Thầy giáo sản xuất thiết bị vật lý chất lượng quốc tế giá... siêu rẻ

Thứ Tư, 11/11/2015, 10:08
Trong tình cảnh rất nhiều trường phổ thông trên toàn quốc rơi vào dạy chay, học chay, thiết bị dạy học hỏng hóc, quăng quật hoặc đắp chiếu, có một người thầy giáo đêm ngày miệt mài nhẫn nại, nghiên cứu tìm tòi sáng tạo ra những bộ thí nghiệm dạy học vừa đạt chuẩn về chất lượng, vừa rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế nước nhà.

Cứ gom được kha khá thiết bị thí nghiệm là thầy lại lên đường, mang đi tặng các trường phổ thông ở khắp mọi miền đất nước, có khi sang cả nước bạn Lào, với một khao khát làm sống lại các phòng thí nghiệm, giúp các em học sinh được “học gắn với thực hành”. Người thầy giáo đó là Kỹ sư Trương Anh Tuấn, cán bộ Công ty thiết bị Giáo dục I (Bộ GD & ĐT).

Chúng tôi quen thầy Trương Anh Tuấn từ khá lâu rồi. Thầy có vóc dáng bé nhỏ, sức khỏe không được tốt nhưng ở thầy luôn tràn đầy ý tưởng và một sức sáng tạo “giàu có”. Tấm lòng nhân ái và tâm hồn nhạy cảm khiến thầy luôn trăn trở.

Có lần đi khảo sát một trường học khá danh tiếng ở Hà Nội, thầy đã lặng đi khi phòng thí nghiệm vật lý đã “biến dạng”, tất cả dụng cụ nằm chất đống, hoen gỉ, như một phòng thí nghiệm “đã chết”. Cô giáo dạy môn Vật lý đã thành thật nói với thầy là vì thiết bị hỏng nên các cô rất ngại làm thí nghiệm và đành chấp nhận cảnh học chay, dạy chay. Ở Hà Nội còn như vậy, những tỉnh ở vùng xa, vùng sâu thì việc có thiết bị dạy học hỗ trợ bài giảng là điều xa xỉ, trong khi đầu tư mua sắm thiết bị giáo dục đã ngốn một số tiền ngân sách khổng lồ và các nhà làm chính sách giáo dục thì vẫn lạc quan, kỳ vọng lý luận sẽ có thực tiễn soi đường.

“Chỉ cần các bác lãnh đạo xuống một trường học bất kỳ, tham quan phòng thí nghiệm là có thể hiểu mục tiêu đổi mới giáo dục của chúng ta còn nhiều khoảng trống. Cá nhân tôi suy nghĩ, phải có đến 70 - 80% trường học trên toàn quốc rơi vào cảnh học chay, dạy chay” – Thầy Trương Anh Tuấn chia sẻ.

Thương các em học sinh phải học chay, mới đây nhất, bằng kinh nghiệm của một người suốt đời làm thiết bị dạy học, thầy Tuấn đã dồn cả tâm huyết và trí tuệ của mình, dồn cả số vốn liếng ít ỏi được gom từ bạn bè và vay ngân hàng, thầy đã nghiên cứu thành công được hai bộ thí nghiệm quan trọng trong vật lý. Đó là bộ thí nghiệm cho bài đệm khí và bài quang, đang được các chuyên gia đầu ngành về vật lý của Việt Nam đánh giá xuất sắc.

Thầy giáo Trương Anh Tuấn đang thực hiện thí nghiệm bài đệm khí và bài quang tại phòng làm việc.

Trong phòng xưởng chật chội tại nhà riêng, thầy biểu diễn bài đệm khí cho chúng tôi xem mà đôi mắt thầy lấp lánh. Thầy cho hay, ở Việt Nam, bài này thì 99% thiết bị là nhập khẩu. Một số chuyên gia kỹ thuật cũng đam mê thực hiện nhưng chưa có bộ nào “made in Việt Nam” 100% cả, thêm nữa giá thành nhập khẩu, nếu từ CHLB Đức, dao động khoảng 70 – 80 triệu đồng, trong khi bài đệm khí của thầy Tuấn chỉ có giá khoảng 7 triệu đồng.

Đây là bài thí nghiệm khó thực hiện vì đòi hỏi độ chính xác cao. Bài đệm khí có thể kiểm chứng tất cả các bài vật lý về cơ học, từ THPT lên đại học và nó kiểm chứng các định luật Newton rất rõ ràng. Chính vì thế, các giáo viên phổ thông khi nhắc đến bài đệm khí họ rất thích thú. Những năm cải cách trước đây, danh mục quy định của Bộ GD & ĐT đã bỏ bài đệm khí do quá đắt tiền, trong khi ngân sách của chúng ta lại hạn hẹp. Nhưng khi cải cách xong, do mức độ quan trọng của đệm khí, Bộ lại đưa đệm khí vào chương trình chính thức, coi như bài nâng cao. Với các trường chuyên, Bộ đưa vào danh mục bài thực hành giúp đào tạo học sinh giỏi.

