Phân luồng sau trung học phổ thông là quá trễ

Thứ Năm, 14/01/2016, 15:50
Một trong những vấn đề được đặt ra nhiều nhất trong cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân từ trước đến nay là phân luồng thế nào để tạo ra nguồn lực tốt cho xã hội, phù hợp với yêu cầu mới. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, vấn đề này vẫn chưa thực hiện được.



Hiện luồng học trung học phổ thông (THPT) rồi vào đại học (ĐH) vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó luồng giáo dục nghề nghiệp đáng lẽ cần nhiều thì lại thiếu. Để giải bài toán phân luồng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa trình Chính phủ dự thảo cơ cấu giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, nhìn vào dự thảo này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc phân luồng vẫn còn mờ nhạt. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam về vấn đề này.

PV: Trong dự thảo cơ cấu giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ, học sinh vẫn phải học 12 năm, sau đó mới tiến hành phân luồng thành 3 nhánh theo 3 định hướng nghề nghiệp: Định hướng chung có tính hàn lâm/khoa học, định hướng kỹ thuật/công nghệ, và định hướng năng khiếu. Theo ông, việc phân luồng như trên đã thực sự hợp lý hay chưa?

GS.TS Phạm Tất Dong: Trên thế giới hiện có 2 xu hướng phân luồng, một là sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS)- học xong lớp 9- với tỷ lệ khá phổ biến và sau khi đã tốt nghiệp THTP, học xong lớp 12. Dự thảo của Bộ GD&ĐT chọn xu hướng thứ 2, tức là phân luồng sau khi học xong lớp 12.

Tuy nhiên, cá nhân tôi lại thiên về xu hướng thứ nhất bởi  học sinh không nhất thiết phải học hết 12 năm rồi mới phân luồng vì trên thế giới người ta không phổ cập THPT mà chỉ phổ cập THCS. Thực tế cho thấy, với sức vóc được cải thiện so với các thế hệ trước đây, học sinh học xong lớp 9 không có nhu cầu học lên đại học, hoàn toàn có thể theo học nghề để có thể sớm tham gia vào thị trường lao động.

Số còn lại tiếp tục học THPT, sau khi tốt nghiệp, một số vào ĐH, một số vào Cao đẳng. Nói cách khác, THPT là cấp định hướng nghề nghiệp nhưng phân luồng thì nên ở cấp THCS, sau khi tốt nghiệp lớp 9. Trong quá trình học nghề, học sinh vẫn phải học kiến thức, văn hóa, thậm chí là chính trị để vẫn đảm bảo có được những yêu cầu cần thiết khi tham gia vào thị trường lao động và có thể theo học lên các cấp học cao hơn khi có nhu cầu.

PV: Việc phân luồng sau THPT mà dự thảo đưa ra phải chăng là quá trễ và điều này sẽ gây ra những hệ lụy gì, thưa ông?

GS.TS Phạm Tất Dong: Nếu chúng ta vẫn tiếp tục chọn cách phân luồng sau THPT, tức là học sinh học xong 12 năm phổ thông rồi sau đó mới phân hóa theo con đường học nghề hoặc vào đại học thì cơ cấu nghề nghiệp vẫn tiếp tục bất cân xứng, cử nhân vẫn thừa và thợ lành nghề thì vẫn thiếu như hiện nay.

Một thực tế rõ ràng là sau khi tốt nghiệp THPT, hầu hết học sinh đều đua nhau vào ĐH, không mấy em muốn đi học nghề. Kể cả các bậc phụ huynh, cha mẹ nào cũng muốn con vào ĐH và luôn quan niệm học kém mới phải học nghề. Tâm lý thích vào ĐH, cộng với việc hệ thống trường ĐH mở ra ngày càng nhiều, đặc biệt là các trường ngoài công lập khiến nhiều học sinh có học lực trung bình, yếu vẫn có thể vào học ĐH.

