Xét tuyển đại học năm 2017:

Phần mềm lọc hồ sơ ảo có loại được thí sinh ảo?

Thứ Năm, 27/07/2017, 08:12
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến hết ngày 25-7, thời điểm chính thức “chốt” dữ liệu, tổng số thí sinh thay đổi nguyện vọng là 300.012 em, chiếm gần 60% trong tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển. 


Theo kế hoạch, bắt đầu từ chiều 26-7, các trường sẽ tải dữ liệu của Bộ về để lọc hồ sơ ảo. Từ ngày 28 đến ngày 30-7, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành lọc hồ sơ ảo toàn quốc. Liệu các trường đại học (ĐH) có lọc được thí sinh ảo như đã từng xảy ra trong các mùa tuyển sinh trước vẫn là câu hỏi được dư luận quan tâm.

Do quy chế tuyển sinh năm 2017 cho phép thí sinh được đăng ký không hạn chế số lượng nguyện vọng nên tỷ lệ thí sinh ảo sẽ rất lớn. Để giải quyết bài toán thí sinh ảo, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ các trường thông qua phần mềm lọc hồ sơ ảo. Theo dự kiến, việc lọc thí sinh ảo toàn quốc của Bộ GD&ĐT sẽ diễn ra từ ngày 28 đến 30-7.

Dự kiến ngày 1-8, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn.

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì nhóm xét tuyển phía Bắc với 56 trường ĐH cho biết: Dự kiến, chiều 26-7, các trường sẽ tải dữ liệu từ Bộ GD&ĐT về để tiến hành lọc hồ sơ ảo theo nhóm trường. Cũng theo ông Tớp, mấy tuần nay, phần mềm lọc ảo của nhóm đang chạy các dữ liệu về danh sách giả định, nguyện vọng giả định như một cuộc “tập trận”. Hiện nay, phần mềm này chạy tương đối tốt và ổn định.

Đặc biệt, với kỳ tuyển sinh năm nay, các trường được giao quyền tự chủ rất lớn nên cách thức hoạt động của các trường trong nhóm xét tuyển phía Bắc do ĐH Bách Khoa chủ trì rất khác so với nhóm GX năm ngoái. Trong đó, các trường sẽ cùng chia sẻ thông tin, cùng lọc ảo với nhau.

“Do hoạt động của nhóm xét tuyển liên quan chặt chẽ như vậy nên chỉ cần một đơn vị nào đó chưa thực sự đầu tư thời gian và công sức cho phần mềm lọc ảo thì khi chạy dữ liệu thật sẽ có thể xảy ra trục trặc, ảnh hưởng đến cả nhóm”-ông Tớp cho biết.

Cũng theo PGS. TS Trần Văn Tớp, việc cả nước có hơn 300 thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển sẽ không ảnh hưởng gì đến công tác lọc ảo và xác định điểm chuẩn của các trường. Hiện nay, phần mềm lọc ảo mà ĐH Bách khoa đang sử dụng thực chất là phần mềm vừa xét tuyển, vừa lọc ảo. Khi thí sinh đăng ký vào ngành của một trường nào đó, phần mềm sẽ tự động lấy điểm từ phía trên xuống, nếu không vướng điều kiện gì thì coi như thí sinh trúng tuyển.

Tất nhiên, vì thí sinh không chỉ đăng ký nguyện vọng tại một trường mà còn đăng ký nguyện vọng ở các trường khác nên phần mềm sẽ phải tiếp tục lọc ảo. Ví dụ, thí sinh A vừa đăng ký xét tuyển vào ĐH Bách Khoa Hà Nội vừa vào ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Xây dựng. Nếu thí sinh A ưu tiên nguyện vọng 1 ở ĐH Bách Khoa Hà Nội thì lập tức phần mềm loại 2 nguyện vọng còn lại.

Tuy nhiên, việc lọc hồ sơ ảo chỉ thực hiện được với những thí sinh cùng đăng ký vào các trường nằm trong nhóm, còn đối với các thí sinh đăng ký thêm trường ngoài nhóm, việc lọc ảo sẽ không triệt để. “Chẳng hạn, đối với những thí sinh tham gia xét tuyển khối ngành quân đội, công an thì phần mềm không lọc được. Khi đó, phần mềm của Bộ GD&ĐT sẽ giúp các trường tiếp tục lọc ảo.

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, nhiều khả năng các nhóm trường xét tuyển miền Bắc sẽ được tiếp xúc với dữ liệu khối ngành quân đội và công an và một phần thí sinh miền Trung. Nếu tiếp cận được dữ liệu tuyển sinh của những thí sinh ở Quảng Bình, Quảng Trị, Huế ra miền Bắc học thì việc lọc hồ sơ ảo của nhóm sẽ còn hiệu quả hơn rất nhiều” - ông Tớp chia sẻ.

Theo Bộ GD&ĐT, ngoài việc lọc ảo của các nhóm xét tuyển phía Bắc và phía Nam, dự kiến, phần mềm của Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ chạy lọc ảo chung 6 lần và gửi danh sách về cho các trường để các trường điều chỉnh. Điểm chuẩn năm 2017 của nhóm trường đại học phía Nam dự kiến sẽ công bố trước ngày 30-7. Điểm chuẩn năm 2017 của nhóm trường đại học phía Bắc sẽ công bố trước ngày 1-8. Danh sách trúng tuyển chính thức sẽ được Bộ gửi cho các trường để công bố trước ngày 17h ngày 1-8 theo đúng quy chế.

Để tra cứu danh sách trúng tuyển, thí sinh điền các thông tin cá nhân cụ thể như số báo danh, họ tên... Bên cạnh đó, thí sinh có thể truy cập một số website cung cấp dịch vụ tra cứu điểm chuẩn ĐH chính xác trên các địa chỉ website của Bộ GD&ĐT. Để tra cứu nhanh nhất, thí sinh cần nhập tên trường hoặc mã trường. Để tra cứu mã trường, thí sinh có thể tìm kiếm theo loại trường ĐH hoặc cao đẳng, theo khối thi hoặc theo tỉnh thành.

Huyền Thanh
.
.
.