Xung quanh Đề án 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ :Lo ngại về chất lượng đào tạo

Thứ Hai, 13/11/2017, 09:08
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố dự thảo đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học tầm nhìn đến năm 2030 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.


Trong đó, vấn đề khiến nhiều người băn khoăn là liệu có thực sự cần thiết phải chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo khoảng 9.000 tiến sĩ trong những tranh luận về “lạm phát” tiến sĩ vẫn chưa ngã ngũ? Thậm chí, nhiều người còn bày tỏ lo ngại, liệu rằng chúng ta có đào tạo ra được những tiến sĩ thực học, tinh hoa hay lại tiếp tục cho “ra lò” những “tiến sĩ giấy”?

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục trong hệ thống các trường đại học (ĐH), nhất là trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt là một chủ trương đúng.

Bởi lẽ, hiện các trường ĐH tốp đầu với tiềm lực mạnh mẽ về nhiều mặt, có tỉ lệ giảng viên đạt trình độ tiến sĩ cao hơn hẳn các trường ĐH tốp dưới về việc đào tạo nhân lực chất lượng cao ngay trong lãnh thổ Việt Nam.

Đào tạo tiến sĩ, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Ảnh mang tính chất minh họa.

Do vậy, nếu không nhanh chóng và quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên thì không chỉ các trường ĐH mà ngay cả lao động của Việt Nam cũng sẽ rất dễ “thua” ngay trên sân nhà.

Tuy vậy, vấn đề đặt ra ở đây không phải là ở số lượng tiến sĩ mà chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng đào tạo, nhất là trong bối cảnh số lượng người có trình độ trên ĐH ở Việt Nam ngày càng tăng song số lượng các công trình nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế lại ngày càng kém xa với các nước trong khu vực.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH nêu quan điểm: Việc xã hội băn khoăn, thậm chí lo ngại về chất lượng cũng như tính khả thi của Đề án này không phải là không có cơ sở. Bởi trong thời gian qua, các câu chuyện về những “lò” đào tạo tiến sĩ, đào tạo tiến sĩ siêu tốc... đã thực sự khiến nhiều người cảm thấy mất niềm tin.

Thực tế cho thấy, việc đào tạo tiến sĩ trong nước đang có nhiều bất cập như cơ sở vật chất hạn chế, số lượng người làm hướng dẫn không đủ, uy tín của nơi đào tạo không đảm bảo đã dẫn đến chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, quản lý còn qua loa, dễ dãi, dường như Bộ GD&ĐT vẫn còn “nhẹ tay” với hình thức đào tạo quan trọng này.

Trong khi đó, việc gửi nghiên cứu sinh đi đào tạo tiến sĩ tại nước ngoài lại rất tốn kém. Do vậy, nếu đề án tuyển chọn ứng viênđể đi đào tạo thì việc tuyển chọn cần thật cẩn thận, để khi trở về nước, họ có thể phục vụ đất nước như mục tiêu được đặt ra bởi thực tế thời gian quan cho thấy, có một số ứng viên đi học ở nước ngoài không đáp ứng và theo được chương trình đào tạo, phải về nước sớm hoặc sau khi đào tạo không quay trở về, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước.

“Việc Bộ GD&ĐT nên làm ngay là chú trọng vào khâu rà soát, đào tạo có chất lượng trong nước. Trong đó, trường nào đào tạo tiến sĩ thì phải nghiên cứu khoa học mạnh, trường nào quá yếu không nên cho tiếp tục đào tạo tiến sĩ. Việc gửi đi đào tạo nước ngoài cần có quy trình tuyển chọn ứng viên chính xác, kèm theo các điều kiện ràng buộc chặt chẽ”, ông Khuyến đặt vấn đề.

GS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý Giáo dục cũng cho rằng: Việc nâng cao tỷ lệ giảng viên ĐH có trình độ tiến sĩ là chủ trương đúng và cần thiết nhưng vấn đề là thực hiện thế nào để mang lại hiệu quả thực sự đó là câu chuyện phải bàn kỹ.

Chúng ta có thể chấp nhận kéo dài thời gian, thậm chí là tốn kém những vấn đề là tiến sĩ đào tạo ra phải có trình độ thực sự bởi đất nước cần có một đội ngũ người thầy tinh hoa cho đổi mới chứ không phải người thầy có nhiều bằng cấp nhưng lại không làm được gì. Điều này đòi hỏi cả người đi học và đơn vị đào tạo phải hết sức nghiêm túc và có trách nhiệm chứ không thể đào tạo một cách ồ ạt được.

“Là người chịu trách nhiệm quản lý quá trình thực hiện đề án cũng như chất lượng của 9.000 tiến sĩ sau khi đào tạo, Bộ GD&ĐT phải hết sức thận trọng với dự án này để không đi vào vết xe đổ theo kiểu đào tạo mang nặng tính hình thức trước đó. Trong quá trình thực hiện đề án, nhất định phải có cơ chế giám sát từ việc giám sát tư vấn, giám sát hỗ trợ, giám sát phản biện và giám sát kiểm tra… để đảm bảo đề án thực hiện công khai, minh bạch và có hiệu quả”, GS Bảo đề xuất.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT lại đặt vấn đề: Để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giảng viên trong các trường ĐH cần một loạt các chính sách từ đào tạo, bồi dưỡng cho đến tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ. Do vậy, việc đào tạo 9.000 tiến sĩ chỉ mới là một vế của vấn đề.

Theo phân tích của TS Hoàng Ngọc Vinh, thực tiễn cho thấy, tầm phát triển lớn hơn đào tạo vì đào tạo xong chắc gì họ đã làm giảng viên do thực tế nhiều giảng viên trẻ được đào tạo ở phương Tây về trường thường bị những giảng viên khác có địa vị cao hơn không thích và quyền lực hành chính lớn hơn quyền lực học thuật.

Chán chường khi chuyên môn, học thuật không được sử dụng và đãi ngộ tương xứng, họ sẽ ra đi khỏi trường để đầu quân cho các đơn vị khác. Bên cạnh đó, mặc dù chúng ta có cơ chế để mời những người có trình độ tiến sĩ đang làm việc tại các Viện nghiên cứu về các trường đại học làm giảng viên song trên thực tế vẫn chưa huy động được là bao.

Về lâu dài, thay vì đào tạo mới, chúng ta có thể tận dụng nguồn lực này bởi đại bộ phận những người có trình độ tiến sĩ làm việc tại các Viện nghiên cứu đều là những người có trình độ, thực học và có khả năng nghiên cứu khoa học tốt. Ngoài ra, thay vì đào tạo mới, chúng ta cũng có thể xây dựng cơ chế để kéo dài thời gian làm việc của các giảng viên có trình độ tiến sĩ đến tuổi nghỉ chế độ để tận dụng chất xám, kinh nghiệm của nhóm đối tượng này.

Huyền Thanh
.
.
.