Học phí online – Mức thu nào là thỏa đáng?

Thứ Tư, 08/04/2020, 12:42
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đã chuyển đổi mô hình từ đào tạo trực tiếp sang đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, việc thu phí học online hiện không thống nhất giữa các trường. Thậm chí, khối trường ngoài công lập dù rất khó khăn nhưng vẫn giảm sâu hơn khối trường công lập…

*Học online có nên thu học phí như học tập trung?       

Trao đổi với chúng tôi, một số sinh viên học chương trình chất lượng cao của một trường đại học (ĐH) ở phía Bắc cho biết, hơn 2 tháng nay họ không đến trường, đồng nghĩa với việc họ không sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường nên nguyện vọng của họ là được nhà trường giảm học phí. 

Thậm chí, mới đây, một phụ huynh có con đang học tại trường ĐH chuyên đào tạo về công nghệ thông tin đã đề nghị nhà trường dừng ngay việc đào tạo online. Lí do của vị phụ huynh này là, “chúng tôi đóng học phí giá cao để được nhận chất lượng tốt, trong khi đào tạo online thì chất lượng không như mong muốn. Khi học online, sinh viên không được hỗ trợ bất cứ trang thiết bị nào, điều kiện học tập mỗi nơi lại khác nhau, internet không ổn định, nếu “chậm vào lớp online” là bị điểm danh vắng mặt. Tuy nhiên, nhà trường vẫn thu 100% học phí như khi sinh viên học ở trường là bất cập”.

Các giảng viên Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên) tập huấn dạy trực tuyến

Đồng cảm với nỗi niềm của sinh viên và phụ huynh, giảng viên T.H.K của một trường ĐH kinh tế phân tích, cần phân biệt giữa “dạy online” và “dạy offline theo kiểu online”. Online đúng nghĩa chính là cách mà một số trường đang làm cho hệ đào tạo từ xa, tức là dùng công nghệ của Topica; cơ sở dữ liệu, bài giảng, tài liệu học đều online. 

Còn dạy offline kiểu online như hiện nay cũng giống như một buổi livestream, dùng mọi nền tảng có sẵn (như Zoom, Facebook, Skype), giáo viên ngồi ở nhà hoàn toàn không đến trường – tức là cũng không sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường. 

Theo giảng viên T.H.K, nhiều thầy cô còn chưa dạy online bao giờ nên lúng túng. “Tôi băn khoăn cả ở cơ sở pháp lý, những trường vẫn thu 100% học phí như khi học tập trung dựa trên cơ sở nào? Với một chương trình đào tạo tập trung chỉ được sử dụng không quá 30% các hình thức giảng dạy khác. Dù các trường có dạy online tốt thế nào cũng không có cơ sở để nói chất lượng tương tự như dạyoffline nên các trường phải nghiêm túc xem xét giảm học phí cho sinh viên”.

Chỉ cần một chiếc máy tính, nội dung môn học đã được giảng viên livestream thông qua ứng dụng Zoom cho hàng nghìn sinh viên

Tuy nhiên, đứng ở góc độ nhà quản lý, các vị hiệu trưởng lại có lý lẽ khác. Theo GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, ông đồng tình với việc khi không đến trường là sinh viên không sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường. “Nhưng thời gian qua, nhà trường phải chi phí thêm cho phần mềm dạy online, camera, phí 3G cho giảng viên, do đó, nhà trường sẽ tính toán cụ thể để có quyết định hợp lý nhất cho quyền lợi của sinh viên”. 

Còn một hiệu trưởng của một trường ĐH tại Hà Nội thì chia sẻ, trường không giảm học phí đại trà cho tất cả các sinh viên mà dành gói hỗ trợ để tập trung giảm cho bộ phận sinh viên thực sự gặp khó khăn. “Khi dịch COVID-19 xảy ra, trường chúng tôi cũng thất thu nhiều dịch vụ, nên cũng mong được sinh viên chia sẻ và ủng hộ mọi quyết định của nhà trường, để cùng nhau vượt qua khó khăn”, vị hiệu trưởng này chia sẻ.

