năm học.

Anh Quốc Bảo (ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cho biết, anh có một đứa con năm nay vào lớp 1 và một đứa đang học lớp 3. Tính sơ cho gia đình có hai đứa con đi học tiểu học, các khoản tiền đầu năm học hết khoảng 6 triệu đồng. Chỉ tính quần áo (4 bộ đi học, 4 bộ ngủ trưa, 2 bộ thể dục) và giày dép cho một đứa đã hết hơn 2 triệu đồng; còn lại là tiền mua cặp, sách vở, bút, mực…

“Tôi chạy Grab, nhưng từ đầu năm đến nay dịch bệnh phải ở nhà không, đói thì chắc không đói, nhưng bệnh có thể chết nên tôi nghỉ cho bớt dịch mới chạy lại. Dịch bệnh nên nhiều người gặp khó khăn, sao không hỗ trợ giảm giá sách cũng như các chi phí đối với học sinh mà lại tăng giá, tôi không hiểu luôn”, anh Bảo thắc mắc.

Theo quy định, bộ sách giáo khoa lớp 1 mới theo Chương trình giáo dục 2018 có 8 quyển bắt buộc gồm: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động Trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và sách Tiếng Anh tự chọn, tổng số là quyển. Ngoài ra, những sách tham khảo khác cho học sinh, phụ huynh có thể tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều phụ huynh phải mua hai bộ sách (bộ để ở lớp và bộ ở nhà) cũng như mua thêm một số vở bài tập. Tất nhiên, không bắt buộc mua thêm bộ sách để ở nhà, nhưng tất cả sách để ở lớp, tối về nhà phụ huynh kiểm tra việc học của con cũng khó nên phải mua thêm.

Theo thông tư 01/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học này, chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng cho học sinh lớp 1, cùng với sự thay đổi sách giáo khoa nên thẩm quyền chọn sách thuộc về Hội đồng lựa chọn sách do các trường thành lập. Trường có thể chọn sách giáo khoa theo bộ hoặc theo môn học trong số 5 bộ sách giáo khoa được Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Bộ sách “Chân trời sáng tạo” (1 trong 5 bộ sách giáo khoa mới) của TP Hồ Chí Minh được 400/470 trường tiểu học (80% số trường) trên địa bàn lựa chọn. Đây cũng là bộ sách được NXB Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Sở GD-ĐT thành phố biên soạn. Số trường còn lại chọn các bộ sách Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.

Trước sự việc trên, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu các trường trên địa bàn thành phố cung cấp thông tin sách vở cần trang bị cho học sinh trong năm học mới tới phụ huynh phải đầy đủ, rõ ràng. Trong đó nêu rõ sách nào là bắt buộc phải có, tài liệu nào là tham khảo, phụ huynh có thể lựa chọn mua theo nhu cầu và thấy thật sự cần thiết cho con em mình.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người mất việc làm, cha mẹ cố gắng “chạy ngược chạy xuôi” kiếm từng đồng lo cho cuộc sống gia đình. Do đó, ngành chức năng hãy xem xét giảm bớt các khoản chỉ phí để phụ huynh đỡ “gánh nặng” làm ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ.


Nguyễn Cảnh
.
.
.