Những khoản học phí “kỳ quặc” của trường Quốc tế:

“Vướng” nghị định 86, nhà quản lý lúng túng!

Thứ Bảy, 30/05/2020, 17:44
Hàng loạt phụ huynh các trường quốc tế ở TP Hồ Chí Minh phản đối chính sách học phí ở các trường trong đợt nghỉ dịch COVID-19. 

Thời gian qua, hàng loạt phụ huynh các trường quốc tế ở TP Hồ Chí Minh phản đối chính sách học phí ở các trường trong đợt nghỉ dịch COVID-19. 

Từ những bức xúc mâu thuẫn chưa thể giải quyết, phụ huynh còn cho biết thêm nhiều khoản học phí “lạ lùng” mà tại một số các trường ngoài công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang áp dụng gây nhiều thắc mắc. Song, theo Sở GD-ĐT, đó là do thoả thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Sở không thể giải quyết vì “vướng” nhiều qui định của ngành.

Những khoản phí “lạ lùng” !

Theo đó, phụ huynh tố tới rất nhiều các khoản tiền thu mà chỉ có ở trường quốc tế tại Việt nam mới có như: khoản phí giữ chỗ, phí ghi danh, phí nhập học, phí hồ sơ…

Được biết, khi cho con đi học tại các trường quốc tế, phụ huynh thường đã có kế hoạch chuẩn bị những khoản tài chính cụ thể để đóng tiền cho con từ lần đầu đi đăng ký cho đến tiền phải nộp hàng kỳ, hàng năm. Mức học phí từ vài trăm triệu đồng đến hơn nửa tỷ đồng, có nơi lên tới trên 700 triệu /năm, chưa kể tiền ăn, tiền xe đưa đón vài chục triệu đồng. 

Thời gian gần đây tại khu vực TP Hồ Chí Minh, tại các trường Quốc tế có thêm một khoản phí phát sinh kỳ quặc nữa là phí... giữ chỗ.  Tuỳ theo các cách nói, cách gọi mà tiền này còn có các tên như: phí ghi danh, phí đặt cọc, phí giữ chỗ, phí “giữ suất học”. 

Qua tìm hiểu, nếu như các trường tư thục học bình thường, không phải trường quốc tế thì phí tầm trung có phí giữ chỗ từ 1-10 triệu,  còn ở trường mang yếu tố nước ngoài sẽ lên tới 20 triệu đồng, thậm chí có trường là trên 40 triệu đồng.

Ghi nhận, tại Trường Horizon có mức học phí từ 200-379 triệu đồng/năm/học sinh với 2 địa điểm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. 

Theo thông báo từ trường, phí nhập học áp dụng với học sinh mới ( không hoàn lại) là 25 triệu đồng. Ngoài ra còn có phí kiểm tra, tets nhanh đầu vào 1,2 triệu đồng/học sinh.

Ở trường Quốc tế Mỹ (TAS) còn có khoản phí nhập học và phí “nộp hồ sơ” là 3,5 triệu đồng trước khi HS dự thi vào trường. Khoản phí này cũng sẽ không hoàn lại. 

Thứ nữa, sau khi con được nhận vào học, cha mẹ còn đóng khoản phí nhập học và đóng 1 lần trong suốt thời gian học tại trường. Ngoài ra, còn đóng thêm khoản phí “đặt cọc” 21 triệu đồng/năm cùng với học phí. Nếu thanh toán theo kỳ thì phí đặt cọc là 30 triệu đồng/năm. Đây là khoản tiền sẽ đóng mỗi năm. 

Bức xúc chuyện học phí online khiến nhiều phụ huynh trường Quốc tế Úc (AIS Sài gòn) đã cầm băng rôn tới cổng trường đòi đối thoại với nhà trường 2 đợt trong tháng 4 và tháng 5-2020.

Trường Quốc tế Việt Úc (VAS), ngoài phí ghi danh (đóng lần đầu) thì mỗi năm, phụ huynh còn phải đóng phí giữ chỗ 20 triệu đồng/năm vào thời điểm đóng học phần 4 của năm học trước. 

Trường Quốc tế Singapore công khai mức phí kiểm tra đầu vào là 2,94 triệu đồng/học sinh, phí ghi danh 21,5 triệu đồng/học sinh và phí đặt cọc là 15 triệu đồng/năm. Phí ghi danh sẽ không hoàn trả cho phụ huynh và phí đặt cọc sẽ phải đóng theo năm.

Theo phụ huynh của các trường trên cho biết, tất cả các học sinh phải thanh toán khoản tiền giữ chỗ. Khoản thanh toán này để “đảm bảo” việc nhập học của học sinh tại trường. Khoản phí giữ chỗ sẽ được trừ vào lần thanh toán học phí đầu tiên tại trường. 

Theo đó, các HS sẽ phải đóng phí này trong vòng 14 ngày sau khi nhận được thư mời học từ nhà trường để đảm bảo chắc chắn có suất học tại trường. Trường hợp phụ huynh đóng phí giữ chỗ nhưng sau đó không có nguyện vọng cho con học tại trường thì phí giữ chỗ sẽ không được hoàn lại.  

