Nhiều ý kiến về đề xuất cho nghỉ dạy và học ngày thứ 7

Thứ Sáu, 31/08/2018, 08:08
Những ngày qua, dư luận quan tâm trước đề xuất của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc không dạy và học vào ngày thứ 7 ở các cơ sở giáo dục phổ thông. 

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, nhiều giáo viên và phụ huynh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh muốn nghỉ ngày thứ 7, nhưng cũng có nhiều phụ huynh không ủng hộ đề xuất này.

Anh Nghĩa ở huyện Hóc Môn cho biết: “Vợ chồng tôi làm công nhân nên đi làm suốt ngày, cả thứ 7, nhiều khi chủ nhật còn không được nghỉ, nếu con ở nhà thứ 7 thì không có ai trông coi”. 

Còn anh Quân ở quận Tân Phú nói: “Vợ tôi làm việc nhà nước nên thứ 7 được nghỉ ở nhà trông con nên việc học thứ 7 hay nghỉ cũng không sao”.

Phát biểu của lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị công tác chuẩn bị năm học mới 2018 – 2019.

“Chương trình nặng nên các cháu phải học nhiều, học cả tuần cũng mệt nên nghỉ thứ 7 là phù hợp. Chỉ những gia đình có con nhỏ mới lo người trông coi, chứ học sinh cấp 2 như con tôi thì cũng đỡ lo việc trông coi. Tuy nhiên, cha mẹ phải có cách kiểm soát các hoạt động của con cái trong ngày nghỉ, nói chung cũng tuỳ hoàn cảnh mỗi gia đình”, anh Tùng có con học lớp 8 ở một trường THCS trên địa bàn quận Tân Bình tâm sự.

Anh Vũ Huy ở quận 3 đề xuất: “Tuy nói môn nào cũng có tiết ngoại khóa trải nghiệm thực tế nhưng đâu phải với lịch học dày đặc là khó thực hiện được. Nên có ngày thứ 7 để cả lớp có thể cùng nhau đi trải nghiệm thực tế nhằm nâng cao hiểu biết cho học sinh, vừa giúp các em giải tỏa căng thẳng vừa tạo được tính tập thể cao cho các em, rất tốt cho tương lai và tâm lý”.

Chị Thuỷ ở quận 9 cho rằng: “Nếu không giảm chương trình học thì việc nghỉ học vào thứ 7 ở trường sẽ gây áp lực cho giáo viên và học sinh phải học bù hoặc học sinh phải học thêm. Như vậy, trên thực tế là nghỉ thứ 7 nhưng học sinh vẫn phải học đủ chương trình. Do đó, nếu nghỉ thứ 7 thì cần giảm chương trình học mới đảm bảo”. 

Cùng ý kiến với chị Thuỷ, một số giáo viên ở quận 12 cho rằng, thực hiện theo Luật Lao động là đúng, nhưng cần giảm bớt nội dung, vì nếu nghỉ thứ 7 sẽ không kịp chương trình. 

Một cô giáo dạy ở một trường THCS trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết: “Các ngành khác được nghỉ thứ 7, chủ nhật, còn giáo viên vẫn phải đi dạy, tạo tâm lý không công bằng nên việc dạy không phát huy sáng tạo, còn học sinh thì không tập trung học bài nên khó tiếp thu kiến thức. Do đó, việc dạy và học ngày thứ 7 hiệu quả không cao”.

“Việc thực hiện theo Luật Lao động là hợp lý. Tuy nhiên, nếu nghỉ dạy và học thứ 7 thì nhà trường nên tổ chức các hoạt động ngoại khoá cho học sinh. Như việc phong trào quốc gia khởi nghiệp đang được quan tâm thì nên tổ chức hướng nghiệp để học sinh nắm được xu thế mà định hướng nghề nghiệp, điều này rất cần thiết”, ông Nguyễn Đình Thái Châu, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh tâm sự.

Theo chúng tôi tìm hiểu, đa số cô giáo và những người làm việc tại cơ quan Nhà nước ủng hộ việc nghỉ ngày thứ 7, nhưng phải giảm bớt chương trình học; còn các địa bàn có nhiều công nhân như quận Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình, huyện Bình Chánh, Hóc Môn... nhiều người không ủng hộ chủ trương nghỉ dạy và học ngày thứ 7. Vì nhiều người làm công nhân hoặc làm công ty tư nhân không được nghỉ thứ bảy.

Việc nghỉ hay không nghỉ dạy và học thứ 7 cần sự nghiên cứu thật kỹ của các chuyên gia, cơ quan chức năng để đúng với Luật Lao động và không ảnh hưởng đến chất lượng chương trình dạy, học.

Nhân Sơn
.
.
.