Khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào 2 trường

Thứ Năm, 18/08/2016, 08:46
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thống kê tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu để các trường tải dữ liệu về xét tuyển cho thấy, đã có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường.

Như vậy, có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trong đợt 1. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, các trường phải chấp nhận ảo. Không phải ở nước ta mà ở các nước phát triển, các trường đều phải chấp nhận thực trạng này trong tuyển sinh.     

Điểm cao vẫn trượt vì “vướng” tiêu chí phụ 

Mặc dù năm 2016, điểm chuẩn vào ngành Bác sỹ đa khoa của ĐH Y Hà Nội là 27 điểm, giảm 0,75 điểm so với năm 2015 nhưng không phải thí sinh nào đạt 27 điểm cũng đỗ vào trường. Lý do là ngoài điểm xét tuyển (gồm điểm thi và điểm ưu tiên) phải đạt từ 27 trở lên, nhà trường còn đưa ra tiêu chí phụ là thí sinh phải có điểm tổng kết môn Toán đạt 8,75 điểm trở lên. Chính tiêu chí phụ này đã “đánh bật” không ít thí sinh có điểm xét tuyển là 27.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1 năm 2016.

Tương tự, để trúng tuyển vào ngành Bác sỹ răng hàm mặt của ĐH Y Hà Nội, thí sinh cũng phải đáp ứng cả 2 yêu cầu là có điểm xét tuyển từ 26,75 và điểm tổng kết môn Toán từ 8,75 điểm trở lên. Đây cũng là lý do vì sao nhiều thí sinh dù có mức điểm xét tuyển 26,75 đến 27 điểm song vẫn không nằm trong danh sách trúng tuyển vào ĐH Y Hà Nội năm 2016 mà nhà trường vừa công bố vì không đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra trong tiêu chí phụ.

Không chỉ Đại học Y Hà Nội mà một số trường top trên khác như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng... cũng phải sử dụng đến các tiêu chí phụ để “chọn” thí sinh. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội yêu cầu ngoài việc đạt mức điểm trúng tuyển mà nhà trường đưa ra (từ 23 điểm đến 26,55 điểm tùy theo từng ngành học) thì thí sinh cũng phải đáp ứng thêm các tiêu chí phụ khác. Đó là tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp môn xét tuyển, tính cho sáu học kỳ THPT từ 20 điểm trở lên. Nhà trường sẽ kiểm tra học bạ THPT khi thí sinh trúng tuyển đến nhập học.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điển, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách Khoa Hà Nội, tiêu chí phụ được các trường, trong đó có ĐH Bách khoa đưa ra để chọn trong số rất nhiều thí sinh có cùng mức điểm. Thực tế cho thấy, nếu không có tiêu chí phụ, trường sẽ rất khó để tuyển đủ chỉ tiêu hoặc vượt quá chỉ tiêu vì có những ngành có tới hàng trăm thí sinh bằng điểm nhau.

TS. Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cũng cho biết: Tiêu chí phụ đưa ra là để “lọc” bớt thí sinh, đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh của trường vì ở mức điểm đó, có nhiều thí sinh đạt được. Nếu tuyển hết, trường sẽ vượt chỉ tiêu mà Bộ GD&ĐT quy định, tức là vi phạm quy chế. Cũng theo ông Dũng, năm 2016, Học viện  Ngân hàng có 2 ngành phải sử dụng thêm tiêu chí phụ môn chính là tiếng Anh đối với khối D và 4 ngành lấy tiêu chí phụ môn chính là Toán đối với khối A.

Lo thí sinh ảo, nhiều trường phải gọi vượt chỉ tiêu

Năm 2015, khoảng 20 trường ĐH top đầu đều tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Tuy nhiên, với quy định năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 2 trường nên việc thí sinh trúng cả 2 trường là rất lớn nên nhiều khả năng sẽ có nhiều trường phải tiếp tục xét tuyển đợt bổ sung mới đủ chỉ tiêu. Bên cạnh đó, năm nay khối trường Công an, quân đội đều công bố điểm trúng tuyển sớm nên tình huống các trường dân sự sẽ bị mất thí sinh vào tay các trường "hot" khác thuộc khối Công an, quân đội cũng dễ xảy ra.

Để an toàn cho nguồn tuyển, khi xác định điểm trúng tuyển, các trường đã tính toán hệ số tăng thêm ở các ngành để vừa có thể bù cho số thí sinh "ảo" mà không vượt quá lớn so với chỉ tiêu tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT đề ra.

Trong đó, Trường ĐH Bách khoa đã gọi số lượng thí sinh trúng tuyển dôi dư thêm khoảng 10% cho các ngành đào tạo trong nước và 30% cho các ngành liên kết đào tạo quốc tế. Trường ĐH Y Hà Nội cũng đã gọi trúng tuyển 1.255 thí sinh/1.100 chỉ tiêu, tức vượt khoảng 10%. Trường ĐH Luật Hà Nội gọi trúng tuyển 2.550 thí sinh/2.000 chỉ tiêu, vượt gần 15%. Học viện Hành chính quốc gia có 980 thí sinh trong danh sách trúng tuyển trong khi chỉ tiêu chỉ là 800, vượt 10%...

Đối với các trường top giữa và các trường ngoài công lập, do xác định tỷ lệ ảo sẽ rất lớn, tối đa có thể lên tới 50% nên hầu hết các trường này đều đã chủ động ra thông báo xét tuyển bổ sung với hàng trăm, hàng nghìn chỉ tiêu ngay tại thời điểm công bố điểm trúng tuyển mặc dù theo quy định của Bộ GD&ĐT, thời điểm nhận hồ sơ xét tuyển đợt bổ sung bắt đầu từ ngày 21-8. Trong đó, điểm chuẩn mà các trường này đưa ra chỉ bằng hoặc nhích hơn điểm sàn của Bộ GD&ĐT là 15 điểm.

Huyền Thanh
.
.
.