"Nốt trầm"... nghề giáo (!)

Nghề nguy hiểm và những anh hùng

Thứ Năm, 16/11/2017, 07:43
Có thể nói, chưa bao giờ nghề giáo lại… đối mặt với nhiều nguy hiểm như hiện nay. Chỉ một chút sơ sảy là sự nghiệp tiêu tan; phấn đấu bao năm cũng có thể mất hết. 

Kỳ 2: Nghề nguy hiểm và những anh hùng

Nghề nguy hiểm

Mạng xã hội và sự thái quá của phụ huynh góp phần không nhỏ tạo nên mối nguy hiểm với nghề giáo. Nhưng những hy sinh và nỗ lực của rất nhiều giáo viên vẫn được ghi nhận và như Bác Hồ đã đánh giá về nghề giáo: “Họ là những anh hùng”.

Cái roi mây trên tay ông đồ già đã đi vào lịch sử ngành Giáo dục nước nhà như một hình ảnh nghiêm khắc khi dạy dỗ con trẻ. "Yêu cho roi cho vọt", quan điểm giáo dục trẻ nhỏ này chắc cũng xuất phát từ thời xa xưa ấy. Việc nghiêm khắc trong giáo dục thời nào cũng cần nhưng thời nay, giáo viên nghiêm khắc quá cũng như diễn viên xiếc đi trên… dây, sơ sảy là rớt xuống “hố” kỷ luật như chơi.

Cách nay chưa lâu, vào tối 8-9, tài khoản Facebook T.H.N chia sẻ lên mạng xã hội về việc cháu mình là Đỗ T. M. Đ. (học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương) bị cô giáo chủ nhiệm tên V. dùng thước đánh sưng tím hai chân ở lớp học và đưa các hình ảnh đôi chân cháu lên với nhiều vết tụ máu.

Trong đợt lũ 2017, bàn ghế đã bị mưa lũ cuốn trôi, các thầy cô giáo ở huyện Mộc Châu (Sơn La) đã phải tự bê vác, vận chuyển những bộ bàn ghế mới cho các em học sinh có chỗ ngồi học.

Câu chuyện lan nhanh và sáng hôm sau, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký công văn yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT, Chủ tịch UBND quận Ba Đình kiểm tra, làm rõ thông tin; xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể có liên quan đến sự việc.

Ngay sau chỉ đạo “khẩn” này, buổi sáng 11-9, gần 50  hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, THCS quận Ba Đình phải họp để rút kinh nghiệm. Theo Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, cô V. cũng đã thừa nhận hành động của mình là sai và cô cũng đã xin lỗi học sinh.

Nhưng, tất cả đã quá muộn. Sự việc không hay đã lên mạng và cô V đã bị tạm đình chỉ công tác để làm báo cáo, kiểm điểm trách nhiệm. Nóng giận nhất thời với việc sử dụng không đúng chức năng "công cụ giảng dạy" là cái thước kẻ đã khiến cô V trở thành "tội đồ" của ngành Giáo dục. Với riêng cô giáo này đã có một kinh nghiệm không thể sâu sắc hơn.

Tiếp sau đó 3 tuần, một học sinh lớp 2C (Trường Tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương, Hải Phòng) không mặc đồng phục, trong giờ học hay nói chuyện riêng nên bị cô giáo Phạm Thị Hải gọi lên nhắc nhở, phạt "một thước" vào lòng bàn tay. Không may cho cô giáo Hải gia đình học sinh xót con hôm sau kéo nhau lên tận lớp học và kết quả là cô Hải bị ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu.

Cũng với hình phạt dùng thước đánh vào tay học sinh, một giáo viên  Trường Tiểu học Tây Sơn ân hận tường trình: “Trong giờ ổn định trật tự trước lúc ăn trưa, cháu Duy và cháu Dương đã đánh nhau khiến cháu Dương khóc. Tôi đã gọi 2 cháu lên bàn giáo viên để hỏi đầu đuôi sự việc và kết luận cháu Duy đã cư xử không đúng với bạn… Tôi đã yêu cầu cháu Duy đặt bàn tay lên bàn, dùng thước kẻ đánh vào lòng bàn tay với mục đích răn đe, giáo dục cháu”.

Sự việc sau đó cô giáo này cũng phải nhận hình phạt là nhà trường đình chỉ việc dạy học, chuyển sang công tác tại phòng đồ dùng.

Bàn về vấn đề người thầy trong nhà trường hiện đại, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã có hẳn một đề tài nghiên cứu, khảo sát rất sâu về nghề giáo trước sự tác động của xã hội, môi trường trong hoàn cảnh mới.

Trong đó bà khẳng định: Bối cảnh thay đổi của thế giới đang đặt ra những yêu cầu rất mới đối với người làm nghề giáo. Nhưng, chức năng chủ yếu của giáo viên được bà tiếp tục nhấn mạnh, đó là chức năng giáo dục. Nhân cách học sinh được hình thành, tác động từ chính người thầy của mình.

Người học trò nên người hay không, có trở thành yếu tố quyết định cho sự phát triển xã hội sau này, cho sự thành đạt của chính bản thân người trò đó hay không, phụ thuộc rất lớn vào môi trường học đường và thầy cô.

