“Nốt trầm”… nghề giáo (!)

Kỳ cuối: Dũng cảm “vặn mình” để thay đổi

Thứ Bảy, 18/11/2017, 23:38
Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam, nghề giáo bao giờ cũng được vinh danh bậc nhất, được toàn xã hội tôn trọng, tri ân, vì đó là nghề “gieo chữ, trồng người”, đào luyện hiền tài cho đất nước.


Cận kề kỷ niệm Ngày 20-11, PV Báo CAND ghi nhận được chia sẻ của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP Hồ Chí Minh.

Trong nhiều năm qua, ông là người luôn đồng hành với ngành Giáo dục của thành phố mang tên Bác với nhiều phát biểu, góp ý chân tình, nói thẳng nói thật vì sự phát triển chung của ngành Giáo dục.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ cho biết, nhiều bậc hiền tài đã khẳng định giá trị lớn lao của nghề làm thầy luôn gắn liền với nhu cầu phát triển của đất nước.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” (Thân Nhân Trung). Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhà giáo đồng thời là nhà tổ chức giáo dục lỗi lạc đã có cái nhìn rất bản chất của nghề giáo: “Nghề thầy giáo là một nghề cao quý, dù không tượng đồng, bia đá, nhưng làm tròn nhiệm vụ là anh hùng”.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ.

Trong thực tế, đa số những người thầy cô giáo khi được hỏi thì đều tự nhận mình là người hạnh phúc nhất khi trực tiếp mang lại hạnh phúc cho các thế hệ học trò. Cũng đúng với bút tích của Franhk Tyger: “Nếu bạn muốn có hạnh phúc hãy trao nó cho người khác”. Thật hạnh phúc khi mỗi thầy cô được hiển vinh là “kỹ sư tâm hồn” đi ươm mầm tương lai, gieo trồng con chữ, nuôi dưỡng nhân cách con người.

Hiện nay, người thầy tiếp tục được nêu cao vị thế của mình, trước sự ngưỡng mộ và hy vọng của xã hội. Phổ biến trong giáo giới là các thầy cô tâm huyết với nghề, yêu thương con người, phấn đấu cho đời với sự hy sinh thầm lặng và tinh thần cầu tiến đáng quý.

Nhưng thời gian gần đây, không khỏi chạnh lòng vì đây đó nghề giáo bị “ném đá”, mang tiếng thị phi, bất an, bất kính. Đáng chú ý, tác nhân của “nốt trầm” ấy có cả phụ huynh và học sinh.

Sản phẩm mà nhà giáo tạo ra là học vấn. Sự nhận thức về người, về đời, về các quy luật vận hành của tự nhiên, xã hội và tư duy. Một thứ kết quả của lao động trí tuệ sống động, rất nhân văn đó là Con Người - chủ thể của lao động, chủ nhân của xã hội. Một bộ phận trong đó trở thành thầy cô sau này, là vô giá, vậy nên, không gì sánh được bằng nhân cách người thầy.

Thế nhưng ngành Sư phạm cũng phải nghiêm túc nhìn nhận, một số thầy cô giáo đã không vượt được thử thách của nghề, tự làm xấu mình, đánh mất đi hình ảnh trân quý của nghề “trồng người” bằng việc “bán chữ”, “cấy điểm” vào học bạ, "vòi vĩnh" phụ huynh qua hoạt động sai chức trách của Hội cha mẹ học sinh; mà ít tự chỉnh thái độ, hành vi, ngôn ngữ và phong cách sư phạm cho đẹp, cho hay.

Đứng trước nhiều áp lực của công tác giáo dục đào tạo trong tình hình mới, ngành Giáo dục ngay từ chính mỗi người thầy, cô phải dũng cảm, suy xét trong mọi hành động, việc làm. Nói cách khác, để tái lập và giữ "vị thế" người thầy, cần phải có sự “vặn mình” và gồng mình thật sự dù có phải đớn đau, đổ mồ hôi, sôi nước mắt.

