"Nốt trầm"... nghề giáo (!)

Kỳ 3: Tâm huyết người thầy

Thứ Sáu, 17/11/2017, 07:48
Nhiều nhà giáo chân chính đang đau đáu với tình trạng du học sinh tăng lên một cách bất thường đến mức có chuyên gia ngành Giáo dục phải gọi hiện tượng này là một cuộc “tị nạn giáo dục”. Trong khi đó, nhiều nhà giáo khác tâm huyết với sự nghiệp giáo dục cũng đang cố gắng khẳng định, xây dựng thương hiệu nhà trường và cả thương hiệu người thầy - cá nhân trong hệ thống giáo dục tư nhân, nơi cũng đang chịu rất nhiều áp lực hiện nay.


“Tị nạn giáo dục”

Ngoài cách gọi “tị nạn giáo dục” để chỉ việc du học sinh Việt Nam, cũng có ý kiến gọi là "nền giáo dục lạc đường", hay "khủng hoảng giáo dục". Đó chỉ là cách gọi nhưng bởi nó được phát ngôn bởi những giáo sư có uy tín hàng đầu trong “làng” giáo dục và điều này làm nhói lòng không ít nhà giáo chân chính.

Theo một thống kê của ngân hàng HSBC: 110.000 du học sinh Việt Nam tại 47 quốc gia đang tiêu mỗi năm 3 tỷ USD. Cũng theo thống kê từ ngân hàng này, người Việt Nam đang đầu tư ngày càng nhiều vào tương lai giáo dục của con cái, trong đó có du học để con cái họ được trải nghiệm môi trường giáo dục quốc tế.

Trung bình mỗi du học sinh cần khoảng 30.000 - 40.000 USD cho mỗi năm du học. Những con số làm các trường trong nước choáng ngợp. Trong khi ngành tài chính đau đầu với việc cân bằng cán cân thanh toán thì ngành Giáo dục đau đầu với nạn chảy máu chất xám.

Theo Bộ GD&ĐT, năm 2016 có khoảng 130.000 công dân Việt Nam đang học tập tại nước ngoài, trong đó số đi học bằng ngân sách nhà nước là hơn 5.500 du học sinh. Năm 2012 mới có hơn 100.000 học sinh du học.

Ngày 20-11, với thầy cô Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến TP Hồ Chí Minh thì tri ân có ý nghĩa nhất chính là kết quả học tập của học sinh.

Như vậy tỉ lệ đi du học tự túc là rất lớn. Người đầu tư ở đây chính là các bậc phụ huynh không hề cân đong đo đếm và lo ngại khả năng “mất vốn” hay không. Bỏ một đống tiền, của đau con xót nên năng lực của con em gia đình có nhu cầu cho đi du học đều được khảo sát tương đối kĩ lưỡng.

Một phần không nhỏ du học sinh được đánh giá có năng lực tương đối tốt trở lên để có thể đến học tập và sinh hoạt ở một đất nước xa lạ. Một lượng không nhỏ chất xám đã rời khỏi đất nước ngay sau khi kết thúc khoá học. Đa số ở lại học tập sinh sống ngay tại nơi mà gia đình đã lựa chọn cho các em.

Câu chuyện trong số 16 quán quân “Đường lên đỉnh Olympia”, duy nhất chỉ có em Lương Phương Thảo làm việc tại TP Hồ Chí Minh. 8 người đang học tập, giảng dạy tại Đại học Kỹ thuật Swinburne, 6 “nhà vô địch” khác làm việc ở Australia. Đó là một trong rất nhiều những câu chuyện “nóng hổi” về việc chảy máy chất xám của ngành, tiếp nối như một lẽ đương nhiên của chương trình sau du học.

Ngậm ngùi… “con nuôi”

Trong nỗ lực để nâng cao chất lượng dạy và học, khâu then chốt của các trường ngoài công lập chính là đội ngũ cán bộ, giáo viên. Khó khăn hơn khối các trường công lập rất nhiều trong vấn đề tuyển dụng vì tư duy “biên chế”,  “công chức” còn đè nặng trong suy nghĩ của rất nhiều giáo sinh khi ra trường. Trường tư phải tuyển dụng từ mối quan hệ quen biết.

Những trường có uy tín trong hệ thống trường tư xây dựng cơ chế lương bổng và môi trường làm việc đủ sức để thu hút nhân tài. Sự khác biệt đến từ năng lực thực sự của người giáo viên tuy nhiên để xoá bỏ tư tưởng trường công lập là “con đẻ”, còn các trường ngoài công lập là “con nuôi”... vẫn là câu chuyện không dễ dàng.

