Năm 2017, không nên tiếp tục duy trì cả hai loại cụm thi

Thứ Bảy, 09/07/2016, 18:05
Năm 2017, Bộ GD&ĐT chỉ nên công bố các môn thi tốt nghiệp sát ngày thi tốt nghiệp để hạn chế việc học sinh học lệch ngay từ năm lớp 10... Bộ GD&ĐT nên mạnh dạn thay đổi mục tiêu “ba chung” như hiện nay là chung đợt thi, chung đề thi, chung đợt xét tuyển thành “hai chung”.


Ngay sau khi Kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa kết thúc, dư luận xã hội bước đầu đã có những đánh giá tích cực về kỳ thi theo hướng mục tiêu cơ bản cho kỳ thi, với những cải tiến, thay đổi so với  năm ngoái đã được quán triệt, triển khai tương đối tốt.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng cho rằng, năm 2017, nếu vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì cần phải có những điều chỉnh, cải tiến một số mặt còn bất cập đề kỳ thi đạt hiệu quả cao hơn.

Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2016.

Hiến kế cho việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng: Nếu năm 2017, Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục công bố thi 4 môn để xét tốt nghiệp ngay từ đầu năm như cách làm hiện nay thì sẽ khiến cho việc học lệch của học sinh phổ thông ngày càng trở nên trầm trọng.

Do vậy, PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuất: Năm 2017, nếu vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì Bộ GD&ĐT nên yêu cầu học sinh học cả 6 môn như trước đây, chỉ khi nào sát đến ngày thi mới công bố các môn thi tốt nghiệp. Điều này sẽ góp phần hạn chế việc học sinh học lệch ngay từ năm lớp 10 vì đã xác định rõ các môn thi tốt nghiệp nên chỉ tập trung học các môn này và bỏ bê các môn học khác.

Bên cạnh đó, đề thi hiện nay cơ bản vẫn theo dạng tự luận, đề thi không mang tính tiêu chuẩn và do đó kết quả thi chỉ dùng được cho năm đó, điều này phải thay đổi theo hướng dùng các đề thi tiêu chuẩn. Phải nhanh chóng xây dựng các ngân hàng đề thi tiêu chuẩn như Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm.

Trong đề thi nên mạnh dạn dùng các dạng trắc nghiệm khách quan, đề dạng này không đòi hỏi học sinh học thuộc lòng mà phải có kiến thức toàn diện nên mới hạn chế tiêu cực trong thi cử. Liên quan đến những việc cần điều chỉnh trong xét   tuyển đại học, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Bộ GD&ĐT nên mạnh dạn thay đổi mục tiêu “ba chung” như hiện nay là chung đợt thi, chung đề thi, chung đợt xét tuyển thành “hai chung”.

Tức là chỉ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia chung đề thi và chung đợt thi, còn công tác xét tuyển ĐH, CĐ, đặc biệt là thời gian xét tuyển thì nên giao cho các trường ĐH, để các trường tự chủ dựa trên kết quả của kỳ thi “hai chung”. Trường nào thấy có thể căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia, họ có thể lựa chọn lấy kết quả đó hoặc tổ chức thi. Việc ấy do trường quyết định. Nơi nào họ cần tiến hành thi, họ sẽ kiểm tra dựa trên đặc thù ngành nghề của họ.

Không nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT:

Dư luận xã hội cũng đang có ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia hoặc giao cho các địa phương tổ chức kỳ thi này. Theo tôi, ý tưởng bỏ kỳ thi này là cực đoan và đi ngược lại với xu thế. Sau 12 năm học phổ thông, kết quả học tập của thí sinh cần phải có những đánh giá nghiêm túc. Đất nước mình là một quốc gia thống nhất nên cũng cần phải tổ chức một kỳ thi chung trên toàn quốc dưới sự cầm trịch của Bộ GD&ĐT để có công cụ đánh giá chính xác. Ý tưởng phó mặc kỳ thi này cho các địa phương tự ra đề, tự công nhận tốt nghiệp cũng không ổn bởi nếu để địa phương tự công nhận sẽ đẻ thêm bệnh chạy theo thành tích và không thể kiếm soát được.


Huyền Thanh
.
.
.