Vụ "58 bài thi điểm 0 tại Tây Ninh được tăng điểm sau phúc khảo":

Phần mềm chấm thi có "vô can"?

Thứ Bảy, 03/08/2019, 10:52
Kết quả 58 bài thi bị điểm 0 đều tăng sau chấm phúc khảo tại Tây Ninh đã và đang gây nên những dư luận trái chiều.


Bên cạnh việc chỉ ra lỗi của thí sinh, sơ suất của Ban chấm thi trắc nghiệm thì vẫn có những nghi vấn về tính chính xác của phần mềm chấm thi trắc nghiệm, chất liệu giấy in phiếu trả lời trắc nghiệm. Nhiều ý kiến cho rằng, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GD&ĐT để làm sáng tỏ những nghi vấn này.

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, tính đến hết ngày 1-8, tất cả 63 hội đồng thi của 63 tỉnh/thành phố đã hoàn thành việc phúc khảo bài thi và công bố kết quả cho thí sinh. Số liệu thống kê toàn quốc cho thấy, tổng số bài thi đã phúc khảo là 57.639, trong đó tổng số bài thi trắc nghiệm là 40.887. Tổng số bài thi trắc nghiệm có thay đổi kết quả sau phúc khảo là 204 bài thi, chiếm tỷ lệ 0,5%.Trong đó, 100% các bài thi trắc nghiệm đề nghị được phúc khảo tại 32 hội đồng thi có kết quả phúc khảo không thay đổi so với kết quả ban đầu. 

Thí sinh được sử dụng kết quả chấm phúc khảo để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Ảnh minh họa.

Gần 20 hội đồng thi chỉ có 1 đến 3 bài thi trắc nghiệm thay đổi kết quả sau phúc khảo. Riêng Hội đồng thi tỉnh Tây Ninh có 62 bài thi trắc nghiệm thay đổi kết quả sau phúc khảo, trong đó có 58 bài thi đạt điểm 0 đều tăng điểm, cá biệt có bài thi tăng lên gần 9 điểm. 

Cũng theo Bộ GD&ĐT, tổng hợp báo cáo từ các Ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm cho thấy, các nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi kết quả sau phúc khảo so với ban đầu của các bài thi là do chất lượng của bản in Phiếu trả lời trắc nghiệm không đồng đều dẫn đến máy quét không nhận dạng được chính xác; một số thí sinh tô nhầm số báo danh; một số thí sinh tô sai mã đề thi; một số thí sinh tô mờ đáp án hoặc không tẩy hết đáp án cũ sau khi đã thay đáp án mới trên bài làm.

Như vậy, trong báo cáo của các Ban phúc khảo bài thi trắc nghiệm gửi về Bộ GD&ĐT, không có lỗi từ phần mềm chấm thi. Trước đó, trao đổi với báo chí, TS Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD&ĐT cũng khẳng định: Với sự việc ở Tây Ninh, phần mềm chấm trắc nghiệm không bị lỗi. Nếu do phần mềm, lỗi sẽ xuất hiện ở bài thi của 63 tỉnh, thành. 

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia có kinh nghiệm trong việc chấm thi trắc nghiệm, về mặt lý thuyết, việc có lỗi từ phần mềm chấm thi trắc nghiệm cũng là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra. 

Thực tế cho thấy, thông thường, nguyên nhân dẫn tới việc máy chấm sai hoặc không nhận dạng được bài thi có thể đến từ 3 yếu tố: Thí sinh, người chấm và phần mềm. Thí sinh có thể tô sai mã đề, chưa xóa kỹ câu trả lời bỏ, đó là lỗi của thí sinh. Khi chấm, cán bộ chấm thi không nhận ra các lỗi này hoặc phát hiện nhưng không biết sửa thế nào, đó là lỗi của cán bộ chấm thi. Khi phần mềm không nhận diện được bài thi, đó là phần mềm lỗi. 

Tình trạng cùng một phần mềm nhưng thiết bị vận hành không chuẩn sẽ dẫn tới các sai số. Vì thế, nếu hội đồng chấm thi trắc nghiệm nào chủ quan, dựa hết vào phần mềm thì rất dễ làm mất quyền lợi của thí sinh.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, chất liệu giấy in phiếu trả lời trắc nghiệm không đạt chuẩn, không đúng quy cách cũng có thể là nguyên nhân khiến cho phần mềm chấm thi không nhận dạng được. 

“Các trường hợp có thể dẫn đến bài thi trắc nghiệm không được nhận dạng là tờ giấy thi trắc nghiệm bị lỗi các điểm nhận dạng; khi máy quét bài thi bị lệch mép giấy; quét ngược mặt của bài thi (mặt trắng); thí sinh để dây mực hoặc các vết bẩn trên một số vị trí của giấy thi” - một cán bộ chấm thi của Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết.

Còn theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, năm nay, Bộ GD&ĐT không quy định các địa phương phải mua phiếu trả lời  trắc nghiệm cùng một cơ sở in nên sự chênh lệch về loại giấy này cũng có khả năng dẫn đến sai sót, khiến phầm mềm không nhận dạng được.

Từ những phân tích trên, các chuyên gia chấm thi cho rằng: Vấn đề này cần được Bộ GD&ĐT kiểm tra, xem xét một cách thấu đáo. Thậm chí, Bộ GD&ĐT có thể tiến hành thanh, kiểm tra để chỉ ra lỗi thực sự ở đâu để từ đó có giải pháp khắc phục kịp thời. Đồng thời, làm thỏa mãn dư luận bằng những giải thích xác đáng và thấu đáo, tránh tình trạng dư luận trái chiều như hiện nay. 

Về vấn đề này, TS. Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Thông tin cho rằng 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 ở Tây Ninh chủ yếu do lỗi của thí sinh tô sai mã đề, tô nhầm số báo danh và tô mờ đáp án khiến máy không thể nhận diện được mới là nguyên nhân ban đầu theo báo cáo của đơn vị chấm trắc nghiệm, chưa phải kết luận cuối cùng của Bộ GD&ĐT. 

“Hiện Bộ GD&ĐT đang kiểm tra, rà soát. Cụ thể, Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra nhật ký chấm và sẽ làm rõ lỗi từ bộ phận nào để xử lý nghiêm túc” - ông Hồng nói. 

Theo quy chế thi THPT quốc gia, kết quả chấm phúc khảo là kết quả cuối cùng để thí sinh sử dụng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học nên quyền lợi của tất cả các thí sinh bị thay đổi điểm thi sau chấm phúc khảo đều được đảm bảo.

Huyền Thanh
.
.
.