Thiệt thòi đầu tiên là giáo viên ngoài công lập không được hỗ trợ để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và cập nhật kiến thức mới phù hợp chương trình giáo dục theo quy định. Nhiều người đánh giá giáo viên trường tư chịu rất nhiều áp lực ở cường độ làm việc, ở cả chuyên môn và ở ngay mọi hoạt động nghề nghiệp tại nơi công tác.

Trừ các trường đã xây dựng được uy tín có điều kiện để chọn lựa "đầu vào" của học sinh, còn rất nhiều trường tư mà học sinh là sự vơ vét tất cả những học sinh không đủ điểm chuẩn vào trường công lập, vì vậy là giáo viên trường tư cũng đồng nghĩa với việc có thể phải đối mặt dạy dỗ với học sinh cá biệt cũng là chuyện bình thường. Nhiều thầy cô đã hài hước rằng: “Đã là giáo viên trường tư thì ra đường không còn phải sợ ai nữa” (!).

Một trong những trường tư có tiếng tại khu vực phía Nam là trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Trường có số lượng giáo viên cực kỳ hùng hậu với hơn 650 người làm công tác giảng dạy và quản nhiệm cho gần 7.000 HS thuộc 4 cơ sở.

Nếu như những năm đầu thành lập, giáo viên của trường chủ yếu là thỉnh giảng từ một số trường THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thì đến nay, con số đó đã vươn xa tới nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Giáo viên tại Trường Nguyễn Khuyến ngày càng được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng, trong đó có những người đã từng gắn bó lâu năm với trường.

Lãnh đạo nhà trường cho biết, giáo viên của trường được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau. Với những giáo viên làm công tác giảng dạy, trường chỉ tuyển những người đã có kinh nghiệm đứng lớp, chuyên môn vững vàng. Khi xét tuyển, Ban giám hiệu luôn ưu tiên cho những ai đã từng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp thành phố.

Ngoài những giáo viên tại địa phương, Trường Nguyễn Khuyến còn chiêu mộ giáo viên giỏi từ nhiều tỉnh, thành khác có nhu cầu sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Cũng thông qua nguồn tuyển này, Ban giám hiệu còn “phát hiện” thêm nhiều giáo viên giỏi, có năng lực, chuyên môn vững vàng và đang là họ hàng, bạn bè của giáo viên trong trường.

Từ các mối quan hệ này, trường đã mời họ về thỉnh giảng một số ngày trong tuần, chủ động sắp xếp thời khóa biểu hợp lý, điều kiện ăn ở cho những người ở xa. Trong số giáo viên của trường còn có cả những người không thuộc chuyên ngành sư phạm, từng học trong các trường Đại học Bách khoa, Đại học KHTN, Đại học  KHXH&NV…

Trong quá trình giảng dạy, ngoài việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, giáo viên còn phải chủ động đổi mới tư duy, học hỏi những cái mới, thậm chí học thêm những điều sáng tạo từ chính học trò của mình. Phương châm giáo dục… khác người như: “Vào trường Nguyễn Khuyến là phải tiến bộ”, “Nên người, học giỏi, tốt nghiệp 100%”; với giáo viên nơi này còn có 12 chữ "nằm lòng": “Dạy cả lớp; dạy, dạy nghĩ. Cả lớp học, nghĩ mới học”.

Với quan điểm con người là nhân tố quan trọng nhất, quyết định chất lượng trong giáo dục, bởi vậy nhà trường luôn chú trọng trong công tác tuyển chọn giáo viên giảng dạy trong trường và đảm bảo đời sống và một môi trường giáo dục tiến bộ đã làm lên thương hiệu Nguyễn Khuyến ngày hôm nay.

Thế nhưng, giáo viên trường tư khó có được những danh hiệu uy tín do nhà nước phong tặng. Tri ân với họ chính là kết quả học tập của chính học sinh, để kỳ thi năm nào cũng có những thông tin đăng tải trên báo như: 50 học sinh của lớp có 1 em được 30 điểm, 4 em từ 29,1 - 29,75 điểm, 20 em từ 27 - 29 điểm...

Trường Nguyễn Khuyến còn có rất nhiều câu chuyện về những thầy cô mà đã đi vào “giai thoại” theo nghĩa tốt đẹp nhất, in đậm trong ký ức học sinh. Trường Nguyễn Khuyến cũng là cơ sở trường tư điển hình với việc người giáo viên trường tư âm thầm lặng lẽ đóng góp công sức cho sự nghiệp trồng người của đất nước.

Với họ, được dạy trong một ngôi trường có hơn 160 thủ thoa và á khoa đại học (kể từ khi thành lập năm 1992 đến nay) thì cũng vinh dự chẳng kém các thầy cô ở những ngôi trường hàng đầu. Họ thực sự đã xây dựng “thương hiệu” cá nhân về người thầy, góp phần tạo dựng thương hiệu chung của nhà trường.

Nhóm PV
.
.
.