Nhọc nhằn “nuôi” con chữ giữa đại ngàn

Thứ Tư, 04/09/2019, 12:16
Hoà chung với cả nước, ngày 5-9, hàng nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sẽ bước vào năm học mới 2019-2020. Tuy nhiên, ở đâu đó trên mảnh đất bazan đầy nắng và gió này, vẫn còn học sinh ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn phải nhọc nhằn vượt khó trên con đường hành trình đi tìm… con chữ.


Đến trường từ… 4h sáng

Những ngày đầu tháng 9-2019, hàng trăm đứa trẻ sinh sống tại 4 cụm dân cư số 8, 9, 10 và 12 của xã Đắk Rmăng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông lại tất bật khăn gói, đồ đạc đến trường để chuẩn bị cho một năm học mới. Và cũng từ đây, những đứa trẻ này lại bước vào hành trình đầy gian nan đi tìm… con chữ.

Đã từ lâu, 4 cụm dân cư này được ví như “một thế giới khác” bởi để đến được nơi này, mọi phương tiện phải di chuyển hàng chục cây số qua những chặng đường rừng lầy lội, dốc cao, núi thẳm.

Cả 4 cụm dân cư chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 300 hộ người Mông di cư từ phía Bắc vào sinh sống nhưng đã có gần 1.000 đứa trẻ được sinh ra từ đây. Nếu như cuộc sống mưu sinh của người dân nơi đây khó khăn bao nhiêu thì con đường đến trường của những đứa trẻ lại càng nhọc nhằn gấp bội.

Thầy cô giáo đến nhà vận động các phụ huynh cho con em đến trường.

Có mặt tại Trường Tiểu học bán trú Vừ A Dính (đóng tại xã Đắk Som) từ sáng sớm, chúng tôi chứng kiến nhiều tốp học sinh lớn nhỏ dắt díu nhau ra tìm nhà ở trọ. Năm học này, trường có khoảng 300 trẻ sinh sống tại 4 cụm dân cư đến học, trong đó có gần 50 em vào lớp 1. Và trong số này, chỉ những em gia đình “có điều kiện” mới có thể cho con ra gần trường trọ học, còn phần lớn vẫn đi về trong ngày.

12 giờ trưa, đi bộ dọc theo con đường độc đạo dẫn vào 4 cụm dân cư, chúng tôi bắt gặp anh Giàng Seo Phố (trú tại cụm số 9) đang lầm lũi dắt theo 7 đứa trẻ. Nói tiếng Kinh bập bẹ không rõ, anh Phố cho biết, trong 7 đứa trẻ ấy có 4 đứa là con anh, 3 đứa là con hàng xóm. Đứa lớn nhất năm nay vào lớp 7, đứa nhỏ nhất thì học mẫu giáo.

“Nhiều năm nay, mình phải đưa chúng ra ngoài đó thuê trọ chứ không đi về được. Nay mình đưa chúng ra sớm để còn tìm nhà trọ, mua sách vở, quần áo cho năm học mới nữa”, anh Phố nói.

Trời tối hẳn, chúng tôi mới có mặt tại cụm dân cư số 9, nơi tập trung nhiều hộ gia đình nhất trong các cụm dân cư. Ở đây, do không có điện nên nhà nào cũng tranh thủ ăn cơm từ chạng vạng tối và đi ngủ khi đàn gà mới bắt đầu lên chuồng. Để thắp sáng những khi cần thiết, mỗi nhà đều trang bị cho mình một chiếc bình ắc quy nhưng hầu hết, họ chỉ để dành cho sáng ngày mai, khi những đứa trẻ chuẩn bị đến trường.

4 giờ sáng, khi cả cụm dân cư vẫn đang chìm trong màn sương, thì nhiều gia đình đã thức dậy để chuẩn bị cho con đi học. Dưới ánh điện lờ mờ từ chiếc bình ắc quy, anh Giàng Seo Sình lọ mọ chuẩn bị chồng sách vở cho cậu con trai Giàng Min Sỹ đến trường. Năm học này, Sỹ mới vào lớp 2 nhưng do gia đình không có điều kiện nên em vẫn phải tự đi bộ về trong ngày.

“Ngày nào cũng thế, nó cùng với đám bạn đi học từ 4 giờ sáng và về đến nhà khi gần 8 giờ tối. Riết rồi cũng quen, chỉ khi nào chúng về muộn quá mình mới mang đèn pin đi đón thôi”, anh Sình cười nói.