Hệ quả là nhân lực có trình độ ĐH ngày càng dư thừa.. Trong khi đó, luồng giáo dục nghề nghiệp, nơi cung cấp nguồn nhân lực là công nhân lành nghề phục phụ sản xuất trong giai đoạn hội nhập, cạnh tranh gay gắt hiện đang “khát” thì chủ yếu được phân bổ khi các em không đỗ ĐH, khiến cho luồng này tiếp tục bị “tắc” và chất lượng không cao.

Do vậy, tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu, tiếp thu đề xuất của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tiến hành phân luồng học sinh ngay sau khi tốt nghiệp THCS, các em sau khi tốt nghiệp được chia thành 2 luồng, luồng lên học THPT và luồng đi vào học nghề.

Luồng nào cũng thể hiện tính ưu việt, tuy nhiên luồng theo học nghề sẽ ra trường sớm hơn, đi làm sớm hơn mà vẫn được học lên cao khi có nhu cầu nên sẽ là sự lựa chọn tốt cho nhiều học sinh có năng lực nhưng không đủ điều kiện để theo học ĐH, tiết kiệm cả cho học sinh và đất nước.

PV: Ông nghĩ sao khi các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu chúng ta không chú trọng đến luồng học nghề, hệ thống các trường nghề và chất lượng đào tạo không được cải thiện thì nguy cơ lao động Việt Nam thua các nước Asean ngay trên sân nhà là hoàn toàn có thật?

GS.TS Phạm Tất Dong: Theo tôi biết, hiện nhiều quốc gia trong khu vực Asean đang có xu hướng đầu tư vào các trường nghề và trang bị nhiều trường dạy nghề rất tốt. Trong khi đó, hệ thống các trường nghề của chúng ta hiện nay vẫn chưa có nhiều thay đổi, chưa thu hút được các nguồn lực xã hội và người học.

Thực tế cho thấy, nếu chúng ta đào tạo nghề không tốt thì không thể cạnh tranh được với khu vực và thế giới. Đặc biệt, hiện nay, chúng ta đang mở ra rất nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng phải sử dụng lao động người nước ngoài do lao động trong nước chỉ làm được những công việc đơn giản hoặc phải đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Sắp tới đây, khi cộng đồng kinh tế Asean hình thành, lao động các nước sẽ được di chuyển tự do, nguy cơ người lao động Việt Nam có thể thua trên sân nhà là hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, hơn lúc nào hết, hai Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội cần ngồi lại với nhau để cùng bàn thảo, nghiên cứu đưa ra chiến lược đào tạo nghề phù hợp và dài hơi hơn cho đất nước, tránh tình trạng “cát cứ”, thiếu sự phối hợp linh hoạt như hiện nay.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam

PV: Một trong những điểm mới trong dự thảo cơ cấu giáo dục quốc dân là thời gian đào tạo ĐH sẽ rút ngắn xuống còn 3 năm. Ông nghĩ sao về sự điều chỉnh này?

GS.TS Phạm Tất Dong: Việc đào tạo ĐH rút xuống còn 3 năm, tôi hơi ngại vì kiến thức khoa học ngày nay quá nhiều,làm sao để cử nhân vừa có phông kiến thức chung song vẫn đảm bảo yêu cầu kiến thức chuyên sâu là một thách thức không nhỏ. Tất nhiên, khi đưa ra đề xuất này, chắc chắn những người làm chính sách đã tính đến việc sẽ loại bỏ một số môn không cần thiết.

Song nếu rút xuống 3 năm thì chương trình đào tạo cần phải hết sức chắt lọc, tinh túy; phương thức đào tạo cũng phải thay đổi căn cốt, thay vì kiến thức hàn lâm phải gắn với những đòi hỏi thực tế của thị trường lao động. Còn nếu vẫn giữ cách đào tạo thiên về lý thuyết hiện nay thì càng rút ngắn thời gian, chất lượng đào tạo vốn đã yếu lại càng thêm yếu

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.