Những lớp học giữa Sài Gòn 'in dấu' biển đảo quê hương

Thứ Hai, 16/11/2015, 18:00
Thay cho những cái tên thông thường nhưng lớp 10 A, 10 B, các lớp học tại trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) vừa được nhà trường lên kế hoạch cùng các lớp quyết định đặt tên lớp học theo tên các hòn đảo thuộc vùng quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Ngày 16/11, tại buổi lễ chào cờ đầu tuần của Nhà trường, Ban giám hiệu, các giáo viên và các khối học sinh trong trường vui mừng với “Công trình” độc đáo và đầy ý nghĩa của tập thể nhà trường đã cho ra đời 15 lớp học được “định danh” theo tên từng hòn đảo như : Cô Tô, Song Tử Tây, Chữ Thập, Gạc Ma, Lưỡi Liềm…

Chủ đề buổi sinh hoạt chào cờ thứ 2 của trường từ nay sẽ mang một màu sắc mới.

Thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ý tưởng đặt tên lớp học theo tên các hòn đảo Việt Nam đã được thầy ấp ủ trước đó cả năm, bắt đầu từ những suy nghĩ muốn học sinh hiểu biết hơn về biển đảo quê hương, xây dựng cho các em về ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước. Và trong mỗi thứ 2 hàng tuần, sẽ có giờ sinh hoạt, mỗi lớp sẽ cử đại diện lên thuyết trình về hòn đảo lớp mình được đặt tên.

Ngay khi biết được chương trình này của Nhà trường, các học sinh đều rất phấn chấn tham gia. Việc trang trí trong lớp phải đạt yêu cầu, thể hiện bản sắc riêng, mà trong đó các thành viên mỗi lớp đều phải động não, tham gia, tìm hiểu qua các tài liệu, phim ảnh, về hòn đảo lớp mình mang tên ở tất cả các khía cạnh: Lịch sử hình thành, vị trí địa lý, đặc trưng của đảo, … Những thông tin này cũng được ghi lại chi tiết trong bảng tin của lớp. Từ đó, hình thành lên một không gian lớp học bỗng trở nên nhiều màu sắc, phong phú, ý nghĩa bởi những bức tranh, hình vẽ, những bài thơ mang hơi thở biển cả.

Học sinh Trần Thanh Tâm, lớp 10 - Song Tử Tây trong tâm trạng rất vui, kể: Lớp em bốc thăm được tên Song Tử Tây, cả lớp rất vui và cùng nhau tìm hiểu thông tin về hòn đảo này. Trước khi được mang tên mới, tụi em gần như không biết gì về đảo Song Tử Tây. Đây cũng là dịp để chúng em bổ sung kiến thức về biển đảo Việt Nam.

Một bạn nữ khác ở lớp 10 - Gạc Ma thì nói : “Trước đây, em cũng chỉ nghe sơ sơ về đảo Gạc Ma, nhưng từ khi lớp chúng em được mang tên hòn đảo này, tụi em mới hiểu rõ, hiểu sâu hơn về lịch sử cũng như quá trình chiến đấu của quân dân ta trong việc bảo vệ đảo Gạc Ma. Tuần tới, lớp chúng em sẽ dựng lại cuộc chiến đấu giữ đảo năm 1988 trong buổi thuyết trình”.

Không khí biển đảo bao trùm trong từng lớp học.

Thầy Hiếu cũng cho biết, không chỉ thực hiện đặt tên các lớp học theo tên các hòn đảo Trường Sa, mà từ đầu năm học, nhà trường đã may đồng phục học sinh của trường theo thiết kế mẫu đồng phục cách điệu của lực lượng Hải quân với áo màu trắng chủ đạo, quần xanh. Đặc biệt, trên ngực trái áo đồng phục có in dòng chữ : “Em yêu biển đảo quê hương”. Ý tưởng thiết kế do thầy trò trường ấp ủ sau nhiều lần đến thăm các chiến sĩ Hải quân, cũng như tổ chức hoạt động hướng về biển đảo.

H.Nga
.
.
.