Nhớ người thầy đầu tiên “gieo chữ” trên rẻo cao Đakrông

Chủ Nhật, 14/12/2014, 11:56
Từ sau trận lũ quét lịch sử 2009, tôi mới có dịp ngược lên vùng cao Đakrông (Quảng Trị) thăm thầy giáo Hà Công Văn. Ngôi nhà sàn lợp tranh tre nứa lá vừa dựng lại sau cơn lũ quét của vợ chồng thầy nằm cạnh cổng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Húc Nghì, sát khu nhà bán trú dành cho học sinh. Người Pa Cô, Vân Kiều ở đây nói rằng, các em học trò luôn là tài sản quý giá của thầy Văn, người thầy đầu tiên mang ánh sáng cái chữ Bác Hồ đến với bà con dân bản.

Thầy Văn lại mời tôi ăn ngô rang, uống nước lá rừng. Câu chuyện gần 40 năm dạy học trên rẻo cao của người thầy giáo này, dường như dài hơn cả đời người! Thầy Văn quê huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Đồng Hới (Quảng Bình) năm 1977, thầy tình nguyện vào dạy học ở xã Tà Long, huyện Đakrông. Lúc bấy giờ, thầy mới chỉ 20 tuổi. Không ai nghĩ một người trẻ tuổi, vốn quen sống ở đồng bằng, lại có thể chịu được những cơ cực ở nơi rất xa xôi cách biệt này. Núi rừng, khe suối chỗ nào cũng còn chi chít hố bom, mảnh đạn. Những ngôi nhà sàn lưng núi nhỏ như những chuồng chim câu. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào cây ngô, cây lúa rẫy và hầu hết trong số họ đều mù chữ… Sau hơn 3 ngày ròng rã lội bộ, vượt suối băng rừng, thầy Văn đến được bản Ly Tôn của xã Tà Long. Nghe tin có thầy giáo mang cái chữ Bác Hồ đến cho bản làng, tất thảy già làng, trưởng bản cho đến trẻ con đều tập trung đến nhà già Vỗ Say mở tiệc ăn mừng.

Những ngày ấy, để chuyện trò được với người Vân Kiều, Pa Cô đã là một việc làm khó khăn, nói gì đến sống cùng bà con, bởi có rất ít người thạo tiếng Kinh, mà thầy Văn lại là người Kinh duy nhất ở xứ sở này. Thầy Văn nghĩ, muốn hoà nhập được với bà con, phải “hoá thân” thành người miền núi, cùng ăn, cùng ở với dân bản, phải học tiếng Vân Kiều, Pa Cô để thuyết phục bà con nghe theo mình. Hằng ngày, thầy bày cho họ cách trồng lúa nước, trồng rau, ngô, nuôi cá... Đêm xuống, tay xách đuốc, tay cầm gậy, lội suối đến từng nhà vận động bà con cho con em mình đi học. Ban đầu được vài em, sau nhiều lần như thế, lớp học đông dần lên 42 em. Không có nơi học hành, thầy cùng bà con chặt tre nứa, lá dựng trường. Giữa đại ngàn Trường Sơn, sau bao nhiêu năm chỉ rặt tiếng bom rơi đạn nổ, nay có một lớp học ê a đọc bài theo nhịp thước của thầy giáo như chuyện cổ tích.
Thầy Văn luôn quan tâm và dạy dỗ học trò như người thân trong gia đình.

Sau khi dạy học ở Ly Tôn chừng một tháng. Một ngày, có rất đông cụ già từ bản Ba Ngay đến tìm thầy. Vừa gặp thầy, già làng Vỗ Thiệu vào chuyện ngay: “Bọn miềng đến đây để mua thầy về dạy cho con em trong bản”. Thầy Văn bối rối chưa biết trả lời sao thì già Vỗ Thiệu tiếp: “Bà con bản miềng sẽ trả công cho thầy mỗi tháng 2 xếp thuốc lá và 2 chục lon gạo!” “Thấu hiểu nỗi khát khao học con chữ của bà con nên tôi quyết định dù khổ đến mấy cũng ở lại với bà con”, thầy Văn nhớ lại.