Khoảng 15 phút sau, tiếng trẻ em í ới gọi nhau đi học đã vang lên một góc rừng. Giàng Thị Lý năm nay vào lớp 5 dắt theo cậu em trai nhỏ vào lớp 1 cho biết: “Những năm trước, em phải đi học một mình. Năm nay, có thêm em trai đi cùng nên cũng đỡ buồn. Ở đây, để kịp giờ đến lớp, chúng em phải đi từ sáng sớm. Từ nhà đến trường khoảng 12km nhưng không đi được xe đạp, chỉ có đi bộ thôi. Bố mẹ thì bận đi làm rẫy, không chở được”, Lý cười nói rồi vội kéo tay cậu em đi vội.

Nỗ lực vận động học sinh đến lớp

Khác với những đứa trẻ ở trong cụm, Lầu Thị Tớ (trú tại cụm số 10) lại không có điều kiện để tiếp tục đến trường trong năm học mới này. Những ngày này, khi trời vừa chạng vạng tối, Tớ với mấy đứa trẻ cùng trang lứa lại dắt díu nhau vào lán ngủ để hôm sau còn kịp đi rừng sớm.

“Phải vào đó ngủ sớm để mai còn kịp chuyến đò chở qua lòng hồ thuỷ điện sang tỉnh Lâm Đồng hái măng rừng. Hôm nào nhiều thì bán được vài trăm nghìn, ít thì chỉ mấy chục. Tiền này em đều đưa bố mẹ để phụ giúp các em ăn học”, Tớ nói rồi vội nắm tay bạn lôi đi.

Không chỉ riêng gì em Tớ phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình kiếm tiền mà ở cái cụm dân cư này, nhiều em cũng buộc phải gác lại ước mơ “nuôi con chữ”. Theo các thầy cô cho biết, không dễ để tập trung hết trẻ trong cụm dân cư này đến trường mỗi khi năm học mới bắt đầu. Phần vì không đủ giáo viên, phần vì các em có hoàn cảnh khó khăn, bận đi rẫy kiếm tiền nên cũng chẳng nhớ đến ngày đến trường. Chính vì vậy, năm học nào các thầy cô cũng phải vào tận các cụm dân cư để vận động các em đi học.

Thầy Hoàng Ngọc Yêm (Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học bán trú Vừ A Dính) cho biết, năm nào cũng vậy, khi sắp hết hè thầy cô ở đây lại toả đi khắp nơi để vận động gia đình cho các em đến lớp. Tuy nhiên, do hoàn cảnh nhiều em quá khó khăn nên buộc phải nghỉ học giữa chừng.

“Nhiều hôm vào nhà không thấy các em đâu, thầy cô lại phải lên tận nương rẫy để thuyết phục các em đến lớp. Thậm chí nhiều em theo bố mẹ đi rừng cả tuần mới về nên chỉ biết ngồi đợi. Khó khăn vất vả là vậy nhưng ai cũng muốn các em đến lớp, học lấy cái chữ”, thầy Yêm bộc bạch.    

Tương tự, thầy La Hữu Phong (Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu) cho biết thêm, trước đây tình trạng học sinh bỏ học sau nghỉ hè rất nhiều, nhưng vài năm gần đây tình trạng này được kéo giảm đáng kể nhờ công tác vận động của các cấp chính quyền từ xã đến thôn và cùng với thầy cô giáo của trường.

“Thường sau hè là vào mùa hái măng rừng, các em ở nhà để đi làm kiếm thêm. Các em nghỉ năm bữa, nửa tháng sau hè là chuyện bình thường. Hết mùa các em lại đến trường nên nhiều khi các em bị hỏng kiến thức, theo không kịp các bạn khác”, thầy Phong bộc bạch.

Trao đổi với ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk GLong cho biết, tại 4 cụm dân cư này có khoảng 1.000 trẻ trong độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có khoảng 300 em được đi học, số còn lại do hoàn cảnh gia đình khó khăn hay nhiều lý do khác, các em vẫn chưa được đến trường.

“Trong những năm qua, việc dạy và học ở nơi đây vẫn còn đó bao khó khăn vất vả, nhưng với lòng yêu nghề, yêu trẻ, các thầy cô giáo luôn sẵn sàng đến với những bản làng xa xôi giữa núi rừng đại ngàn để mang cái chữ đến với các em nhỏ. Khó khăn là vậy, nhưng theo các cô giáo, điều đáng mừng là đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã ý thức được vai trò của con chữ, nên cũng đã bắt đầu đồng thuận việc đưa con em đến trường”, ông Phương bộc bạch.

Văn Thành
.
.
.