Làm gì để trường nghề hấp dẫn người học?

Thứ Năm, 27/08/2020, 22:23
Thời gian qua, nhiều trường nghề tại TP Hồ Chí Minh tìm cách cầm cự nhưng khó khăn vẫn chồng chất nhất là do tác động kéo dài của dịch COVID-19. Không phải chỉ về chi phí thuê mặt bằng, chính sách giữ chân đội ngũ giáo viên, thu hút học viên và làm sao cho đỡ phải bù lỗ quá nhiều.


Thời gian qua, nhiều trường nghề tại TP Hồ Chí Minh tìm cách cầm cự nhưng khó khăn vẫn chồng chất nhất là do tác động kéo dài của dịch COVID-19. Không phải chỉ về chi phí thuê mặt bằng, chính sách giữ chân đội ngũ giáo viên, thu hút học viên và làm sao cho đỡ phải bù lỗ quá nhiều, nhiều trường còn đối mặt với sự chồng chéo trong việc quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũ kỹ, lạc hậu. Năm học sắp tới trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên không mấy trường dám bỏ tiền đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Cơ sở tạm bợ, ít đầu tư

Tại hẻm 37/3 đường Ngô Tất Tố, phường 21, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh hiện có khá nhiều trường nghề như: Trường Cao đẳng Y dược Pasteur, Trường Trung cấp Tin học Kinh tế Sài Gòn, Trung cấp Sài Gòn, Trung tâm giáo dục thường xuyên Tôn Đức Thắng… Hầu hết trường ở đây đều thuê mặt bằng để làm chỗ dạy học. Các trường này không tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, chỉ tuyển bậc trung học phổ thông.

Nhiều trường trung cấp nghề khác tại TP Hồ Chí Minh cũng đang phải đi thuê mướn cơ sở làm chỗ dạy học và đều khá chật chội, như: Trường Trung cấp Bến Thành, Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Nam Á, Trung cấp Tài chính Kế toán tin học Sài Gòn…Về ký túc xá cho học viên, đa số các trường cũng chỉ liên kết với những chủ nhà trọ xung quanh để giới thiệu cho học viên thuê trọ.

Một trường cao đẳng tư vấn chọn ngành học cho phụ huynh học sinh.

Ông Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn - Chủ tịch Khối liên kết các trường chuyên nghiệp tại TP Hồ Chí Minh (hiện có 34 trường, gồm 26 trường trung cấp và 8 trường cao đẳng) nhìn nhận, rất ít trường nghề đầu tư theo hướng hiện đại, kết nối với doanh nghiệp đặt hàng đào tạo, mà hầu hết vẫn giậm chân tại chỗ.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh, cơ sở vật chất, trường lớp của một số cơ sở giáo dục nghề hiện còn lạc hậu so với yêu cầu, chưa đầu tư phương tiện kỹ thuật dạy học tiên tiến, chưa tạo uy tín đào tạo với đơn vị sử dụng lao động, tạo tâm lý e ngại trong tuyển dụng lao động sau đào tạo của doanh nghiệp… Không chỉ cơ sở vật chất xuống cấp, thuê mướn tạm bợ, mà chất lượng giảng dạy của nhiều cơ sở giáo dục nghề chưa đáp ứng được yêu cầu. 

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 566 cơ sở đào tạo nghề, gồm: 52 trường cao đẳng (45 trường; 7 cơ sở đào tạo), 64 trường trung cấp (63 trường, 1 cơ sở đào tạo), 86 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 364 cơ sở khác có hoạt hoạt động giáo dục nghề, với tổng số 509.550 học viên theo học. Tuy nhiên, hơn 2.000 giáo viên chưa đạt chuẩn theo qui định của Bộ LĐ-TB&XH. Học viên theo học tại các trường nghề có đến 70% là thực hành nhưng số giáo viên có kinh nghiệm và thực tiễn không nhiều. 

Về vấn đề này, PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng muốn đào tạo được nguồn nhân lực có tay nghề cao, cần thiết phải có đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp giỏi. Đồng thời, chủ động xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo theo định hướng gắn nhà trường với doanh nghiệp.

Tại hội nghị tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm năm 2020 khu vực phía Nam do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh cách đây chưa lâu, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh cho biết, những năm qua học viên theo học giáo dục thường xuyên tăng, còn các trường trung cấp, cao đẳng tỷ lệ tuyển sinh giảm, nhiều trường chỉ tuyển sinh được dưới 20% chỉ tiêu.

Làm gì để hấp dẫn người học?

Theo bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, bên cạnh việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với trình độ người học, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà trường phải đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đặc biệt là đáp ứng tuyển sinh đào tạo các nghề trọng điểm ASEAN và quốc tế.

Sự bắt tay giữa nhà trường và doanh nghiệp tạo hiệu quả mạnh mẽ, nhà trường đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, doanh nghiệp tham gia từ khâu tuyển sinh, xây dựng chuẩn đầu vào, chương trình đào tạo… giúp nâng cao chất lượng đầu ra, người học ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, tiếp cận được thị trường lao động, tạo việc làm bền vững. Nhiều trường ngoài việc đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ đào tạo, cam kết giới thiệu việc làm… còn kết nối chặt chẽ với gia đình học viên để hỗ trợ khi học viên gặp khó khăn. Đồng thời, thành lập các sân chơi, câu lạc bộ khoa học - kỹ thuật, thi tay nghề… nhằm giữ chân người học.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần mạnh dạn thanh lọc loại bỏ trường yếu kém. Ông Lê Minh Tấn cho biết, hệ thống giáo dục nghề nghiệp thành phố sẽ được sắp xếp lại theo đề án quy hoạch do Sở đã soạn thảo, hiện đang được thẩm định tại các sở, ngành trước khi trình lên UBND thành phố với tổng kinh phí trên gần 1.100 tỷ đồng. Việc quy hoạch lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp bao gồm cả việc giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả, không tuyển sinh được trong nhiều năm.

Việc quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp chính là giải pháp quan trọng khắc phục yếu kém và nhằm hiện đại hóa cũng như huy động nguồn lực nhiều hơn cho giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng được yêu cầu hiện nay và lâu dài.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), đến hết năm 2019, cả nước có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó gần 400 trường cao đẳng, hơn 550 trường trung cấp, đa số là trường công lập. Ngoài ra, cả nước còn có hàng ngàn cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp quận, huyện.

Hiện nay, việc quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp còn chồng chéo, nguồn lực đầu tư nhiều nhưng hiệu quả chưa cao, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt bất cập trên chính là công tác quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp, bao gồm mạng lưới các trường, phân bố theo ngành kinh tế và theo lãnh thổ, ngành nghề đào tạo trong các trường, cũng như cơ chế phối hợp công - tư trong giáo dục nghề nghiệp chưa thật rõ ràng và thiếu định hướng chiến lược.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng phân tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nhằm mục đích có được các trường nghề mạnh, có chất lượng, chứ không phải chạy theo thành tích cắt giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp. 

Từng bước chuyển trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc các bộ, ngành trung ương về địa phương quản lý đối với các trường đóng trên địa bàn các địa phương mà có nhiều ngành, nghề đào tạo trùng với các trường do địa phương quản lý. Đồng thời, khuyến khích thành lập mới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

NGUYỄN CẢNH
.
.
.