Lên núi dựng trại, bắt sóng điện thoại để học bài online

Thứ Năm, 16/04/2020, 08:34
Trên ngọn núi Tà Ngai, xã Đakrông (huyện Đakrông, Quảng Trị) cao chừng 400m so với mực nước biển, suốt gần 1 tháng nay, có 2 em học sinh Hồ Thị Tăm và Hồ Thị Sương, lớp 12, Trường THPT Đakrông, miệt mài học cái chữ được các thầy cô giáo dạy trên Internet, tầm từ 8h sáng đến chiều tối mới xuống núi về nhà.


Khi chúng tôi hỏi chuyện, Sương bảo rằng, bố mẹ của các em ở bản Khe Ngài, xã Đakrông đã làm lán trại để các em có chỗ học. Lán được dựng trên ô đất rộng chừng 12m² đã được san bằng, cạnh một con đường dân sinh lên núi. Trong lán, cách nhau chừng 3m là 2 cái loa thùng cũ kỹ được dùng làm bàn học. Sương và Tăm học bài qua 2 chiếc điện thoại smartphone. 

Sương kể: “Hôm nhà trường thông báo kế hoạch học trực tuyến, em lo lắng lắm, cả đêm không ngủ được. Nhưng được mẹ động viên, sẽ nghĩ cách để việc học hành của con không bị gián đoạn, nên em yên tâm phần nào. Rồi ngay sáng hôm sau, mẹ em rời nhà đi thật sớm. Cứ nghĩ mẹ đi làm nương như mọi khi, nhưng tầm 10 giờ sáng thì mẹ quay về, từ ngoài ngỏ đã gọi em í ới. Hóa ra mẹ đi mượn tiền hàng xóm để ra thị trấn mua cho em chiếc điện thoại học bài”. 

Còn Tăm nói rằng, sau khi mẹ Sương qua nhà động viên, bàn bạc việc lên núi dựng trại cho con bắt được sóng điện thoại, kết nối 3G, 4G để học bài trên Internet, bố mẹ em đã đồng ý ngay. 

Chúng tôi đến bản Khe Ngài tìm gặp bố mẹ hai em Sương và Tăm. Bà Hồ Thị Lăng, mẹ của Sương bộc bạch: “Cả đời tui chưa hề học cái chữ, nghe con nói phải có điện thoại mới học được thì tìm cách cho con học để kiếm nghề nghiệp ổn định, sau ni bớt cực nhọc như đời bố mẹ nó”.

Bà Lăng năm nay 50 tuổi, nhưng có 10 người con. Chồng bà bị bạo bệnh qua đời cách đây mấy năm, từ khi đứa con út thứ 10 mới 3 tháng tuổi. Một mình bà gồng gánh nuôi được 6 đứa con đến trường. 

Còn ông Hồ Văn Siệp, bố của em Tằm, tâm sự: “Mình bán 3 con dê mua được cái điện thoại tốt cho con rồi, nhưng việc đi tìm, bắt cái sóng rất khó khăn. Rồi hôm đó, mình thấy cháu Sương vừa chăn bò vừa đi tìm sóng điện thoại. Đoạn trên đỉnh núi Tà Ngai, nó reo lên: “Có sóng rồi chú ơi, có rồi, ở đây mạnh lắm!”. Thế là mình mừng run lên, về nhà mang vật dụng lên dựng ngay cái lán trên đó để các cháu học bài”.

Cô giáo Lê Nguyễn Thúy Chi, giáo viên chủ nhiệm lớp 12B6, Trường THPT Đakrông, chia sẻ: “Trong lúc dạy học trực tuyến qua Internet, thấy trên màn hình hiện lên cảnh Tăm và Sương ngồi học ở trại giữa chốn núi rừng. Hỏi thì hai em cho biết vì ở nhà sóng điện thoại yếu nên không học được, phải lên núi cao dò sóng để học. Thật sự chúng tôi rất xúc động, chính hai em đã tiếp thêm động lực cho các giáo viên vùng cao chúng tôi vượt qua khó khăn”. 

Thầy giáo Lê Chí Thông, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường bắt đầu tổ chức dạy học qua Internet từ 26/3. Trong đó khối 12 có 225 học sinh. Tuy nhiên, chỉ có 65% học sinh có điện thoại smartphone và 52% có kết nối mạng 3G, 4G. Nhà trường đã liên hệ với chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh để tuyên truyền vận động hỗ trợ thiết bị cho các em có điều kiện tốt nhất để học tập. Hiện nay, mặc dù còn gặp khó khăn về đường truyền, song tất cả thầy cô giáo ở đây đều rất nỗ lực khắc phục để bài học đến với các em được thông suốt hơn.

Thanh Bình
.
.
.