Kiến nghị sửa chữa những “khiếm khuyết”của các luật về giáo dục

Thứ Ba, 12/12/2017, 08:22
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) Việt Nam vừa có kiến nghị lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước một số vấn đề về sửa đổi Luật Giáo dục.

Theo Hiệp hội, để sửa chữa những khiếm khuyết của các luật về giáo dục, trước hết cần điều chỉnh lại kết cấu của các dự luật, bổ sung nhiều nội dung mới cũng như sửa chữa những nội dung được cho là không chính xác.

Theo Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam, Nghị quyết số 29 ban hành đã gần 4 năm nhưng nhiều nội dung quan trọng vẫn chưa đi được vào cuộc sống do vướng với khá nhiều quy định đã không còn phù hợp ở các luật về giáo dục, bao gồm Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Những vướng mắc này chủ yếu rơi vào ba cụm vấn đề: Hệ thống giáo dục quốc dân; Quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; Trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với giáo dục, đặc biệt đối với giáo dục đại học, thể hiện quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục.

Trong đó, điều khiến Hiệp hội đặc biệt lo lắng là hệ thống giáo dục quốc dân thể hiện ở các luật về giáo dục hiện hành bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết mà nếu không được sửa kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn tới tương lai gần của giáo dục Việt Nam, tới cơ cấu nguồn nhân lực của Việt Nam. 

Bên cạnh đó, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cũng cho rằng, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đang đồng thời chịu sự điều chỉnh của cả 3 luật gồm Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Để tránh sự bất nhất ở cả 3 luật điều chỉnh thì logic tất yếu là Luật Giáo dục cần phải được chỉnh sửa trước để định hướng cho việc chỉnh sửa tiếp theo của các luật giáo dục chuyên ngành. Ít ra là phải sửa đổi cùng một lúc với sự xem xét đồng bộ nhất quán. Việc chỉnh sửa độc lập tách biệt cả 3 luật là không hợp lý, lại càng không thể chấp nhận việc sửa đổi các luật “chuyên ngành” trước "luật mẹ" (tức Luật Giáo dục) như đã từng làm thời gian qua.

Cũng theo Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam, theo thông lệ quốc tế hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học có thể được phân loại theo những tiêu chí khác nhau như theo cơ cấu tổ chức (viện đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng), theo sứ mệnh (viện đại học quốc gia, viện đại học vùng, trường đại học ngành, trường đại học địa phương, trường cao đẳng ngành, trường cao đẳng địa phương, trường đại học tư thục,...), theo đẳng cấp (trường đại học nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng), theo phương thức tuyển sinh (trường đại học truyền thống, trường đại học mở), theo loại hình sở hữu (công lập, tư thục, tư thục hoạt động KVLN, dân lập).

Do vậy, trong Luật Giáo dục đại học cần có định nghĩa cho rõ từng loại trường như ở các nước để tránh gọi tên tùy tiện, đồng thời xác định rõ sứ mệnh của từng trường. “Dường như đang có sự nhầm lẫn giữa khái niệm phân tầng và xếp hạng chất lượng. Một nền giáo dục đại học phân tầng hoàn toàn không hề chấp nhận những cơ sở giáo dục đại học chất lượng thấp. Phân tầng ở đây chỉ có nghĩa là thừa nhận sự đa dạng về sứ mệnh của các cơ sở giáo dục đại học. Kinh nghiệm thế giới cho thấy Nhà nước không nên trực tiếp thực hiện xếp hạng nhà trường”- văn bản đề xuất của Hiệp hội nêu rõ.

Ngoài ra, theo ý kiến của Hiệp hội, việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học phải được triển khai đồng bộ với việc gia tăng trách nhiệm giải trình của các cơ sở đó. Cần viết rõ hơn về trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học, trong đó các trường phải công khai, minh bạch mọi hoạt động, phải chịu sự giám sát của Nhà nước và cộng đồng xã hội thông qua hội đồng trường và các tổ chức kiểm định, kiểm toán.

Huyền Thanh
.
.
.