“Tôi nghiên cứu bộ thiết bị này ròng rã hơn một năm. Do không có nhà xưởng, tôi đã dành cả một gian nhà chỉ để nghiên cứu thiết bị, trong khi để gia công tạo mặt phẳng 1,5m thì phải có các nhà máy lớn, có công nghệ phay cơ khí lớn. Kèm theo bài đệm khí phải có đồng hồ đo thời gian đệm số. Với đồng hồ đo thời gian đệm số thế hệ cũ, theo danh mục của Bộ GD & ĐT thì thực hiện đệm khí không thuận lợi. Tôi đã nghiên cứu và đưa ra mẫu đồng hồ đo thời gian đệm số hoàn toàn tương thích với đồng hồ của các nước. Nếu nhập khẩu của Đức, thì chỉ riêng đồng hồ giá khoảng 700USD, nhưng đồng hồ của tôi giá thành chỉ 50USD, bền, tiện ích, có thể thực hiện trong nhiều năm” – thầy Tuấn cho hay. Hiện thầy đã tặng bài đệm khí cho 3 trường: THPT Mộc Lị, Mộc Châu (Sơn La); THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) và mới đây nhất là Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội).

 Về bài thí nghiệm về quang, khi bắt tay nghiên cứu, thiết kế, thầy Trương Anh Tuấn đề ra tiêu chí: Sẽ sử dụng từ THCS đến đại học, để giảm thiểu chi phí. Với quang học thì di chuyển phải đảm bảo đồng quang trục, nguồn chiếu sáng với đèn phải dễ điều chỉnh trên quang trục. Nhưng hiện nay, các trường phổ thông đang sử dụng một mẫu đèn không đạt yêu cầu vì chỉ điều chỉnh được phương dọc mà không điều chỉnh được phương ngang. Kích thước không gian quá nhỏ, công suất lại lớn nên không an toàn cho giáo viên và học sinh, dễ làm bỏng tay, hình ảnh không rõ nét, không xác định tiêu cự của thấu kính gây sai số nhiều…Từ trăn trở đó, thầy Tuấn đã sáng tạo ra mẫu đèn mới giúp điều chỉnh nguồn sáng vào quang trục thuận lợi nhất, lại cho hình ảnh rất sắc nét. Thầy dùng đèn led 3W cho hiệu suất và cường độ rất tốt, trong khi đèn đang được sử dụng các trường học là 21W, nhưng chất lượng không cao. Bài quang được thực hiện trên bộ thí nghiệm của thầy Tuấn sẽ tích hợp đầy đủ các định luật về quang và có thể thực hiện tất cả các bài quang với giá thành “siêu rẻ”, chỉ bằng 1/10 giá thành nhập khẩu.

Một giáo sư vật lý tâm sự với chúng tôi, trong lĩnh vực nghiên cứu thiết bị dạy học, để làm được một bài thí nghiệm xuất sắc đã là một lao động khổng lồ, trong khi thầy Trương Anh Tuấn chỉ trong một thời gian ngắn đã cho ra đời hai bộ thiết bị vật lý vô cùng quan trọng. Trước đây dự án phát triển THPT khi tập huấn giáo viên, họ hay mượn thiết bị của thầy Tuấn để tập huấn vì tiện lợi, đỡ mất thời gian và cho độ chính xác cao. Hai bộ thiết bị này xứng đáng để đưa vào trường phổ thông, sẽ tiết kiệm cho nhà nước hàng tỷ đồng, và quan trọng là học sinh sẽ được “học và hành” một cách thực chất. Đáng trân trọng hơn, mặc dù rất khó khăn, thầy Tuấn còn tặng cho các trường trên toàn quốc hơn 1 tỷ đồng thiết bị, trong đó có hai trường ở Luông Pha Băng Lào và một lô thiết bị 20 triệu đồng cho đoàn chuyên viên của Bộ GD Lào sang làm việc với Bộ GD & ĐT Việt Nam.

Chia sẻ với PV Báo CAND, thầy Trương Anh Tuấn kể: “Tôi đi thăm Trường THPT Quảng Xương 2 (Thanh Hóa), tình trạng thiết bị hỏng thảm hại, cấu tử, biến áp, nguồn hỏng rất nhiều. Khí hậu ẩm ướt, thiết bị bảo quản không có, tất cả thấu kính nấm mốc quá nặng, không sử dụng được. Sau đó, tôi đến thăm Trường THPT ở Sơn La thì tình trạng không khá hơn, đúng là thí nghiệm chay. Tôi đã tặng cho nhà trường 30 triệu tiền thiết bị. Nguồn ngân sách bổ sung hàng năm rất hạn hẹp, nguồn tiền mua sắm thiết bị ít, liên quan nhiều khâu, rất bất cập khi chính những người hàng ngày sử dụng thiết bị lại không được lựa chọn mua thiết bị. Trên thực tế, nhà nước đặc biệt chú trọng chương trình, SGK đổi mới toàn diện. Nhưng nếu tình trạng thiết bị như hiện nay, kết hợp với việc không có giám sát kiểm tra thì rất khó đảm bảo đổi mới giáo dục cho tốt”.
Thu Phương
.
.
.