Muốn học luật, phải kiểm tra kiến thức và tư duy logic

Thứ Tư, 31/12/2014, 06:32
Vượt qua bước 1, các thí sinh muốn vào học tại trường ĐH Luật TP HCM phải kiểm tra khả năng liên quan đến các lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp và tư duy logic.

Ngày 30/12, hội đồng tuyển sinh trường ĐH Luật TP HCM công bố đề án tuyển sinh năm học 2015.

Đề án được xác định theo quy trình gồm 2 bước:

Bước 1: Xét tuyển, căn cứ vào 2 tiêu chí: Tiêu chí 1: căn cứ vào điểm trung bình chung tích luỹ của thí sinh trong 3 năm học THPT (chiếm tỷ trọng 20%); tiêu chí 2: căn cứ vào điểm thi của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia theo cụm do Bộ GD-ĐT qui định (chiếm tỷ trọng 60%).

Căn cứ số lượng thí sinh đăng ký, Hội đồng tuyển sinh của Trường sẽ xét điểm từ cao xuống thấp để xác định kết quả đạt bước 1 (chỉ xét những thí sinh đã dự thi Kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định) và thông báo cho những thí sinh này biết để tham gia làm kiểm tra năng lực ở bước 2.

Bước 2: Tổ chức kiểm tra đối với những thí sinh đã đạt yêu cầu xét tuyển tại bước 1. Theo đó, tổ chức kiểm tra khả năng của những thí sinh xét tuyển đủ điều kiện liên quan đến các lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp và tư duy logic.  

Đề bài kiểm tra gồm 2 phần: phần trắc nghiệm và phần tự luận (thời gian 105 phút). Trong đó, mỗi phần chiếm 50% số điểm của bài kiểm tra. Nội dung các câu hỏi liên quan đến các vấn đề: Kỹ năng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…); quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân; tư duy logic, khả năng lập luận của thí sinh.

Theo Phó Hiệu trưởng nhà trường, ông Trần Hoàng Hải cho biết, mục tiêu nhà trường xác định và thực hiện bài kiểm tra nhằm giúp tuyển được các thí sinh có tố chất, có tư duy logic, có hiểu biết các kiến thức công dân, có quan niệm đúng về công bằng xã hội (đối với thí sinh ngành Luật); có tư duy kinh tế (đối với thí sinh ngành Quản trị kinh doanh), nhằm đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ của người làm công tác pháp luật, kinh tế trong tương lai. Mặt khác, giúp Nhà trường có thêm 1 kênh thông tin để hạn chế tối đa các trường hợp may rủi, học tài thi phận của thí sinh (nếu chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào 1 kỳ thi).

Ông Hải cũng lưu ý, nhà trường không tổ chức phỏng vấn trực tiếp thí sinh. Do đó, điểm trúng tuyển vào trường của thí sinh được xác định trên cơ sở kết quả xét tuyển và điểm của bài kiểm tra thí sinh đạt được. Thí sinh cũng không cần phải học thêm bất cứ môn học nào, nên sẽ không tạo áp lực gì cho thí sinh.

H.Nga
.
.
.