Học không phải chỉ lấy bằng mà để sáng tạo tri thức đóng góp cho xã hội

Thứ Tư, 16/05/2018, 17:18
Ngày 16-5, tại Hà Nội, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã  phối hợp với Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của quốc hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban tuyên giáo Trung ương và Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế”. Đây cũng là hội thảo quốc gia đầu tiên bàn về hệ thống giáo dục mở. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.


Giáo dục mở là ai cũng được đi học, kể cả người yếu thế nhất

TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban tuyên giáo Trung ương cho biết: Xây dựng hệ thống giáo dục mở là một trong hai vấn đề cơ bản nhất, có giá trị cốt lõi nhất trong Nghị quyết Trung ương 29 về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà. 

Rất tiếc là cho đến nay, đã 5 năm kể từ khi ra nghị quyết, nhưng các cơ quan liên quan vẫn chưa cụ thể hóa cho rõ nghĩa là hệ thống giáo dục “mở” bao gồm những yêu cầu và nội dung gì. Khái niệm giáo dục mở vẫn được các học giả nước ta hiểu một cách ít nhiều cảm tính và do đó có những cách hiểu khác nhau. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo

Cũng theo quan điểm của TS Vũ Ngọc Hoàng, đặc điểm đầu tiên của nền giáo dục mở là sự thoáng mở về tư duy và cơ chế về quản lý trong giáo dục đào tạo. Đặc điểm mở của nền giáo dục còn cần thể hiện ở môi trường phát triển đối với con người.

Hệ thống mở ấy còn được thể hiện ở sự đa dạng, linh hoạt và dân chủ về loại hình và phương thức giáo dục, đào tạo. Đặc biệt, hệ thống giáo dục mở chắc chắn phải đảm bảo thực chất về quyền tự chủ đầy đủ và toàn diện cho các trường đại học, cao đẳng bởi chỉ khi nào có quyền tự chủ ấy thì mới có một nền giáo dục đại học trưởng thành.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam lại cho rằng: Giáo dục mở là ai cũng được đi học, kể cả người yếu thế nhất. Cũng theo GS Dong, các trường đại học nên tăng cường giáo dục cho người lớn bởi với một bộ phận người lớn hiện nay, việc học tập gặp rất nhiều rào cản. 

Đơn cử như lao động phổ thông di cư ra thành phố kiếm việc làm; thanh niên đi làm giúp việc cho các gia đình, hàng quán, hầu như lực lượng này không được tiếp cận với giáo dục. Do vậy, để có nền giáo dục mở thật sự thì phải xây dựng xã hội học tập, cộng đồng học tập để người dân có nhu cầu và điều kiện được học tập suốt đời.

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng khẳng định: Rất cần phải thúc đẩy giáo dục mở ở Việt Nam, bởi chỉ giáo dục mở mới đảm bảo được cho từng công dân Việt Nam có khả năng có được tri thức nhân loại lớn nhất với chi phí nhỏ nhất nhằm có được các kỹ năng cần thiết để sống, làm việc và học tập trong kỷ nguyên số - kỷ nguyên tri thức.

Phải tạo sức ép buộc các trường tự chủ

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, trong quá trình xây dựng và thực hiện Nghị quyết 29, Chính phủ đã bàn về giáo dục mở, đó là xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt trong quá trình bàn thảo, Chính phủ đã chỉ ra rằng, giáo dục mở xuất hiện ngay từ khi đất nước giành độc lập thông qua phong trào xóa mù chữ  “bình dân học vụ”.

Đặc biệt, từ khi ban hành nghị quyết 29 đến nay, Chính phủ đã phê duyệt đề án chương trình xây dựng xã hội học tập hoàn toàn theo tinh thần giáo dục mở. Chính phủ cũng đã ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ giáo dục quốc gia Việt Nam; ban hành hàng loạt đề án như Đề án đào tạo từ xa, Đề án tăng cường công nghệ thông tin trong giảng dạy; Đề án tăng cường dạy ngoại ngữ; Đề án “Xây dựng hệ tri thức việt số hóa”, trong đó xây dựng toàn bộ tri thức của mình không những là học liệu cho các trường đại học mà còn xây dựng cho mọi người tự học. Những đề án trên đã hoàn toàn tiếp cận theo hướng mở như UNESCO khuyến nghị. Do đó, thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện cho thật tốt.

Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, vai trò giáo dục Việt Nam là phải đi trước một bước. Tuy nhiên, thực tế nhiều người vẫn chưa hài lòng với kết quả chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Bởi lẽ, nhìn vào chỉ số xếp hạng đại học hàng đầu thế giới thì Việt Nam chỉ có vài trường trong top 300-500 châu Á, số công trình bài báo khoa học thì ít, kém rất xa với các nước. 

Do đó, mục tiêu cần đi trước và cần kiên trì, kiên quyết ngay lập tức là đưa vào hành lang pháp lý tạo sức ép buộc các trường phải tự chủ. Khi tự chủ các trường buộc phải tìm cách làm sao học liệu tốt nhất để cạnh tranh được, nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, tất cả những rào cản được nhận diện cản trở giáo dục mở phải được gỡ bỏ một cách kiên quyết. Đồng thời tập trung kêu gọi xây dựng hệ thống học liệu mở, kêu gọi tinh thần chia sẻ. 

Mục tiêu của nền giáo dục mở là hướng tới việc mọi người dân đều có cơ hội được học tập suốt đời

Khi đó, Chính phủ, Bộ khoa học công nghệ cùng các nhà mạng lớn sẽ tham gia cung cấp hạ tầng vào học liệu xuống tới tận bậc phổ thông; có chính sách phát triển viễn thông sao cho các nhà khoa học ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới giáo dục cá nhân học trên điện thoại di động để mọi người đều học được. 

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, để tiến tới “giáo dục mở’ thì đây không phải là việc của riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam hay các cơ sở giáo dục mà đó là việc của toàn xã hội cùng nhận thức học không phải chỉ lấy bằng mà học để biết, để làm việc, để sáng tạo tri thức đóng góp cho xã hội. 

Huyền Thanh
.
.
.