Tất nhiên, cần có sự đồng thuận, giúp sức của toàn xã hội, nhưng chủ yếu thuộc về ngành Giáo dục nước nhà. Trong đó, có rất nhiều vấn đề mà ngành Giáo dục phải dũng cảm, tự "vặn mình" thay đổi cho phù hợp.

Trước hết là giải quyết nghịch lý, lương giáo viên thấp kém chưa xứng đáng với "sản phẩm" mà họ đang ngày đêm phải lao tâm khổ tứ, dạy dỗ hàng ngày. Xã hội phải thấy đau lòng khi những “kỹ sư tâm hồn” được vinh danh như là anh hùng thì lại được trả công bằng đồng lương quá khiêm tốn.

Nhà giáo phải được hưởng xứng đáng thành quả lao động họ làm ra, đủ sống để gắn bó với nghề. Trong đó cần quan tâm sâu sắc đối với giáo viên mầm non và tiểu học. Bởi ở hai bậc học này, trong hệ thống giáo dục quốc gia là cực kỳ khó. Rất cần những nhà giáo tâm huyết, có chuyên môn khi dẫn dắt các em chập chững vào đời.

Còn nữa, các bộ giáo khoa hiện hữu và đang phục vụ tự thích theo mục tiêu giáo dục và năng lực của các “sĩ tử”. Vậy cớ gì phải thay mới đồng loạt, có nên tốn kém như vậy hay không? xã hội cũng cần lấy ý kiến đóng góp.Lâu nay, các học trò đến 10 tháng/năm học (tức là học trước khai giảng) mới hết bài trong sách giáo khoa. Ngoài ra, các em còn phải đi học thêm do thầy cô dạy và tự học tại gia nữa. Cường độ cao, khiến các em bơ phờ, ngán học, lại không được người thân chia sẻ, cảm thông.

Tuy giáo khoa chỉ là một trong những phương tiện giáo dục nhưng là những thứ quan trọng nhất, bởi nó tác động vào kênh nghe, nhìn và trở thành người bạn tin cậy của người học. Việc thay giáo khoa mới phải gắn biện chứng với mục tiêu giáo dục, nội dung chương trình, hình thức, phương pháp giáo dục của từng lớp, bậc học.

Trong môi trường học đường, học sinh trưởng thành hay không được ảnh hưởng từ chính đạo đức, nhân cách của người giáo viên.

Bản thân các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường, cơ sở giáo dục đào tạo cần thường xuyên tự đổi mới. Trước hết, cần chấp hành nghiêm chỉnh đường lối giáo dục của Đảng, Luật Giáo dục hiện hành, tuân thủ những nguyên lý, nguyên tắc giáo dục và đặc biệt gắn liền tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh về giáo dục. Việc khá nhiều trường tùy tiện thu các loại phí (lạm thu) vượt quá khả năng của phụ huynh, sẽ làm mất đi hình ảnh đẹp của môi trường học đường là đào tạo nên con người với nét đẹp "chân – thiện – mỹ".

“Việt Nam ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Tôi tin rằng, giá trị ấy sẽ được lưu truyền phổ biến và vĩnh hằng. Mặc dù các nhà giáo không ngai vàng, lọng tía, chẳng ấn tín, mề đay; đâu thấy "trống giục trung quân"; nào có tả hữu vái vọng, tiền hô, hậu ủng…

Nhưng vị thế người thầy là cao quý thì sẽ còn mãi trong lòng người dân Việt Nam với một nghề được cả xã hội tôn vinh, kính nể. Cùng sự chung tay, góp sức của cả dân tộc vun đắp, để truyền thống giáo dục mãi mãi trường tồn.

Trước hết, ngành Giáo dục và các nhà quản lý giáo dục hãy trách nhiệm hơn, khoa học hơn, để được dân tin nhiều hơn. Tôi tin rằng, nếu làm được như vậy, dư luận sẽ tung hoa vinh danh chứ không sôi sục “ném đá” ngành Giáo dục như lúc này”, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ kỳ vọng.

Nhóm PV
.
.
.