Bác Hồ cũng đã từng nói: “Có tài mà không có đức thì vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Những "sự cố" nghề nghiệp của những nhà giáo không may gặp phải trên đây cho thấy giống nhau ở chỗ, họ đều là giáo viên dạy giỏi và chưa từng vi phạm kỷ luật, nhưng chỉ một hành vi thiếu cẩn trọng, các cô đã bị xếp vào hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp...

Do vậy, nghề dạy học được thừa nhận là một nghề đặc biệt khác với mọi nghề khác, là tạo ra “sản phẩm” đặc biệt là con người. Trọng trách này khiến người thầy ngoài việc cần sự tận tâm dạy bảo học sinh, sự tìm tòi, sáng tạo để tìm ra cách dạy hay nhất, còn cần phải có cái tâm trong sáng, thể hiện ở đạo đức và hành vi hết lòng vì học sinh.

Thế nhưng, cùng với vấn đề mạng xã hội đang ở giai đoạn bùng nổ tại Việt Nam với các thiết bị hỗ trợ điện tử tràn ngập, nghề giáo cũng đang đứng trước nhiều thách thức, có ý kiến còn cho rằng, nghề đang ở giai đoạn nhạy cảm, nguy hiểm khi mà mạng 3G-4G, wifi phủ khắp nơi. Cánh cổng nhà trường luôn đóng kín trong giờ học bỗng trở lên rộng mở.

Thông tin “hot” của ngành nhanh chóng được đẩy lên mạng. Do vậy, với đặc điểm lan toả quá nhanh của hệ thống mạng, một hình ảnh, một câu nói, một hành vi không phù hợp của một giáo viên sẽ trở thành tai hoạ của ngành Giáo dục. Bởi vô số những cuộc “ném đá” tập thể đã góp phần không nhỏ vào làm "khô héo", thậm chí có thể “giết chết” tâm huyết người thầy.

Gọi tên họ - Người anh hùng

Bác Hồ đề cao sứ mệnh của người thầy giáo: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng CNXH và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất… những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Những sự cố của ngành Giáo dục không làm phủ mờ những nỗ lực của hàng trăm ngàn giáo viên đang ngày đêm tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, nhất là với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng “rừng thiêng nước độc”. Họ phải rất đặc biệt, rất anh hùng mới có thể đi gieo từng con chữ.

Hình ảnh các cô giáo ngã sõng soài trên những cung đường trơn trượt đầy bùn đất khi tới trường được một chuyên viên của Phòng Giáo dục huyện Mù Cang Chải (Lào Cai) chụp lại và chia sẻ lên trang cá nhân. Ngay sau đó những hình ảnh này nhận được sự đồng cảm của dư luận.

Chứng kiến những cung đường mà các thầy cô nơi đây đã đi hằng ngày để lên lớp làm nản lòng bất kỳ "phượt thủ" nào dũng cảm nhất, mới càng cảm nhận công sức, tâm huyết của người làm nghề. Có một cô giáo chia sẻ tấm hình ghi lại cảnh chiếc xe máy của cô "cắm đầu" xuống hố sâu khi đang vượt rừng đi đến "điểm trường" thì hẳn rất nhiều người sẽ phải thốt lên “quá nguy hiểm”.

“Tôi gọi em nhưng em chạy nhanh hơn để tôi không thấy. Nước mắt tôi chảy dài, giá như tôi biết hoàn cảnh em sớm hơn để chia sẻ cùng em…”, đó là những chia sẻ thấm đẫm tình thầy trò của cô giáo Nguyễn Thị Tuyến về cậu bé Raglai lớp 1 phải bỏ học vì gia đình quá nghèo.

Cô giáo Lê Thị Hòe, giáo viên Trường Tiểu học Trà Tập, Trà My - một huyện miền núi xa xôi của tỉnh Quảng Nam cũng đã kể về cái cảm giác đầu tiên khi đi dạy của cô: “Ba lô trên vai, tôi đi bộ leo núi gần 2 tiếng đồng hồ mới tới thôn 1, xã Trà Tập nơi điểm tôi sẽ dạy. Chân tứa máu, nhìn cảnh hiểm trở, hoang vắng, tôi bậm môi khóc ngon lành, đã nghĩ đến chuyện bỏ về. Sao mình có thể sống được nơi đây, khi mọi chuyện ngoài sức tưởng tượng và không thể hình dung”. Thế mà cô đã ở lại “cắm bản” hơn hai năm...

“Giáo viên cắm bản” là những từ vốn được nghe nhiều khi nói đến sự gian khổ của nhiều thầy cô giáo tâm huyết, hết lòng vì học sinh thân yêu. Rất nhiều đoàn từ thiện đã đi cùng với các giáo viên vào thăm những điểm trường xa nhất và sau đó là những chiến dịch huy động sự hỗ trợ của cộng đồng.

Các tổ chức đoàn thể cộng đồng thực hiện một cách tự nguyện cũng phần nào vì cảm phục cái vất vả, hy sinh của các thầy cô đang phải chịu đựng. Và, nếu ai đã một lần đến với các điểm trường ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo để được cảm nhận, trải nghiệm về sự khắc nghiệt, khó khăn, khắc nghiệt ở những nơi này hẳn sẽ bớt đi chuyện “ném đá” hay chí ít cũng sẽ "nhấn nút" tạo những comment mang tính xây dựng hơn cho ngành.

Nhóm PV
.
.
.