Năm học mới ở vùng lũ đi qua

Thứ Năm, 05/09/2019, 11:27
Trước ngày khai trường, bầu trời Tây Nguyên lại vần vũ, những cơn mưa kèm theo gió giật mạnh liên hồi lại ùa về vùng rừng núi Đưng Knớ, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), nơi cách đây chưa lâu là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão số 3...

Mưa lớn suốt từ đêm hôm trước đã trở thành “vật cản” đối với nhiều học sinh tại các buôn, làng vốn nằm sát rừng, xa điểm Trường Tiểu học Lán Tranh, nhất là các em năm nay mới bước vào lớp 1. Sớm ngày 4-9, chị Ka Chin đánh thức con trai, em K Lâm (6 tuổi), dậy sớm hơn mọi ngày để tới trường tập duyệt lần cuối cho ngày khai giảng năm học mới 2019-2020. Do được làm quen với trường lớp từ cách đây vài tuần, K Lâm ngoan ngoãn chuẩn bị sách vở tới trường mà không cần sự trợ giúp của ba mẹ. 

Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã Đưng KNớ, huyện Lạc Dương, học sinh thường không có “khái niệm” ăn sáng. Các em thức dậy và đến trường học với cái bụng trống rỗng riết lại trở thành thói quen. Trong cơn bão số 3, gia đình chị Ka Chin cùng nhiều hộ khác tại Lán Tranh bị ảnh hưởng nặng do mưa bão, lũ lụt, gây thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu. 

Được sự giúp đỡ kịp thời của chính quyền địa phương và Công an huyện Lạc Dương, đến nay cuộc sống của các gia đình bị ảnh hưởng đã trở lại bình thường, không ảnh hưởng đến việc học tập của các con.

Gia đình anh KThanh là một trong những hộ bị gió giật gây tốc mái nhà trong cơn bão số 3 cũng đã chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, sách vở cho hai đứa lớn sẵn sàng đến trường. Anh KThanh cho biết: “Hồi nhà mình bị bay mái, Công an, dân quân, thanh niên tới giúp dựng lại căn nhà mới. Xã lại hỗ trợ gạo nên không bị đói ăn. Hai đứa con của mình không phải nghỉ để theo vợ chồng mình lên rẫy. Mình động viên cháu ở nhà chịu khó đến trường mà kiếm con chữ cho đỡ khổ. Nghe thằng Út nói, mai đi khai giảng còn nhận được xe đạp của huyện hỗ trợ nữa đó!..”.

Ông Thân Văn Hữu, Chủ tịch UBND Đưng KNớ, huyện Lạc Dương cho biết, những gia đình trong xã bị sập nhà, tốc mái do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua đều đã được chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể dựng lại nhà cửa, hỗ trợ lương thực ổn định đời sống, không ảnh hưởng tới việc học hành của các cháu trong năm học mới. 

Các trường học trong xã đều ở vị trí cao nên mưa lũ không làm ảnh hưởng tới cơ sở vật chất. Tuy nhiên, ông Hữu cho biết, khó khăn nhất hiện nay đối với địa phương chính là áp thấp nhiệt đới ngoài biển Đồng đã khiến mấy ngày qua tại địa phương lại có mưa to, gió lớn, ảnh hưởng xấu tới Lễ khai giảng năm học mới diễn ra vào ngày 5-9.

Học sinh vùng bị ảnh hưởng bão lũ của tỉnh Lâm Đồng đã sẵn sàng cho năm học mới.

Một khó khăn nữa là năm nay, Trường THCS Đưng Knớ mới xây dựng, được đưa vào sử dụng lại nằm rất xa khu dân cư, cách mỗi đầu khu dân cư khoảng 5km nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại, học tập của các em.

Từ nhiều ngày qua, lãnh đạo UBND xã Đưng Knớ và giáo viên đã tới từng thôn, buôn, động viên các gia đình khắc phục khó khăn, đưa con em tới trường dự Lễ khai giảng, học tập theo đúng thời gian, tiến độ của ngành Giáo dục. “Mưa gió diễn biến phức tạp thế này, các trường ở Đưng Knớ buộc phải chuyển vào làm Lễ khai giảng trong các lớp học để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên!..”, ông Thân Văn Hữu cho biết.

Trước tình hình mưa gió diễn biến hết sức phức tạp, có nguy cơ gây ngập lụt, sạt lở đất... do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, Sở GD&ĐT Lâm Đồng cho biết, đã yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản, phòng chống ảnh hưởng của mưa, lũ. Đối với các trường học gần khu vực sông, suối nguy hiểm, ngập cục bộ, sạt lở đất, hiệu trưởng các trường nắm bắt sát tình hình có thể cho học sinh nghỉ học, lên kế hoạch học bù cho phù hợp và báo cáo tình hình về Sở GD&ĐT.

Khắc Lịch
.
.
.