Nhiều học sinh chưa chọn được trường

Chủ Nhật, 11/03/2018, 19:12
Hàng nghìn câu hỏi của các bạn học sinh và phụ huynh đã được ban tư vấn giải đáp tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2018 được tổ chức vào ngày 11-3 tại Trường ĐH Bách Khoa (Hà Nội).

Đã 16 năm nay, cứ vào dịp tháng 3, Báo Tuổi Trẻ lại phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Ngày hội Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp để giúp học sinh tiếp cận thông tin, hiểu rõ các quy định về kỳ thi THPT, những kiến thức cần thiết để chuẩn bị lựa chọn ngành nghề đăng ký vào ĐH, CĐ hoặc lựa chọn học nghề, công việc tương lai phù hợp với năng lực của bản thân và điều kiện gia đình.

Các trường Công an, quân đội vẫn là ngành “hot”

8h sáng, trong khuôn viên Trường ĐH Bách Khoa đã đông chật người. Ngoài 150 gian hàng tư vấn của gần 100 trường ĐH, CĐ, trường nghề, trung tâm ngoại ngữ, đơn vị tư vấn du học, Ban tổ chức còn sắp xếp 3 khu vực tư vấn chuyên sâu.

Các học sinh đang nghe tư vấn về chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp.

Có 20 chuyên gia là đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học và Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an), đại diện nhiều trường ĐH lớn ở Hà Nội để cung cấp thông tin mới nhất liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ, trường nghề 2018 cho thí sinh và giải đáp mọi thắc mắc của các em học sinh và phụ huynh.

Nhóm tư vấn ngành Công an và Quân đội vẫn là ngành học “hot” khi nhận được nhiều sự quan tâm và câu hỏi của phụ huynh và học sinh. Em Nguyễn Thị Minh Tâm (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, em dự định đăng ký thi vào Học viện ANND nhưng rất băn khoăn vì chưa biết chỉ tiêu tuyển sinh nữ của trường năm nay như thế nào. Nhiều thí sinh đặt câu hỏi về chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường Công an, về thông tin sơ tuyển, chỉ tiêu đào tạo hệ dân sự…

Giải đáp những thắc mắc trên, Thiếu tá Bùi Thành Đạt, Trưởng Phòng Kế hoạch và Hợp tác đào tạo, Cục Đào tạo (Bộ Công an) cho biết: “Chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể của từng ngành, từng trường trong CAND đang chờ lãnh đạo Bộ phê duyệt, khi nào có chúng tôi sẽ công khai trên phương tiện thông tin đại chúng một cách sớm nhất để các em nắm được”.

Theo Thiếu tá Bùi Thành Đạt thì Học viện ANND và Học viện CSND không tổ chức đào tạo hệ dân sự, mà chỉ Trường ĐH PCCC có đào tạo. Chỉ tiêu tuyển sinh nữ vào các trường CAND không quá 10% chỉ tiêu tuyển sinh trên mỗi ngành học. Bắt đầu từ 10-3, Công an các quận, huyện, thành phố sẽ tổ chức tiếp nhận thông tin đăng ký và tiến hành hành sơ tuyển. Năm 2018 các thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH CAND, không được đăng ký xét tuyển vào các trường Trung cấp CAND.

Phụ huynh đang tìm hiểu thông tin về kỳ thi tuyển sinh vào Trường ĐH FPT.

“Hot” như các trường CAND, nhiều học sinh có sức học trung bình quan tâm đặt câu hỏi thi vào các trường quân đội phía Nam để điểm xét tuyển thấp hơn phía Bắc.

Đại tá Vũ Xuân Tuấn, Trưởng Ban thư ký Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết: “Nếu thí sinh ở phía Bắc muốn thi vào các trường quân đội ở phía Nam thì phải đăng ký hộ khẩu thường trú từ tỉnh Quảng Trị trở vào 3 năm, có một năm (lớp 12) học ở các trường của các tỉnh phía Nam”. Chỉ tiêu tuyển sinh nữ vào các trường quân đội cũng rất thấp, chỉ có 3 là Học viện Quân y (26 chỉ tiêu), Học viện Kỹ thuật quân sự (30 chỉ tiêu) và Học viện Khoa học quân sự (11 chỉ tiêu).

