Nhân rộng chương trình đào tạo tiên tiến theo hướng bám sát thị trường lao động

Thứ Bảy, 31/12/2016, 09:35
Ngày 30-12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm đào tạo theo chương trình tiên tiến (CTTT), giai đoạn 2006-2016 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Theo báo cáo kết quả tổng kết 10 năm đào tạo CTTT, đến thời điểm hiện tại, các CTTT đã có 3.601 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 255 sinh viên xuất sắc, 1.307 sinh viên giỏi và 1.707 sinh viên khá. 

Do đảm bảo các điều kiện và môi trường đào tạo tương đối khắt khe như học với giảng viên nước ngoài có trình độ chuyên môn cao và phương pháp giảng dạy tiên tiến; chương trình đào tạo dựa trên cơ sở chương trình gốc với những yêu cầu cao về cả kiến thức lẫn kỹ năng; cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài liệu tốt nên sinh viên không chỉ được tiếp thu các kiến thức tiên tiến, kỹ năng thực hành chuyên môn mà còn được rèn luyện nhiều kỹ năng mềm khác. 

Tư vấn cho sinh viên tham gia theo học các chương trình tiên tiến tại Ngày hội việc làm 2016.

Kết quả là hầu hết sinh viên đều tìm được việc làm hoặc học tốt lên trình độ cao hơn sau 6 tháng tốt nghiệp. Báo cáo từ các trường đại học (ĐH) đào tạo CTTT cho thấy, trong số 2.561 sinh viên tốt nghiệp năm 2015 đã tìm được việc làm, có 539 sinh viên xin được học bổng đi học tiếp tại nước ngoài, 274 sinh viên học cao học trong nước, 123 em làm giảng viên các trường ĐH, CĐ, 104 em làm việc trong các viện nghiên cứu, 269 trường hợp làm trong các cơ quan công lập khác, 660 làm việc trong các cơ quan liên doanh với nước ngoài, trong đó có những em có thu nhập vài nghìn USD/tháng...  

Đặc biệt, CTTT cử nhân Điều dưỡng của ĐH Y Hà Nội đã ký thỏa thuận với các đối tác của CHLB Đức và chuẩn bị cho 39 sinh viên tốt nghiệp CTTT học tiếng Đức để làm việc tại các Bệnh viện của CHLB Đức.

Điều này cho thấy, sản phẩm của CTTT đã cho kết quả tốt, được xã hội ghi nhận, từng bước tham gia vào việc trao đổi nguồn nhân lực quốc tế được trông đợi sẽ ngày càng mở rộng mà gần đây nhất là cộng đồng kinh tế ASEAN...

Tuy vậy, tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục ĐH trên cả nước cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của CTTT như: Kinh phí của nhà nước hỗ trợ CTTT không có khoản chi cho nghiên cứu khoa học, trong khi kinh phí của trường dành cho lĩnh vực này còn hạn chế; CTTT còn mới mẻ nên các đặt hàng về khoa học công nghệ hầu như chưa có; mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học với đối tác trong nước và quốc tế, vốn được xem là linh hồn của CTTT chưa sâu, rộng và bền vững... 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Tới đây đất nước ta sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Do vậy, vai trò của các trường ĐH là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, so với các cấp, bậc học khác thì giáo dục đại học lại đang là "vùng trũng” nhất của giáo dục Việt Nam. 

“Hiện nay, cả nước có khoảng 271 trường ĐH, Học viện và các cơ sở đào tạo, trong đó có khoảng 200 trường công lập còn lại là các trường tư thục, dân lập và các cơ sở đào tạo nước ngoài. Tuy nhiên, trường tư thục, dân lập cũng chỉ có vài trường có ngành đào tạo tốt, còn đa phần đang khó khăn về tuyển sinh. Các trường địa phương thì phần lớn được nâng cấp từ CĐ lên nên khó trông cậy về chất lượng. Điều này cho thấy, thực ra số lượng trường ĐH của Việt Nam không nhiều, số sinh viên/đầu dân không đông nhưng cái yếu là nhiều trường chất lượng đào tạo kém, hữu sinh vô dưỡng” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho việc tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tới đây, Bộ GD&ĐT đang tiến hành xây dựng đề án tiếp nối đề án thí điểm chương trình đào tạo CTTT 10 năm qua. Tuy nhiên, mục tiêu tới đây là việc đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động được dự báo. 

“Đầu tiên cần phải quy hoạch các ngành theo hướng bám sát thị trường lao động, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đi theo chiều sâu. Những nhóm ngành như kế toán, KHXH&NV rất cần nhưng mức độ vừa phải. Những nhóm ngành về công nghệ, kỹ thuật, khoa học sức khỏe, nông nghiệp, công nghiệp rất cần được ưu tiên. Đối với các ngành KH cơ bản thì cần tiếp tục đầu tư nhưng phải thay đổi phương thức” - ông Nhạ cho hay. 

Người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo cũng cho rằng, cách tốt nhất là sẽ lựa chọn từ 35 ngành của chương trình đào tạo tiên tiến vừa qua để đầu tư. Nhiều ngành khác không nằm trong 35 ngành này mà vẫn đáp ứng được vẫn đưa vào. Đối tượng tham gia bao gồm cả các trường ĐH công lập và tư thục. Phương thức đầu tư của pha 2 sẽ theo hướng là hợp đồng giao nhiệm vụ. Ai có sức mạnh thì cạnh tranh công bằng để làm sao Nhà nước bỏ ra lượng tiền nhỏ nhất nhưng thu kết quả tốt nhất.

Huyền Thanh
.
.
.