Tranh cãi khó giải quyết vì “vướng” Nghị định 86

Liên quan tới những chuyện phí được cho là vô lý tại khối trường Quốc tế, tuần qua, ông Lê Hoài Nam, Phó GĐ Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng đã có cuộc trả lời chất vấn trực tiếp của  báo chí xung quanh vấn đề, làm thế nào giải quyết dứt điểm mâu thuẫn giữa phụ huynh với các trường quốc tế thời gian qua về việc thu học phí mùa dịch COVID-19.

Ghi nhận, có tới hai đợt trong tháng 4 và cuối tháng 5/2020, phụ huynh nhiều trường, trong đó điển hình là tại Trường Quốc tế Úc (AIS Saigon) đã tổ chức tập trung trước cơ sở của trường ở phường An Phú (Quận 2, TP Hồ Chí Minh) để phản đối chính sách thu học phí trong thời gian nghỉ học do dịch COVID-19. 

Phụ huynh tổ chức, tới nơi cầm băng rôn, ghi lời yêu cầu được đối thoại với nhà trường nhưng thường không được đáp ứng. Nhà trường cho bảo vệ trước cổng đuổi đi, không cho phụ huynh đứng trên phần đất của trường, phụ huynh phải đứng trên vỉa hè. Đồng thời, để đảm bảo an ninh trật tự, chính quyền cho mời phụ huynh và nhà trường lên làm việc. Nhưng nhà trường thường từ chối không đối thoại với phụ huynh.

Sau bức xúc của phụ huynh, trường có ra thông báo về các mức hoàn trả học phí theo bậc học. Cách chi trả với từng cấp học của nhà trường khiến phụ huynh tiếp tục phản đối, đồng thời lại nhận được thêm thông báo, phải cho con theo học tại trường và đóng tiền học năm sau (trước ngày 15/5) thì mới được hoàn học phí. Tất cả những điều kiện đưa ra giữa hai bên đều không đi tới thống nhất và tiếp tục gây nên sự tranh cãi khó hoà giải.

Sự việc đấu tranh tương tự cũng xảy ra tại một số Trường: Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS), Quốc tế Úc (AIS Saigon), và trường Sao Việt (Star).

Theo khẳng định của ông Lê Hoài Nam, mâu thuẫn giữa phụ huynh với các trường quốc tế vừa qua thuộc vấn đề dân sự, khi giữa hai bên không giải quyết được sẽ phải lập đoàn thanh kiểm tra với các trường xung quanh chuyện thu học phí. Còn lãnh đạo Sở đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các ban ngành quận huyện để ổn định trấn an phụ huynh. Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, còn nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết. Trong đó, do cơ sở của hầu hết các trường Quốc tế tại TP Hồ Chí Minh có vốn đầu tư nước ngoài, họ có nhiều đơn vị đặt tại nhiều nước. Có đơn vị có 60 trường khắp thế giới, ở Việt Nam chỉ có 2 trường. Do vậy, việc giải quyết chính sách chung về quyền lợi, phải là đồng bộ, không thể giải quyết cho từng cơ sở. Điều này cũng gây nên sự chậm trễ, không hiểu nhau giữa phụ huynh học sinh và nhà trường.

Ngoài ra, cũng theo ông Nam, dịch COVID-19 tạo tiền lệ chưa từng có cho ngành Giáo dục, nhiều trường phải chuyển sang dạy học trực tuyến. Việc điều chỉnh học phí phải làm sao phải hài hòa lợi ích giữa phụ huynh và nhà trường nhưng theo ông Nam, để hài hòa tuyệt đối là rất khó. Trong đó lý do chính là, các trường ngoài công lập hoạt động theo Nghị định 86 của Chính phủ. Trong đó, có điều khoản qui định, các trường tự quyết định mức thu. Khi phát sinh những vấn đề khác, hai bên giải quyết trên tinh thần thỏa thuận. "Nếu không thỏa thuận được, phụ huynh có quyền không sử dụng dịch vụ hoặc trường từ chối cung cấp dịch vụ”. Ông Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, các đơn vị ngoài công lập hoạt động theo luật doanh nghiệp nên mức thu học phải phải đảm bảo được quyền lợi của chủ đầu tư. Nếu giải quyết không khéo, sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của Doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. 

Lý do nữa, những việc này giữa hai bên phụ huynh và nhà trường khi giao kèo, thoả thuận cho con vào học chưa có sự thấu hiểu, thông tin kỹ càng nên dẫn tới sự “hiểu lầm”nhau. 

Bức xúc của phụ huynh thời gian qua về học phí online mà các trường vẫn thu, Sở đã đề nghị UBND các quận huyện ổn định trật tự tại cổng trường. Song, nếu vẫn không giải quyết được, Sở kiến nghị thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thu học phí tại các trường ngoài công lập, nhất là các trường quốc tế.

Huyền Nga
.
.
.