Sự thật về tin đồn ‘bán Trường đại học An Giang giá 0 đồng’

Thứ Ba, 25/08/2015, 14:36
Thời gian gần đây lan truyền tin đồn “bán Trường đại học An Giang (ĐHAG) với giá 0 đồng” cho một doanh nghiệp (DN) lớn. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã tìm hiểu rõ vấn đề này.

Từ chủ trương xã hội hóa…

Theo tìm hiểu của phóng viên, xuất phát điểm của tin đồn từ thông tin ban đầu trên Facebook của vài cá nhân, dựa trên cách hiểu chưa chính xác về tinh thần buổi làm việc ngày 4/8 của UBND tỉnh với Tập đoàn Sao Mai (TĐSM) - An Giang (“DN lớn” mà nhiều tờ báo đề cập).

Cuộc họp do Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh chủ trì, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở ngành, UBND TP Long Xuyên và Trường ĐHAG.

Một phần trong nội dung buổi làm việc này là việc TĐSM xin chủ trương tiếp nhận Trường ĐHAG.

Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh, tỉnh đã đầu tư Trường ĐHAG với mong muốn phát triển trường trở thành đơn vị hàng đầu trong khu vực. Tuy nhiên, vì trường thuộc tỉnh nên khả năng ngân sách địa phương chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực cho trường (hiện còn nhiều hạng mục như thiết bị phòng thí nghiệm, một số khu chức năng chưa đầu tư hoàn chỉnh). Do đó, UBND tỉnh rất hoan nghênh ý tưởng của TĐSM về việc đầu tư vào Trường ĐHAG, đồng thời liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước từng bước phát triển theo mô hình đào tạo đạt chuẩn quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở GD-ĐT hỗ trợ TĐSM lập đề án để xin chủ trương chuyển đổi mô hình đào tạo của Trường ĐHAG sang hệ thống ngoài công lập và định hướng phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu đề án khả thi, UBND tỉnh sẽ báo cáo và trình xin ý kiến phê duyệt của Chính phủ (vì Trường ĐHAG do Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập).

Trường Đại học An Giang được đầu tư cơ sở vật chất quy mô, diện tích rộng và đẹp.

“Liên quan đến những thủ tục xã hội hóa Trường ĐHAG, phải thực hiện đúng quy trình thủ tục theo quy định pháp luật” - Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh lưu ý.

Dựa trên tinh thần buổi làm việc này, câu chuyện đầu tư vào Trường ĐHAG theo hướng xã hội hóa xuất phát từ ý tưởng của TĐSM. UBND tỉnh ủng hộ ý tưởng này do phù hợp với chủ trương chung chứ không hề có chuyện “bán” Trường ĐHAG với giá 0 đồng như thông tin đồn thổi.

Doanh nghiệp tiên phong

Theo Văn phòng UBND tỉnh, chủ trương xã hội hóa một số đơn vị sự nghiệp công lập không phải là ý tưởng của riêng An Giang mà thực hiện theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và mới đây nhất là Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần (CP).

Dù Chính phủ đã có quy định cụ thể về chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty CP nhưng đây là chủ trương mới, chưa có mô hình mẫu trong cả nước. Do vậy, khi chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các lĩnh vực ưu tiên (y tế, GD-ĐT), UBND tỉnh An Giang đều yêu cầu lập đề án cụ thể, giao các cơ quan tham mưu hỗ trợ thẩm định, tuân thủ theo đúng quy trình thủ tục. Chủ trương xã hội hóa Trường ĐHAG cũng là một trong số đó.

Dù định hướng chuyển đổi trường sang hình thức công ty CP nhưng vẫn phải thực hiện trên cơ sở “bảo toàn tài sản Nhà nước” và nguyên tắc “bảo đảm tiếp tục cung cấp dịch vụ công với chất lượng tốt hơn”.

Như vậy, dù có chuyển đổi hình thức, quyền lợi được đào tạo của sinh viên, học viên vẫn được đảm bảo, có thể tốt hơn khi trường tăng cường hợp tác quốc tế. Riêng về tài sản ngân sách đã đầu tư cho Trường ĐHAG, nếu chuyển sang công ty CP thì vẫn quy ra thành CP do Nhà nước sở hữu, không thể có chuyện “bán” giá… 0 đồng.

