Làm sao để miền Tây thoát ra “vùng trũng” giáo dục

Thứ Bảy, 25/05/2019, 19:01
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, dù là “vùng trũng” với mặt bằng chung cả nước nhưng so với 5 năm trước, GD-ĐT ĐBSCL đã có bước tiến đáng ghi nhận.

Ngày 25-5, tại TP Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị “Đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực ĐBSCL”. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện có 2.029 trường mầm non (MN), 3.101 trường tiểu học (TH), 1.407 trường THCS, 377 trường THPT. 

Vùng ĐBSCL có 231.147 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, hiện nay còn thiếu 11.637 giáo viên mầm non, 2.583 giáo viên tiểu học, 2.157 giáo viên THCS, 401 giáo viên THPT. Tuy nhiên, toàn vùng cũng thừa 1.686 giáo viên tiểu học, 1.073 giáo viên THCS, 3.579 giáo viên THPT.

Theo số liệu tổng hợp của Kho bạc Nhà nước, giai đoạn 2011-2016, chi ngân sách địa phương cho giáo dục MN, PT của cả nước trên 155.000 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương trung bình/năm cho giáo dục MN, PT ở ĐBSCL hơn 24.603 tỷ đồng (chiếm 15,9% tổng chi cả nước). Trong khi đó, tổng số học sinh của ĐBSCL chiếm 17,5% học sinh cả nước. 

Mức chi ngân sách địa phương trung bình một học sinh MN, PT cả nước hơn 8,3 triệu đồng, còn ĐBSCL là hơn 7,3 triệu đồng.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị cần có thêm cơ chế tự chủ trong giáo dục.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng, ngành giáo dục không “bấu víu” mãi bầu ngân sách Nhà nước. 

“Địa phương nào trong vùng có điều kiện phát triển cần chủ động thực hiện cơ chế tự chủ để phát triển. Tôi kiến nghị cần xem xét, bổ sung thêm cơ chế tự chủ cho các địa phương, cơ sở ở khu vực. Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ phải làm sao giữ chân giáo viên giỏi nhưng tránh tình trạng tập trung giáo viên giỏi vào một nơi. Bộ Nội vụ tính toán, phối hợp Bộ GD-ĐT liên quan đến biên chế giáo dục”, ông Lê Văn Hưởng nói.

ĐBSCL là “vùng trũng” về giáo dục còn thể hiện qua tỷ lệ phòng học/lớp học, phòng học kiên cố hóa bình quân thấp nhất cả nước. Giáo dục MN, ĐBSCL cần đầu tư bổ sung 2.400 phòng học, cải tạo, nâng cấp 2.100 phòng học để có điều  kiện phòng học và thiết bị dạy học ngang bằng cả nước. 

Số liệu trên, chưa tính đến số lượng phòng học còn thiếu khi huy động trẻ đến trường bằng với mặt bằng chung của cả nước. Bậc TH cần đầu tư mới khoảng 900 phòng học, cải tạo, nâng cấp khoảng 4.300 phòng học; bậc THCS khoảng 1.857 phòng học và bậc THPT khoảng 223 phòng học... 

Học sinh ở Đồng bằng sông Cửu Long đến trường bằng xuồng trong mùa nước lũ.

Lãnh đạo UBND các tỉnh và ngành giáo dục cũng nêu thực trạng, ĐBSCL có địa hình sông nước, kênh rạch, đi lại không thuận lợi nên có số điểm trường nhiều nhất cả nước, gần 6.000 điểm trường. Bài toán sắp xếp, dồn dịch trường lớp đặt ra rất cấp thiết để nâng cao chất lượng giáo dục và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, dù là “vùng trũng” với mặt bằng chung nhưng so với 5 năm trước, GD-ĐT ĐBSCL đã có bước tiến đáng ghi nhận. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá, giáo dục ở ĐBSCL có những bước tiến đáng ghi nhận. 

“Qua hội nghị này, Bộ GD-ĐT tổng hợp các ý kiến để làm việc với các bộ ngành liên quan, chọn những đề xuất cấp bách, có tính đặc thù, khả thi dựa trên những luận cứ thuyết phục, trước khi tham mưu cho Chính phủ. Bộ GD-ĐT sẽ rà soát các thông tư liên tịch, thông tư ban hành trong thẩm quyền để bổ sung, hoàn thiện và ban hành mới, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giáo dục ĐBSCL”, ông Phùng Xuân Nhạ nói.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương tăng tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục, xem xét lại cơ cấu chi ở từng cấp học, tăng chi cho mầm non. Cố gắng tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, chống tái mù, nâng tỷ lệ người biết chữ, phổ cập, ổn định phổ cập để ĐBSCL thoát khỏi vùng trũng về giáo dục.

Văn Vĩnh
.
.
.