*Mức giảm vẫn “nhỏ giọt”

Hiện một số trường ĐH đã có tính toán để giảm học phí cho sinh viên. Trường ĐH Ngoại thương đã kích hoạt gói hỗ trợ tài chính đặc biệt dành cho sinh viên, bao gồm việc hỗ trợ số tiền tương đương 5% học phí của học kỳ 2 năm học 2019-2020 (số tiền này được giảm trừ trực tiếp vào học phí phải nộp) cho toàn bộ gần 15.000 sinh viên hệ đại học chính quy ở cả 3 cơ sở Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh. Đồng thời, lùi thời hạn đóng học phí thêm 1 tháng. 

Bên cạnh đó, nhà trường cũng triển khai ngay việc xét cấp bổ sung học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian dịch COVID-19 đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên với mức học bổng tương đương 50%-100% học phí. 

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã quyết định dành gói 20 tỷ đồng từ các nguồn thu của nhà trường tập trung hỗ trợ miễn, giảm học phí học kỳ 2 năm học 2019-2020 cho những sinh viên có hoàn cảnh kinh tế gia đình thực sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Tùy vào mức độ ảnh hưởng, sinh viên sẽ nhận được mức hỗ trợ lên tới 50% học phí của học kỳ. 

Được biết, số sinh viên khó khăn của Trường ĐH Bách Khoa thuộc diện được hưởng ưu đãi này lên đến gần 10.000 em. Trường ĐH FPT đã trích từ Quỹ đầu tư phát triển hơn 80 tỉ đồng để hỗ trợ 20% học phí các tháng hè từ tháng 5 đến tháng 8/2020 cho sinh viên cao đẳng và sinh viên đại học. Tỉ lệ hỗ trợ học phí cho chương trình liên kết của ĐH FPT là 10%.

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội học trực tuyến

Tại phía Nam, ĐH Quốc gia TP HCM đề nghị các trường thành viên có mức giảm học phí phù hợp, không quá 10%, do đó các trường thành viên như Trường ĐH Quốc tế quyết định giảm 10% học phí học kỳ 2 năm học này; Trường ĐH Công nghệ thông tin cũng giảm 7% học phí học kỳ II năm học 2019-2020 cho tất cả sinh viên hệ chính quy; sinh viên đã đóng sẽ được giảm, khấu trừ vào năm tiếp theo. Sinh viên tốt nghiệp, bảo lưu, xin thôi học, bị buộc thôi học sẽ nhận lại phần được giảm.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM cũng vừa quyết định giảm 25% học phí trực tuyến cho sinh viên bắt đầu từ tháng 4/2020, khi nhà trường chính thức dạy trực tuyến đại trà đối với sinh viên các khóa. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng giảm 8% học phí với các học phần lý thuyết dạy trực tuyến trong học kỳ II năm học 2019-2020. Với mức giảm trên, học kỳ II trường miễn giảm khoảng 40 tỉ đồng học phí cho sinh viên.

Trong khi nhiều trường ĐH công lập chỉ giảm nhẹ, chủ yếu dưới 10% học phí thì khối các trường ĐH ngoài công lập lại giảm nhiều hơn. Tại TP HCM, các trường ĐH Hoa Sen, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Văn Hiến, ĐH Văn Lang, ĐH Gia Định đều giảm 20% học phí online  kỳ II năm học 2019-2020 cho tất cả sinh viên. Riêng Trường ĐH Văn Hiến còn giảm 10% học phí đối với các môn học offline cho tất cả sinh viên trong mùa dịch.

Ngay sau khi nhiều trường thông tin về mức giảm học phí, nhiều sinh viên cho hay, với mức giảm dưới 10% học phí thì số tiền được giảm cũng không nhiều, ví dụ học kỳ này sinh viên phải đóng 10 triệu, nhà trường giảm 5% thì sinh viên chỉ được giảm 500.000 đồng, trong khi dịch bệnh COVID – 19 đang khiến cho kinh tế của nhiều gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng thì mức giảm đó không giúp sinh viên cải thiện được cuộc sống…

Thu Phương - Huyền Thanh
.
.
.