Ông Hồ Mạnh Dũng, Trợ lý Chủ tịch Hội đồng quản trị TĐSM, cho biết: “Thật ra tập đoàn có ý định đầu tư xây dựng trường đại học quốc tế tại ĐBSCL từ trước. Chúng tôi đã có bàn bạc sâu và ký kết hợp tác với GS.TS Kenneth A.Gbriel của Trường đại học Maryland (Mỹ) để hỗ trợ đào tạo nhân lực, xây dựng trường đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế tại ĐBSCL. Tuy nhiên, nhận thấy Trường ĐHAG có vị trí tốt, cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư cơ bản nên nếu TĐSM đầu tư thêm vào trường, liên kết với Trường Đại học Maryland để nâng chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ hiệu quả hơn đầu tư xây mới hoàn toàn.

Theo định hướng của TĐSM, nếu được tiếp nhận đầu tư vào Trường ĐHAG, chúng tôi sẽ hợp tác đào tạo quốc tế theo hướng chuyên sâu đối với nguồn nhân lực có trình độ cao, đồng thời, phát triển loại hình đại học cộng đồng, tức đào tạo nghề đạt tiêu chuẩn theo nhu cầu của xã hội, giải bài toán thừa “thầy” nhưng thiếu “thợ” có tay nghề giỏi, phong cách làm việc chuyên nghiệp như hiện nay”.

Thạc sĩ Hoàng Xuân Quảng - Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học An Giang.

Thạc sĩ Hoàng Xuân Quảng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHAG: “Thời gian gần đây trường mở rộng quy mô, số lượng đào tạo, đòi hỏi nguồn kinh phí khá lớn, trong khi nguồn thu thấp, chủ yếu từ học phí (hơn 30%). Kinh phí hoạt động thường xuyên khoảng 100 tỷ đồng/năm cộng với chi phí mua sắm 20-30 tỷ đồng, như vậy mỗi năm tỉnh phải đầu tư cho trường 100 tỷ đồng, nên ngân sách chưa đáp ứng. 

Cộng thêm thời gian gần đây tỷ lệ việc làm sinh viên ra trường giảm. Kinh tế- xã hội phát triển, giảm biên chế... thu hút nhân lực ngày càng ít, trong khi sinh viên ra trường muốn đi nơi khác làm đòi hỏi nhân lực chất lượng cao, nên không đạt yêu cầu, tạo dư luận sinh viên An Giang bị từ chối. Chúng tôi cũng thấy điều này, nhưng gặp khó là trường công lập tất cả ngành nghề đào tạo phải được Bộ GD-ĐT cho phép, nên dù biết xã hội đang cần ngành nghề gì cũng không mở được, còn những ngành có giấy phép đào tạo bên ngoài xã hội không cần, nếu tự chủ cao hoặc trường tư mềm dẻo sẽ đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Tôi khẳng định không phải bán trường, chỉ là hình thức chuyển đổi chủ sở hữu, gắn chủ trương xã hội hóa của Nhà nước.


Thầy Mai Ngọc Đức, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường ĐHAG: “Ban đầu khi nhận được thông tin, nhiều giáo viên, công nhân viên chức nhà trường cũng hoang mang. Sau được lãnh đạo nhà trường, các phòng ban giải thích chủ trương chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; TĐSM đề nghị đầu tư vào Trường ĐHAG theo hướng xã hội hóa là phù hợp định hướng chung, chứ chưa có chuyện thật sự “bán trường” tại thời điểm này nên cán bộ, giảng viên đã hiểu rõ”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Loan - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học An Giang.


Cô Nguyễn Thị Thanh Loan, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐHAG: “Phòng cũng biết được sinh viên hoang mang với thông tin trên. Do vậy, trong Tuần lễ sinh hoạt công dân đầu năm, trường sẽ định hướng lại cho các em hiểu rõ bản chất vấn đề, yên tâm học tập, nghiên cứu. Với xu thế xã hội hóa giáo dục, tôi đồng tình với định hướng chung. Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn rằng liệu chuyển giao trường cho một Tập đoàn quản lý thì có đạt được hiệu quả giáo dục, về lâu dài cần phải tính toán đến việc sử dụng chất xám, đảm bảo đời sống đội ngũ cán bộ, giảng viên, các khoản phí của sinh viên…”.
N.C. - H.C. -T.P. - K.H.
.
.
.