Phụ huynh bất bình với tuyển sinh vào lớp 6 của các trường “đặc thù”

Thứ Bảy, 26/05/2018, 10:26
Từ năm học 2018-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có quyết định “cởi trói” cho các trường đặc thù bằng cách cho phép các trường có số lượng thí sinh đăng ký vượt gấp nhiều lần so với chỉ tiêu được kết hợp xét tuyển với kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 6. 

Tuy vậy, việc một số trường “đặc thù” bất ngờ điều chỉnh hoặc chưa “chốt” phương án tuyển sinh đã khiến nhiều phụ huynh hết sức lo lắng, bất bình.

Mặc dù ngày 15-5, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, Hà Nội đã có văn bản thông báo kế hoạch tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1, lớp 6 trên địa bàn. 

Theo đó, Phòng GD&ĐT cho phép Trường THCS Cầu Giấy tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực. Thời gian đánh giá năng lực của Trường THCS Cầu Giấy là vào ngày 30-6. 

Tuy nhiên, đến ngày 24-5, bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy lại cho biết, nhà trường sẽ tổ chức xét tuyển vào lớp 6 năm học 2018-2019. 

Việc một số trường đặc thù thiếu nhất quán trong phương thức tuyển sinh đã và đang “làm khó” cho phụ huynh và học sinh. Ảnh minh họa

Tương tự, đến thời điểm ngày 24-5, trên website của Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam vẫn chưa có một dòng thông tin nào liên quan đến việc thông báo tuyển sinh lớp 6. Trong khi đó, theo nguồn tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, trường chuyên Hà Nội-Amsterdam đã có đề xuất sẽ tuyển sinh bằng xét tuyển.

Chị Hồng Thoan ở Nghĩa Tân (Giấy Giấy), phụ huynh có con thi vào lớp 6 cho biết: “Khi nghe thông tin các trường điểm, trong đó có THCS Cầu Giấy, trường THCS Hà Nội- Amsterdam được tuyển sinh vào lớp 6 bằng xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực, gia đình tôi đã tập trung mọi nguồn để tìm kiếm tài liệu, tìm lớp học thêm cho con. 

Thậm chí, những tuần cuối cùng, sau khi các trường chính thức công bố, tôi còn cho con đến lớp luyện thi. 

Vậy mà giờ Trường THCS Cầu Giấy lại nói không tổ chức kiểm tra nữa; còn THPT Amsterdam lại chưa "chốt" phương án cuối cùng khiến bao phụ huynh tiến thoái lưỡng nan".

Tại một số diễn đàn trên mạng xã hội, phụ huynh đang cho con ôn tập để kiểm tra vào lớp 6 hầu như ai cũng sốt ruột như “ngồi trên đống lửa”. 

Nhiều phụ huynh cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin Bộ GD&ĐT “cởi trói” cho các trường đặc thù và nhất là việc Sở GD&ĐT công bố danh sách 16 trường THCS trên địa bàn được kết hợp xét tuyển với kiểm tra đánh giá năng lực, các bậc cha mẹ đều nháo nhào tìm các khóa học để bồi dưỡng cấp tốc thi đánh giá năng lực cho con với mức học phí cao như khóa 24 buổi/một tổ hợp môn giá 8 triệu đồng (khoảng 330.000 đồng/buổi). 

“Gia đình tốn công tốn của, các con thời gian vừa qua cũng đã rất vất vả học ôn, giờ lại bảo không kiểm tra đánh giá năng lực nữa thì thật là bất công cho các con” - một phụ huynh bức xúc. 

Một số ý kiến phụ huynh khác cũng cho rằng, hình thức tuyển sinh nào cũng được miễn là phải được công bố một cách rõ ràng, chính thức và nhất quán. Còn nếu tháng 4 nói “có thể kiểm tra đánh giá năng lực”, đến tháng 5 lại tuyên bố “dự kiến xét tuyển” thì chẳng khác nào “đánh đố” học sinh và phụ huynh...

Còn nhớ khoảng 3 năm trước, khi Bộ GD&ĐT bất ngờ ra quy định về việc “cấm thi tuyển vào lớp 6” khiến phụ huynh, nhà trường hoang mang khi không biết căn cứ vào tiêu chuẩn nào để tuyển sinh. 

Đặc biệt là tại các trường “đặc thù” có số lượng thí sinh đăng ký vượt quá nhiều lần so với chỉ tiêu như Chuyên Hà Nội-Amsterdam; THCS Cầu giấy, THCS-THPT Marie Curie… 

Thời điểm đó, các trường phải loay hoay đề xuất các phương án, sau đó đi đến phương án cuối cùng là xét tuyển bằng học bạ đi kèm các tiêu chí phụ. Tiêu chí phụ khi đó là bằng khen, giải thưởng học sinh giỏi, các cuộc thi cấp quận, cấp thành phố. Sau đó, lãnh đạo nhiều trường đã lên tiếng cho rằng, việc xét tuyển gây khó khăn cho các trường và thiếu công bằng đối với học sinh, chất lượng tuyển sinh của trường cũng bị giảm sút so với trước đó và đề xuất được “cởi trói” tuyển sinh. 

Vậy mà, không hiểu sao, giờ đây khi chính thức được “cởi trói” một số trường lại vẫn tiếp tục có chủ trương tuyển sinh theo phương thức cũ là xét tuyển. Lí do được các trường đưa ra khi chọn phương án tuyển sinh bằng xét tuyển là do chưa kịp để chuẩn bị. 

Cũng theo nhà trường, để tổ chức cho học sinh thực hiện bài kiểm tra đánh giá năng lực cần có nhiều thời gian, đặc biệt trước đó cả học kỳ, học sinh phải được tiếp nhận đề minh họa. Hơn nữa, cũng theo trình bày thì việc tuyển sinh bằng phương án xét tuyển 3 năm qua vẫn đảm bảo chất lượng.

Huyền Thanh
.
.
.