Nhiều cơ hội cho thí sinh

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều học sinh vẫn còn đang băn khoăn, cân nhắc chưa chọn lựa được trường học. Nguyễn Thị Thu Trang (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Em dự định thi tổ hợp Toán – Văn – Anh nhưng hiện tại vẫn chưa lựa chọn thi vào trường nào”.

Nhiều thí sinh có sức học trung bình đã được nhóm tư vấn “Gỡ rối hướng nghiệp – Chọn lối vào đời” hướng dẫn các em khám phá khả năng bản thân, nhận diện tính cách, sở thích, giải tỏa áp lực thi cử, chọn nghề phù hợp, đúng năng lực và sở trường của mình. Học sinh lo lắng đến tỷ lệ thất nghiệp khi ra trường, đặc biệt là ngành kế toán hiện có tỷ lệ thất nghiệp cao. Có thí sinh định thi vào Khoa Đông Phương, Khoa Tôn giáo nhưng không hiểu về ngành học này và lo lắng sau này học xong sẽ thất nghiệp…

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV cho biết, ở Khoa Đông Phương có sinh viên mới năm thứ 3 đã có việc làm. Thậm chí có sinh viên đến ngày tốt nghiệp đã không kịp đến nhận bằng vì còn bận đi làm. Có sinh viên chỉ thực tập 1,5 tháng đã nhận 8 triệu đồng.

Hàng trăm học sinh đang nghe các chuyên gia tư vấn về tuyển sinh ĐH, CĐ 2018.

Thầy Tuấn cũng cho biết, những ngành thuộc khối Nhân văn liên quan đến các nước Châu Á như tiếng Hàn, Nhật khi ra trường rất “đắt hàng”. Ngành Tôn giáo cũng vậy, khi ra trường các em có thể về Ban Tôn giáo của các tỉnh, phòng tôn giáo của các huyện…

Theo TS Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban đào tạo, Học viện Tài Chính thì vấn đề dư thừa lao động chỉ rơi vào 3 năm suy thoái kinh tế, nhưng sau 4 năm nữa, cơ hội lại mở ra. Kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 và 2 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng rất khởi sắc. Vì thế ngay bây giờ các em học ngành kinh tế thì sau 4 năm nữa, cơ hội việc làm có thể sẽ tốt.

Thầy Tùng cũng khuyên các em học sinh khi tiếp cận các kênh thông tin nên có sự sàng lọc và chọn lựa nguồn tin đáng tin cậy để không dẫn tới hoang mang mà có định hướng sai.

Theo GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương Mại thì chất lượng thí sinh khi tốt nghiệp có đáp ứng được với điều kiện của nhà tuyển dụng hay không mới là quan trọng, chứ không cần thí sinh đó là tốt nghiệp từ trường nào. Thầy Sơn đưa ví dụ, 96% sinh viên Trường ĐH Thương Mại ra trường đã có việc làm. Còn PGS.TS Hoàng Anh Tuấn thì cho rằng, cơ hội cho các bạn học sinh có rất nhiều và các bạn phải hết sức cố gắng.

Năm nay Bộ GD&ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng đăng ký tuyển sinh. Các thí sinh đăng ký nhiều ngành cùng một trường, xếp ngành học mình thích nhất vào nguyện vọng 1 rồi mới đến các ngành tiếp theo.

Ở các trường như Trường ĐH KHXH&NV có kết quả học tập tốt có cơ hội được đăng ký học song ngành. Học song ngành không chỉ tiết kiệm thời gian do một số tín chỉ chung cho nhiều ngành mà chỉ cần học một lần lại có cơ hội nhận bằng tốt nghiệp của nhiều ngành khác nhau.

Trần Hằng
.
.
.