Lại “nóng” chuyện lớp học bán trú vệ tinh

Thứ Ba, 29/03/2016, 20:27
Áp lực về cơ sở vật chất trường học vẫn vượt khỏi tầm kiểm soát của ngành giáo dục thành phố là một trong những trăn trở mà lãnh đạo Phòng GD các quận vùng ven TP gửi gắm tới Ban VH-XH HĐND và Lãnh đạo ngành GD TP Hồ Chí Minh, nhằm đề xuất các giải pháp “gỡ rối”cho ngành. 


Đặc biệt, các ý kiến đưa ra cho thấy, các nhóm trẻ gia đình, lớp học bán trú, lớp học “vệ tinh” bên ngoài khuôn viên nhà trường chính thống “mọc” lên tự phát suốt 5 năm qua, nhưng vì thiếu cơ chế hành lang pháp lý nên hoạt động trong tình trạng không phép hoặc được quản lý theo kiểu bị động tại các địa phương.

Giữ trẻ buổi trưa được coi là ngành, nghề gì?

Theo thừa nhận của ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó GĐ Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, dịch vụ giữ trẻ, lớp bán trú “vệ tinh” với HS Tiểu học, THCS… thời gian qua đã bột phát nở rộ theo nhu cầu thực tế của PHHS nhất là tại vùng ven như Q.Gò Vấp, Q. 12, và Q. Tân Phú.

Nguyên nhân do sự gia tăng dân số cơ học, không đủ lớp bán trú cho HS. Ông Hiếu cho biết, hàng năm ngành GD thành phố đưa vào khoảng 1.500 phòng học mới, từ năm học 2015, thành phố đặt mục tiêu, HS Tiểu học 100% đều được học 2 buổi/ngày.

Nhu cầu thực tế, nhưng quản lý lớp học bán trú cho HS vẫn gây áp lực nặng nề trong trách nhiệm quản lý của ngành Giáo dục.

Theo quyết định 02 của UBND TP là tới năm 2020 toàn bộ các trường học phổ thông trên địa bàn, HS đều được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, mức tăng dân số của TP Hồ Chí Minh đã vượt quá khỏi tầm kiểm soát của ngành. Trong đó địa bàn như Q. Tân Phú có tỉ lệ học 2 buổi/ngày thấp nhất thành phố. Chỉ khoảng hơn 20% số HS được học bán trú. Và trong mỗi trường không phải em nào cũng được học bán trú 2 buổi/ngày.

Cũng theo ông Hiếu, ngành GD thành phố đặt ra mục tiêu, tới năm 2017-2018, 100% HS Tiểu học (TH) phải được học tiếng Anh. Nên thực trạng tình hình trường lớp không đáp ứng đủ như Q.Tân Phú sẽ khó mà thực hiện được mục tiêu này. 

Đặc biệt, sự xuất hiện những lớp học bán trú “vệ tinh” bên ngoài trường công lập, không đảm bảo về chuyên môn, an toàn. Rất lo lắng về vấn đề an toàn cho trẻ tại những cơ sở này nhưng điều mà ngành “vướng” ở chỗ, trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật đầu tư (năm 2014) theo qui định, không đề cập tới nghề quản lý, giữ trẻ buổi trưa. Không biết gọi là nghề gì trong dịch vụ này.

Trước hết để giữ an toàn cho trẻ, ngành GD Thành phố đề xuất UBND TP có thể cho những qui định quản lý tạm thời các dịch vụ này. Ra các qui chuẩn cho các cơ sở đang hoạt động. Ví như ở nhóm trẻ gia đình, thì qui mô 7 trẻ/lớp là phải có người đứng ra quản lý, người đứng đầu phải có trình độ văn hoá tương đương lớp 12; phải có năng lực Sư phạm, cơ sở phải được cấp phép đủ điều kiện VSATTP… để quản lý, bảo vệ an toàn cho trẻ tại các lớp bán trú vệ tinh.

Thiếu qui định chuẩn trong điều kiện học bán trú, coi chừng nảy sinh tiêu cực?

Đó là góp ý của ông Cao Thanh Bình, Phó Ban VHXH-HĐND TP Hồ Chí Minh, người trực tiếp tham gia đợt khảo sát 2 tuần qua tại các địa phương về vấn đề cơ sở vật chất (CSVC) ngành giáo dục, Ông Bình khẳng định: Ngành GD vẫn bị động hoàn toàn vấn đề CSVS trường học. Qua thực tế cho thấy, đại đa số là mô hình bán trú tổ chức cho các HS học tập theo nguyên tắc “ ba tại chỗ”: ăn, học, nghỉ trưa đều trên một chiếc bàn HS.

Nhu cầu học bán trú rất lớn nhưng CSVC ta không đảm bảo, dù Sở GD, Phòng GD các địa phương đã có kế hoạch giám sát nhưng phải thừa nhận, ta chưa có giải pháp căn cơ. Không thể kéo dài mãi tình trạng nhiều đơn vị giữ trẻ không phép, Sở GD-ĐT phải nghiên cứu, kiến nghị và có đề án cụ thể, trình UBND, có thể tổ chức toạ đàm trước để có dữ liệu đầy đủ.

Cũng theo ông Thanh Bình, cũng cần quản lý chặt các trường không đảm bảo tỉ lệ HS học bán trú, học 2 buổi. Tiêu chuẩn của HS muốn học bán trú cụ thể là gì? Phải có “chuẩn” về qui định này vì không có “chuẩn” sẽ dễ xảy ra tiêu cực khi ta quản lý không chặt với đáp ứng nhu cầu cho con vào học bán trú tại các trường.

Huyền Nga
.
.
.