Trường Đại học Công nghệ miền Đông:

Mở xưởng thực hành, gắn đào tạo với thị trường

Thứ Hai, 22/10/2018, 15:56
Gắn đào tạo với thị trường và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để sinh viên có môi trường thực hành, có đầu ra tốt. Đó là Trường Đại học Công nghệ miền Đông.


Cung lớn hơn cầu, đào tạo chưa gắn với yêu cầu của thị trường lao động, đó là bức tranh đào tạo nguồn nhân lực trong hệ thống các trường ĐH, CĐ và trường nghề của nước ta. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, vẫn có nhiều trường ĐH dù mới được thành lập nhưng đã tìm được hướng đi riêng, đúng hướng: Gắn đào tạo với thị trường và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để sinh viên có môi trường thực hành, có đầu ra tốt. Đó là Trường Đại học Công nghệ miền Đông.

Đầu tư mạnh vào các ngành công nghệ

Ra đời vào tháng 11-2013, Trường Đại học Công nghệ miền Đông tọa lạc trên tổng diện tích 10 ha, tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai – một vị trí đắc địa để thu hút sinh viên theo học. 

Năm năm qua, Trường Đại học Công nghệ miền Đông đã có một cuộc chạy đua mạnh mẽ để khẳng định tên tuổi trong hệ thống các trường đại học: Quy mô đào tạo hơn 4.000 sinh viên và bên cạnh hệ ĐH với 10 ngành đào tạo, trong tháng 9-2018, trường tuyển sinh thêm 200 học viên cao học hệ chính quy khóa mới với nhiều ngành đào tạo như: Chính sách công, Luật Kinh tế, Luật Tố tụng hình sự, Quản lý kinh tế, Quản lý giáo dục, Ngôn ngữ Anh, Luật Hiến pháp và Luật Hành chính… 

Sinh viên Đại học Công nghệ miền Đông được tăng cường thực hành tại trường, chú trọng chất lượng học tập 

GS.TS Trương Giang Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ miền Đông (GS nguyên là Thiếu tướng, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân) cho biết: “Chúng tôi xác định nhân lực về các ngành công nghệ chính là chìa khóa góp phần giải bài toán về nhân lực chất lượng cao cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Do đó, ngay từ đầu, trường đã gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và luôn tìm cách kích cầu đào tạo, đón đầu các nhu cầu đào tạo ngành nghề của các tỉnh trong khu vực kinh tế năng động Đông Nam Bộ, nhất là các ngành công nghệ cung ứng lao động cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở các khu công nghiệp - khu chế xuất - khu công nghệ cao, góp phần giải bài toán về nhân lực cho tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận”. 

Từ quan điểm đó, trường đã từng bước đi sâu nghiên cứu, mở các khóa đào tạo lại cho người lao động trong các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, nhằm nâng cao tay nghề theo yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, đào tạo các ngành công nghệ,  đào tạo lao động trong nước để đi làm việc tại Hàn Quốc; đàm phán với phía Hàn Quốc để mở trung tâm đào tạo ứng dụng công nghệ ngay tại trường. 

Trường cũng lập Phòng Quan hệ doanh nghiệp để lo đầu ra cho sinh viên; liên kết đào tạo với các doanh nghiệp như Công ty Ô tô Trường Hải để sinh viên thực hành tại doanh nghiệp và sau đó khi ra trường làm việc luôn cho Trường Hải. 

Trong tương lai gần, nhà trường sẽ xây dựng một trung tâm văn hóa Việt - Hàn ngay tại trường nhằm giúp sinh viên của trường được trang bị kỹ năng cần thiết về công nghệ và một vốn kiến thức văn hóa căn bản, tạo thêm sự tự tin và cơ hội thành công cho sinh viên khi tham gia vào thị trường lao động tại Hàn Quốc, hay làm việc trong các doanh nghiệp Hàn Quốc ở trong nước.

Sinh viên hứng thú nghiên cứu tại các xưởng thực hành

GS.TS Trương Giang Long cho hay, khi gắn đào tạo với thị trường lao động thì sinh viên được đào tạo nhiều về kỹ năng, đáp ứng được chính xác nhu cầu tuyển dụng, từ đó tạo cơ hội việc làm cho sinh viên, ngay cả khi các em chưa tốt nghiệp. Học đi đôi với hành khiến sinh viên rất hứng thú và trưởng thành nhanh chóng. 

Để giải bài toán đó, trường đã liên kết với các tập đoàn dược đặt xưởng thực hành ngay trong khuôn viên của trường để các học viên thực hành ngay tại đây; gắn chặt nhà trường với các doanh nghiệp dược, giúp họ tuyển được lao động sau khi sinh viên tốt nghiệp. 

Trong thời gian học tại trường, các sinh viên sẽ có liên hệ chặt chẽ với các nhà thuốc, giúp sản phẩm thâm nhập thị trường nhanh chóng, qua đó giúp các doanh nghiệp dược nắm được nhu cầu của thị trường để định hướng sản xuất theo yêu cầu khách hàng. 

Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên có nhiều cơ hội được các tập đoàn này tuyển vào làm ngay từ khi mới bước chân ra trường. Song song với đó, trường đang đàm phán với một số đối tác thành lập trung tâm nghiên cứu, ứng dụng KH-CN tại trường để sinh viên có nhiều giờ thực hành, nghiên cứu thực tế và phối hợp doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất. 

Cùng với đào tạo sinh viên, trường còn nhận đào tạo lại các lao động tại các doanh nghiệp nhằm nâng cao tay nghề, đồng thời kết hợp gắn với đào tạo văn hóa ứng xử, cung cấp lao động cho các doanh nghiệp nước ngoài. 

Sắp tới, trường sẽ thành lập Phòng Quan hệ công chúng, chuyên lo đầu ra cho sinh viên ngành kỹ thuật và ký hợp đồng với Công ty CP ô tô Trường Hải để đưa các kỹ sư tham gia giảng dạy, đào tạo kiến thức, kỹ năng thực tiễn cho các sinh viên.

Một trong những chương trình kích cầu đào tạo mà Trường Đại học Công nghệ miền Đông đang tích cực triển khai là chiêu sinh đào tạo đối tượng bộ đội xuất ngũ, công an hết nghĩa vụ và có chính sách giảm 15% học phí cho các đối tượng này; nếu điểm thi cao thì được miễn giảm 50% học phí; học giỏi thì giảm thêm 5% trong năm đầu tiên. Nhà trường cũng có chính sách ưu tiên miễn tiền ở ký túc xá cho sinh viên có hộ khẩu thường trú ở huyện Thống Nhất, và một số địa phương khác còn khó khăn của tỉnh Đồng Nai - như là sự ý thức về trách nhiệm xã hội của nhà trường với tỉnh.
Tuấn Minh – Tuấn Dũng
.
.
.