Mười lăm năm sau (1992), việc học chữ Bác Hồ của dân bản Ly Tôn đã có nhiều tiến triển. Thế hệ học trò đầu tiên đã có thể đứng lớp, truyền lại cái chữ cho thế hệ sau. Thầy Văn lại một lần khăn gói lặn lội ngót 20km đường rừng đến với bà con xã Húc Nghì, Đakrông. Địa hình Húc Nghì vô cùng hiểm trở, để đến được lớp học, rất nhiều học sinh từ các bản Kợp, La Tó... phải băng qua quãng đường 12 cây số, trèo 3 con dốc, lội 4 cái suối với bao hiểm nguy rình rập. Thương các em, thầy Văn sáng tạo ra mô hình nội trú bằng cách cùng bà con dựng lán ngay cạnh trường học. Ngoài thời gian lên lớp, thầy lên rẫy thâm canh hoa màu phụ giúp bữa ăn cho các em…

Những năm 1990, miền núi Quảng Trị chưa có trường trung học cơ sở, học sinh của thầy Văn học xong tiểu học đành gác bút, quay về rẫy. Nhiều đêm trắng ngồi bên bậc cửa nhà sàn, nhìn vào khoảng không trước mặt, thầy Văn trăn trở: Phải tìm mọi cách cho các em được học hành đến nơi, đến chốn. Và, thầy đã nghĩ ra mô hình “lớp nhô”. Sau đêm đó, thầy bàn bạc với đồng nghiệp quyết định mở “lớp nhô” đầu tiên cho học sinh vừa học xong lớp 5 tiếp tục học lên lớp 6 ngay tại Trường Tiểu học Húc Nghì. Lớp 6 “nhô” đầu tiên của trường chỉ có 20 học sinh. Bây giờ đã có hàng trăm em theo học các lớp 7, 8 và 9; ăn ở nội trú tại trường. Tỷ lệ học sinh giỏi các môn văn, toán ngày càng tăng cao. Năm học 2009 - 2010, tỷ lệ học sinh giỏi toán toàn trường chiếm 20%, giỏi văn 11,2%.

Một sáng kiến nữa của thầy Văn đó là phương pháp dạy học luân chuyển theo lớp. Theo thầy, nhiều học trò vùng cao nói cũng như nghe hiểu tiếng Kinh rất chậm, bên cạnh đó, các em có tâm lý ngại thầy giáo mới. Trong khi đó, mỗi năm các em lại có một thầy cô chủ nhiệm nên việc học các em rất khó tiến bộ. Là Hiệu trưởng, thầy đã mạnh dạn áp dụng phương pháp cho các thầy cô chủ nhiệm theo lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Kết quả học tập của các em tiến bộ rõ rệt, các em lại ngoan hơn rất nhiều… Với những đóng góp to lớn đó, năm 2002, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho thầy giáo Hà Công Văn.

Gần 40 năm hy sinh tuổi thanh xuân cõng con chữ lên ngàn, thầy giáo, Anh hùng Lao động Hà Công Văn đã giúp hàng ngàn bà con Vân Kiều, Pa Cô (Quảng Trị) biết đọc, biết viết con chữ Bác Hồ. Nhiều học trò của thầy đã trở thành những thầy cô giáo ưu tú đang đứng lớp truyền đạt kiến thức cho thế hệ sau, hay đang là những cán bộ cốt cán góp sức xây dựng quê hương, bản làng… Giữa lúc đồng bào dân bản đang rất cần những con người như thầy Văn, thì thầy đã vội ra đi sau một vụ tai nạn giao thông. Đám tang thầy đông chưa từng có ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Nhớ thầy, tôi viết những dòng này cũng là nén tâm nhang xin được thắp cho hương hồn thầy, mong thầy được an nghỉ bình yên nơi vĩnh hằng!

Phan Thanh Bình
.
.
.